Làm du lịch: Trăm người xây không lại một người phá

ANTD.VN - Trên một số trang mạng, người ta còn truyền nhau những kinh nghiệm để không bị đeo bám, chèo kéo, “chặt chém” tại Hạ Long. Khó có thể điểm mặt chỉ tên tất cả những trường hợp đáng buồn xảy ra trong lĩnh vực dịch vụ du lịch.

Những người yêu du lịch Thủ đô còn đang vui mừng bởi Hà Nội góp mặt trong top 10 thành phố tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, theo khảo sát “Các thành phố điểm đến toàn cầu năm 2017” do Mastercard vừa công bố thì đã phải thất vọng trước thông tin lái taxi Chử Văn Điệp (hãng Taxi Tiến Thành) “chặt chém” du khách Rungvit Tuitemwong (Thái Lan) khi tính giá cước từ Trần Khát Chân về 21 Cầu Gỗ (khoảng 4km) tới 820.000 đồng.

Làm du lịch: Trăm người xây không lại một người phá ảnh 1Du khách Rungvit Tuitemwong nhận lại tiền cước taxi bị lái xe “chặt chém”

Xử lý, chấn chỉnh trường hợp cá biệt

Trước đó, Carspring - một website bán xe ô tô trực tuyến tại Anh đã công bố bảng giá phí taxi trên toàn thế giới. Phần lớn các thành phố với giá taxi rẻ trong top 20 nằm tại châu Á và Hà Nội (Việt Nam) đứng thứ 10. Theo bảng xếp hạng, chí phi đi từ sân bay về trung tâm Hà Nội là hơn 300.000 đồng. Mức giá đi quãng đường 3km là khoảng 44.000 đồng. 

Hà Nội từng nhiều lần lọt top “Những điểm đến rẻ nhất hành tinh” do các trang du lịch uy tín trên thế giới bình chọn. Du lịch Hà Nội nói riêng và du lịch Việt Nam đạt được những danh hiệu, sự ghi nhận của cộng đồng đã khó, giữ được còn khó hơn. Vậy mà thi thoảng, lại xuất hiện những “con sâu làm rầu nồi canh” khiến những người làm du lịch đang dốc sức cho sự phát triển của “ngành công nghiệp không khói” phải “muối mặt”.

Không chỉ riêng lĩnh vực vận tải hành khách, từ đầu năm đến nay, không hiếm các trường hợp người dân địa phương “bắt nạt ví tiền” du khách, từ nhà hàng, khách sạn đến… nhóm bán chuối, bán dứa, bát bún riêu đòi tiền trăm, cốc trà đá đòi tiền chục. Đầu năm, dư luận bức xúc khi một khách sạn ở Nha Trang, một phòng giá 700.000 đồng, thu của khách nước ngoài 3,2 triệu đồng/đêm. Rồi quán ăn ở một “thành phố đáng sống” bị “tố” hét giá du khách một bữa trưa giá 6 triệu đồng nhưng chất lượng không tương xứng. 

Bây giờ trên một số trang mạng, người ta còn truyền nhau những kinh nghiệm để không bị đeo bám, chèo kéo, “chặt chém” tại Hạ Long. Khó có thể điểm mặt chỉ tên hết những trường hợp đáng buồn xảy ra đối với lĩnh vực dịch vụ du lịch. Thi thoảng, lại là một địa phương, lại là vài trường hợp cá biệt khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc, chấn chỉnh.

Từ bỏ ngay thói xấu tranh thủ nâng giá

Sau khi cơ quan quản lý siết chặt, đưa ra mức phạt thích đáng, tình hình đã cải thiện rõ rệt. Ông Bùi Ngọc Tân - Đội trưởng Thanh tra Giao thông Vận tải quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: “Việc Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thường xuyên chỉ đạo thanh tra xử lý kiên quyết đã giảm việc gian lận cước taxi của du khách. Song, vẫn có những trường hợp cá biệt như lái xe Chử Văn Điệp”.

Chiều 31-10, với sự hỗ trợ của Quầy thông tin và hỗ trợ khách du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) và Thanh tra Sở Giao thông Vận Tải Hà Nội, du khách Rungvit Tuitemwong (Thái Lan) đã nhận lại số tiền thừa bị lái xe Chử Văn Điệp thu trái quy định.

Sở Du lịch Hà Nội có các điểm hỗ trợ khách du lịch như Trung tâm Thông tin và Hỗ trợ khách du lịch tại 28 Hàng Dầu, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Quầy thông tin và hỗ trợ khách du lịch trên phố Lê Thạch… Đường dây nóng của Sở Du lịch Hà Nội 0941 33 66 77 luôn túc trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách.

Sở Du lịch Hà Nội là một trong những đơn vị vào cuộc nhanh, hỗ trợ những du khách gặp các vấn đề liên quan đến du lịch, lữ hành, dịch vụ… Bằng cách trực tiếp, du khách có thể đến trụ sở Sở Du lịch Hà Nội ở số 3B, Hoàng Diệu, Quán Thánh, Hà Nội.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội còn có các điểm hỗ trợ khách du lịch như Trung tâm Thông tin và Hỗ trợ khách du lịch tại 28 Hàng Dầu, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Quầy thông tin và hỗ trợ khách du lịch trên phố Lê Thạch… Đường dây nóng của Sở Du lịch Hà Nội 0941336677 luôn túc trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách.

Mới đây, Đà Lạt lên phương án dẹp nạn “chặt chém” dịp Festival hoa. UBND thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) vừa yêu cầu các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh dịch vụ trên vịnh Hạ Long phải thực hiện nghiêm túc việc niêm yết bằng 3 thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc) và bán hàng đúng giá bảng giá. 

Những quy định và cả những chế tài xử phạt nghiêm đưa ra là cần thiết. Song, đối với ngành du lịch thì nhận thức của người dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi lẽ, mỗi người dân đều là một mắt xích cấu thành một sản phẩm du lịch như dịch vụ đồ ăn, đồ lưu niệm, và họ có thể tham gia gián tiếp như khi tham gia giao thông, ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường. 

Tranh thủ mùa vụ để nâng giá cao hay chỉ vì nảy sinh lòng tham, lợi ích trước mắt mà để lại ấn tượng không tốt với du khách luôn là một quan niệm sai lầm. Bởi du lịch Việt Nam giàu tiềm năng và xứng đáng được người dân chung tay xây dựng lộ trình phát triển bền vững từ những điều giản dị.