Làm ăn manh mún, cước vận tải khó "xuống thang"

ANTD.VN - Chi phí vận tải đường bộ ngày càng tăng bởi các trạm BOT ngày một nhiều và áp dụng mức phí cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải của Việt Nam phần lớn ở quy mô nhỏ, không xây dựng được thương hiệu, tỷ lệ xe chạy rỗng cao khiến chi phí vận tải càng thêm đắt đỏ. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang tính toán để có thể giảm phí vận tải, giúp giảm giá thành hàng hóa.

Cước vận tải ở Việt Nam luôn ở mức do nhiều nguyên nhân

70% doanh nghiệp có dưới 5 xe

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến 30-6-2016, cả nước có trên 24.580 đơn vị kinh doanh vận tải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, với số lượng phương tiện trên 219.038 xe. Nhưng đa phần các doanh nghiệp vận tải có quy mô nhỏ, đến 70% số đơn vị có dưới 5 xe, thậm chí nhiều đơn vị vận tải chỉ có 1-2 xe, nên không xây dựng được thương hiệu, hoạt động chủ yếu dựa vào một lượng nhỏ khách hàng hoặc số lượng hàng hóa quen thuộc.

Bên cạnh đó, các đơn vị vận tải nhỏ thường không tổ chức mạng lưới kinh doanh, không có kênh thông tin để giao tiếp với khách hàng nên tỷ lệ xe chạy rỗng và hệ số sử dụng tải trọng thấp, dẫn đến hiệu quả kinh doanh không cao. Ngoài ra, với vận tải hàng hóa, tốc độ tăng trưởng xe tải cỡ nhỏ và cỡ lớn chưa có khác biệt nhiều, thậm chí tốc độ tăng trưởng xe tải nhỏ còn lớn hơn. Điều này chứng tỏ hàng hóa vẫn được vận chuyển phần lớn bằng các xe tải nhỏ có chi phí cao hơn.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, giá cước vận tải của doanh nghiệp được xây dựng trên các thành phần chi phí như lương và các khoản trích theo lương; nhiên liệu và các vật liệu khai thác; khấu hao và trích trước sửa chữa lớn; phí và lệ phí có liên quan; chi phí quản lý và chi phí khác.

Trong khi đó, thống kê từ các đơn vị vận tải cho thấy, các thành phần chiếm tỷ lệ cao trong chi phí vận tải đường dài là nhiên liệu (35-50%), nhân công (15-20%), phí cầu đường (10-15%), vật tư phụ tùng (khoảng 7-10%). Ngoài ra, trong các năm gần đây phát sinh thêm phí bảo trì đường bộ và một số tuyến đường tăng phí cầu đường do các dự án BOT.

70% xe chạy một chiều

Lý giải về nguyên nhân làm tăng chi phí vận tải bằng ô tô, bà Phan Thị Thu Hiền thông tin, kết quả khảo sát, tính toán của Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho thấy, có khoảng 70% số chuyến xe vận tải hàng hóa chở hàng một chiều và chạy rỗng nhiều, làm chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ tăng thêm khoảng 30%.

“Các đơn vị vận tải có quy mô nhỏ nhưng vẫn phải có bộ máy quản lý dẫn đến chi phí tính trên đầu phương tiện vận tải lớn. Trong khi đó, vẫn còn một số lượng lớn phương tiện vận tải quá cũ tham gia hoạt động vận tải làm tăng chi phí vận tải do chi phí sửa chữa đột xuất, mức tiêu hao nhiên liệu tăng, thời gian chạy kéo dài và tiềm ẩn rủi ro TNGT…” - bà Phan Thị Thu Hiền phân tích.

Để khắc phục những nguyên nhân làm tăng chi phí vận tải đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất đẩy nhanh lộ trình thực hiện tái cơ cấu vận tải đồng thời đưa ra các giải pháp thiết thực để điều tiết hoạt động vận tải giữa các phương thức vận tải, góp phần lớn vào việc giảm giá thành vận tải. Với mục tiêu giảm gánh nặng chi phí vận tải trong nước cho người dân và các đơn vị kinh doanh vận tải, Tổng cục Đường bộ cho rằng cần nghiên cứu giảm một số loại chi phí có liên quan như một số loại phí, thuế nhập khẩu cho phương tiện, chi phí nhiên liệu... chưa hợp lý.

Tổng cục Đường bộ đề nghị Bộ GTVT giao Tổng cục chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu và xây dựng Đề án rà soát phí và giá trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, sẽ tập trung vào khảo sát chi tiết về cách tính giá cước; công tác quản lý Nhà nước về giá, phí liên quan đến vận tải ô tô; đề xuất giải pháp cụ thể giảm đối với từng khoản mục cấu thành giá cước vận tải. 

“Các sàn giao dịch vận tải phải phát triển để tạo thị trường kết nối giữa người vận chuyển và người có nhu cầu vận chuyển, hạn chế các chuyến xe rỗng. Sàn giao dịch vận tải phải kết nối tất cả các phương thức vận tải để khai thác hợp lý vận tải đa phương thức”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho hay.

Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống bến xe hàng, trung tâm thu gom hàng để giảm chi phí vận tải hàng hóa có quy mô lớn; tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ để rút ngắn quãng đường vận chuyển, tăng vận tốc vận chuyển, giảm ùn tắc giao thông nhằm tăng năng suất vận chuyển hàng hóa và hành khách, giảm chi phí vận tải.