Làm cháu bé 15 tuổi sinh con, phạm tội gì? Ai được nuôi đứa con?

ANTĐ - Cháu H (SN 2000, ở huyện Tây Sơn, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) có thai đến tháng thứ 7 thì em và gia đình mới biết. Bé H đã sinh con ở tuổi 15 nghĩa là thời điểm xảy ra vụ việc H chỉ 14 tuổi.
Làm cháu bé 15 tuổi sinh con, phạm tội gì? Ai được nuôi đứa con? ảnh 1

Ảnh minh họa

Khi bị gia đình truy hỏi, bé H cho biết lý do của việc em có thai là vì vào một tối đầu năm 2015, khi em đi học thêm về gần tới nhà thì bị P.T.D (21 tuổi, là hàng xóm ở gần nhà) đi xe máy lại gần rồi ép ngã H. Sau đó D kéo H vào một ngôi nhà hoang bên đường cưỡng hiếp. Vì sợ, H không dám kể chuyện này với ai. Gia đình cháu H sau khi biết chuyện đã làm đơn tố đối tượng  D tới công an xã.

Lãnh đạo Công an xã Bình Nghi xác nhận: Có tiếp nhận đơn và xác minh vụ việc thì đúng là cháu H (SN 2000) mang thai. Tuy nhiên mối quan hệ giữa cháu H và đối tượng được cho là “tác giả” của cái thai như thế nào thì hiện đang xác minh.

Mẹ của cháu H cho biết, đối tượng D đã có vợ. Hiện D có nhận tội nhưng khai rằng sự đồng thuận của nạn nhân. Được biết cơ quan điều tra đang tiến hành giám định AND. Còn về đứa con, cháu H cho rằng: “Ai muốn nuôi thì nuôi, cháu muốn quay lại đi học”. Mẹ cháu H thì cho biết có thể nuôi cháu nhưng lo ngại việc đối tượng D ở gần sẽ gây khó khăn.

Vấn đề đặt ra là nếu như xác định đối tượng D là “tác giả” làm cho cháu H có thai, thì D phạm tội gì, D có được quyền nuôi cháu bé hay không?

 Ý kiến bạn đọc :

 

D phạm tội hiếp dâm trẻ em

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, tội Hiếp dâm trẻ em được chia làm 2 trường hợp. Đó là hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi và hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến 16 tuổi. Ở trường hợp thứ nhất, đối tượng sẽ bị truy tố theo khoản 4 Điều 112, tội Hiếp dâm trẻ em với mức phạt tù mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Trường hợp thứ hai, đối tượng có thể bị truy tố theo khoản 1, khoản 2 hoặc khoản 3, Điều 112.

Trong trường hợp này, cháu H đã 14 tuổi, đối tượng D đã làm cháu H có thai, nghĩa là đối tượng có thể bị truy tố theo khoản 3 Điều 112 với mức án từ hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Cụ thể, đối tượng D đã có hành vi lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân, cưỡng ép giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân, làm nạn nhân có thai. Như vậy hành vi của D đã đủ yếu tố cấu thành tội Hiếp dâm trẻ em theo Điều 112 Bộ luật Hình sự với tình tiết tăng nặng được quy định tại khoản 3 của điều luật  này.

Trần Khánh Ly (Hoàng Mai - TP Hà Nội)

Dù cháu H có đồng thuận, D vẫn bị khởi tố

Tôi cho rằng để điều tra vụ án này, thì việc đầu tiên cần tiến hành là giám định ADN để xác định chính xác xem đối tượng D có phải là thủ phạm gây ra vụ án trên hay không? Trong vụ án này, có chi tiết đối tượng D đã thừa nhận hành vi giao cấu với cháu H, song không thừa nhận hành vi cưỡng ép mà cho rằng có sự đồng thuận.

Tuy nhiên do cháu H - nạn nhân của D là trẻ em, thời điểm xảy ra vụ án, cháu H mới 14 tuổi. Luật Hình sự quy định đối với tội Hiếp dâm trẻ em thì kể cả dù nạn nhân có đồng thuận thì đối tượng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật quy định như vậy là để bảo vệ trẻ em, đối tượng được coi là chưa đủ năng lực hành vi, chưa có khả năng tự bảo vệ được mình.

Nguyễn Nam Trung (Quy Nhơn - Bình Định)


Đối tượng D không phạm tội cưỡng dâm?

Tôi khẳng định D không phạm tội cưỡng dâm vì theo Bộ luật Hình sự, Điều 113 quy định về tội cưỡng dâm là hành vi ép buộc hoặc bằng những thủ đoạn khác nhau buộc người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng chịu giao cấu với mình.

Xét quan hệ giữa cháu H và đối tượng D ở đây không phải là quan hệ lệ thuộc, D chỉ là hàng xóm với cháu H. Hơn nữa cháu H cũng không ở trong tình trạng quẫn bách, hết sức khó khăn, không thể tự mình khắc phục được. Tội cưỡng dâm và tội hiếp dâm cùng là hành vi xâm phạm tình dục ngoài ý muốn, song tội hiếp dâm khác tội cưỡng dâm chính là mối quan hệ giữa đối tượng và nạn nhân.

Nạn nhân của tội hiếp dâm có thể là bất kỳ ai, còn nạn nhân của tội cưỡng dâm là người bị lệ thuộc vào đối tượng hoặc đang ở trong tình trạng quẫn bách. Trong trường hợp này, cháu H không bị lệ thuộc vào đối tượng D, và không ở trong tình trạng quẫn bách nên không thể truy tố D về tội cưỡng dâm.

Nguyễn Đình Chinh (Bắc Từ Liêm - Hà Nội)


D có đủ tư cách nuôi con hay không?

Trong vụ án này, có tình tiết mà mẹ cháu H băn khoăn là gia đình bà có thể nuôi cháu bé, song lo ngại việc đối tượng D là hàng xóm ở gần nhà nên có thể gây khó khăn.

Theo tôi được hiểu thì dù đối tượng D có thể là người làm cho cháu H có thai, song hiện tại D chưa đủ tư cách pháp lý để làm cha đứa bé (không phải hôn nhân hợp pháp), và cũng không đủ tư cách đạo đức để làm cha đứa bé bởi hành vi phạm tội cưỡng hiếp mẹ cháu bé, nên đối tượng D không có quyền nuôi cháu bé ở thời điểm hiện tại. Hơn nữa, cháu H còn quá nhỏ, còn muốn đi học, và có thể chưa có đầy đủ điều kiện hiểu biết về các kiến thức để làm mẹ, nên để gia đình cháu H và cháu H chăm sóc nuôi dưỡng em bé là tốt nhất. 

Trịnh Thị Lam (Sầm Sơn, Thanh Hóa)

 Bình luận của luật sư :

Trong trường hợp vụ án này, có hai vấn đề đặt ra mà chúng ta cần bàn luận tới, thứ nhất là hành vi giao cấu với em H của đối tượng D có phạm tội hay không? Phạm tội gì? Thứ hai, nếu xác định được D là bố đứa bé mà em H mang thai thì D có đủ điều kiện để nuôi con hay không?

Thứ nhất, bàn về hành vi giao cấu của đối tượng D với em H: Theo như em H khai báo thì vào một tối đầu năm 2015, khi em đi học thêm về gần tới nhà thì bị P.T.D (21 tuổi, là hàng xóm ở gần nhà) đi xe máy lại gần rồi ép ngã H. Sau đó D kéo H. vào một ngôi nhà hoang bên đường cưỡng hiếp. Còn D thì trình bày là việc D giao cấu với H là có sự đồng thuận của H.

Hiện vấn đề này vẫn chưa được làm rõ. Hành vi giao cấu của đối tượng D với em H là có sự đồng thuận của em H hay không? Việc em H có đồng thuận trong việc này hay không có ảnh hưởng lớn tới việc xác định tội danh của D. Vì thế, ta có thể phân thành 2 trường hợp:

Nếu làm rõ được hành vi giao cấu của D với H là ngoài ý muốn của em H thì hành vi của D đủ yếu tố cấu thành tội Hiếp dâm trẻ em theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp này, nếu giám định cái thai của em H là do D gây ra thì hành vi của D vi phạm điểm b khoản 2 Điều 112 là Làm nạn nhân có thai và bị truy cứu theo khung hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm tù.

Nếu không làm rõ được hành vi giao cấu của D với em H có ngoài ý muốn của em H hay không hoặc đúng là em H có sự đồng ý trong trường hợp này: Như lời khai của D đã thừa nhận là D đã có hành vi giao cấu với em H. Tại thời điểm giao cấu thì em H mới 14 tuổi.

Khi đó, cho dù em H có đồng ý thì hành vi của D cũng đủ yếu tố cấu thành tội “Giao cấu với trẻ em” quy định tại Điều 115 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp này, nếu giám định cái thai của em H là do D gây ra thì D vi phạm điểm d khoản 2 Điều 115 là làm nạn nhân có thai và bị truy cứu với khung hình phạt là phạt tù từ ba năm đến mười năm. 

Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ nuôi con: Hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể về quyền và nghĩa nuôi con trong trường hợp người phụ nữ bị giao cấu trái ý muốn mà để lại hậu quả là có thai. Tuy nhiên, về nguyên tắc quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và các văn bản khác, dù không phải là vợ chồng nhưng quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con.

Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi và trong trường hợp cha mẹ của đứa trẻ không thỏa thuận được về người nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Đây là nội dung được quy định tại Điều 81 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Và việc “trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên…” là quyền và nghĩa vụ của cha mẹ (Khoản 2, Điều 69 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).

(Văn phòng Luật sư Phúc Thọ)