Làm báo ở chốn pháp đình

ANTD.VN - Nhiều năm trên các hàng ghế của tòa án và tham dự tới hàng nghìn phiên xử, nhưng với tôi lạ là ở chỗ chưa bao giờ có cảm giác sợ hãi hay ngán ngẩm…

Không gian tác nghiệp hàng ngày của phóng viên mảng pháp đình

Chụp hình bị hằm hè đe nẹt

Còn nhớ ngày mới chính thức được Ban Biên tập phân công theo dõi “mảng pháp đình”, tôi thực sự như một cô nàng vừa mới bước chân về nhà chồng. Mọi thứ xung quanh đều vô cùng bỡ ngỡ. Nhưng thật may cho tôi khi ấy là lúc nào cũng có những người đồng nghiệp đi trước chỉ dẫn.

Thời gian như thoi đưa, cùng với những áp lực vô hình của nghề báo đã buộc tôi phải nhanh chóng “khôn lớn” và trưởng thành hơn. Vậy nhưng điều này không hoàn toàn đồng nghĩa với việc lúc nào tác nghiệp tại phiên tòa chúng tôi cũng được ưu ái và thuận lợi.

Ở chốn pháp đình, thường xuyên “đụng” phải những đối tượng “không phải dạng vừa”, nên chuyện phóng viên pháp đình khi đưa máy ảnh lên chụp hình gặp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía những người phạm tội không phải là hiếm. 

Cá biệt, trong những vụ án mang màu sắc tội phạm ổ nhóm hoặc những bị cáo cộm cán một thời thì sự nguy hiểm, cảm giác bất an của phóng viên không chỉ đến từ phía các bị cáo. Mà điều đáng lo ngại nhất chính là sự hằm hè, đe dọa đến từ phía người thân cũng như “bạn bè xã hội” của những người bị chụp hình tại phiên xử.

Cách đây chưa lâu, anh bạn tôi, khi đó đang là phóng viên của một cơ quan báo chí cũng đã từng bị một nhóm đối tượng “xăm trổ” đầy mình tấn công, đòi đập nát máy ảnh ngay tại hành lang phòng xử án. Đận ấy, trong khi tác nghiệp, anh bạn phóng viên pháp đình này đã chụp ảnh các bị cáo bị truy tố cùng lúc về nhiều tội danh khác nhau, trong đó có tội “Giết người”.

Vừa ra khỏi phòng xét xử, anh bạn tôi lập tức bị 4-5 đối tượng là “bạn bè xã hội” của các bị cáo xấn tới đe dọa và giằng chiếc máy ảnh trên tay. Với tinh thần đồng nghiệp cũng như không chấp nhận sự vô lý, ngang ngược, tôi cùng một số đồng nghiệp ở một số báo khác vội chạy tới can thiệp. Không địch nổi đám giang hồ hung hãn, cuối cùng tôi buộc phải đề nghị lực lượng Cảnh sát Hỗ trợ tư pháp có mặt tại Tòa án Hà Nội giải vây.

Thủ tục đầy đủ vẫn bị gây khó khăn

Một ngày cuối tháng 3-2015, cầm lá đơn của gia đình bị hại trong tay, tôi được chỉ huy Ban Nội chính (Báo ANTĐ) phân công đến dự và đưa tin về phiên tòa xét xử bị cáo gây tai nạn giao thông (TNGT) tại TAND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bằng kinh nghiệm nhiều năm theo dõi mảng pháp đình, tôi đoán chắc nếu không “tròn trịa” về mặt thủ tục thì chắc chắn tôi sẽ bị làm khó ở phiên xử.

Thế nên trước khi đến tham dự phiên tòa đó, trong tay tôi ngoài Thẻ nhà báo ra còn có cả một tấm giấy giới thiệu rất rõ ràng và cụ thể. Sau gần nửa tiếng chờ đến giờ khai mở phiên tòa, tôi nhanh chóng vào phòng thường trực của Tòa án Hai Bà Trưng làm thủ đăng ký tham dự phiên tòa. Tiếp tục chờ đợi thêm lúc nữa, cuối cùng tôi cũng được “diện kiến” vị nữ Thẩm phán (người viết xin phép không nêu tên) được phân công ngồi ghế chủ tọa phiên tòa.

Sau một hồi xem đi, xem lại các giấy tờ của phóng viên, vị thẩm phán lạnh lùng yêu cầu: “Anh đi photo cho tôi Thẻ nhà báo”. Không muốn làm căng nhưng cũng không thể chấp hành cái “mệnh lệnh” vô lý ấy, tôi chỉ nhẹ nhàng đáp lại: “Thưa bà Thẩm phán! Pháp luật nói chung và Luật Báo chí nói riêng không có quy định nhà báo phải photo thẻ cho tòa án”.

Hồi đáp nữ Thẩm phán của Tòa án Hai Bà Trưng là vậy, song tôi vẫn nhã nhặn gợi ý: “Nếu chị thấy cần thiết thì chị có thể cầm thẻ đi photo hoặc chị có thể viết ngay các thông tin trên thẻ vào tấm giấy giới thiệu chị đang cầm”. Chỉ đến lúc này, nữ chủ tọa phiên xử vụ án TNGT mới chấp nhận để phóng viên vào dự tòa. 

Thế nhưng ngay khi phiên tòa khai mạc, một lần nữa phóng viên Báo ANTĐ lại bị nữ thẩm phán làm khó. Theo đó, vị chủ tọa phiên tòa đã phổ biến nội quy phòng xử án một cách xanh rờn rằng: “Phóng viên không được chụp ảnh, quay phim và ghi âm, ghi hình”.

Đến lúc này thì lòng tự trọng nghề nghiệp trong tôi đành phải lên tiếng. Trước tòa, chúng tôi buộc phải viện dẫn các quy định của Luật Báo chí, Nghị định số 51/2002/NĐ-CP (hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Báo chí sửa đổi) và Bộ luật Dân sự để bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo tại một phiên tòa công khai.

Và khỏi phải nói, trong khi những người ngồi dự phiên tòa vỗ tay rầm rầm “tán thưởng” phóng viên thì nữ chủ tọa phiên xử lại vội vàng bập ngay vào xét hỏi bị cáo, trước sự ngỡ ngàng của vị đại diện VKS. Bởi lẽ khi ấy, HĐXX đã quên không để KSV công bố bản cáo trạng truy tố bị cáo.

Tương tự tình huống ở Tòa án Hai Bà Trưng, một lần khác cách đây đã lâu ở TAND huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm), phóng viên Báo ANTĐ cũng bị vị chủ tọa phiên xử 3 bị cáo phạm tội “cướp bạc” đưa ra “thử thách” với việc yêu cầu chúng tôi phải được sự đồng ý của Chánh án mới được tác nghiệp tại phiên tòa.

Tuy nhiên, bằng kiến thức pháp luật cũng như uy tín của một tờ báo hàng đầu Thủ đô, chúng tôi đã dễ dàng hóa giải được ngay tình huống bị làm khó mà không phải bất cứ phóng viên pháp đình nào cũng hóa giải được… Nhớ lại những kỷ niệm trong nghề và nhất là trong những ngày tháng Tám mùa thu này, cá nhân tôi - một phóng viên được cơ quan giao nhiệm vụ bám sát mảng pháp đình luôn bùi ngùi những cảm xúc khác nhau.

Nhưng bao trùm lên tất thảy những cung bậc cảm xúc ấy, đó chính là “may mắn và hạnh phúc” được làm nghề ở một tòa soạn có truyền thống, có thương hiệu và sự tử tế như An ninh Thủ đô!