Làm ăn chụp giật hay quản lý yếu kém?

ANTĐ - Vụ hơn 700 du khách bị bỏ rơi tại Thái Lan đã làm lộ ra những bất cập, bừa bãi trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của các công ty du lịch Việt Nam. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên du khách bị bỏ rơi dù đã thanh toán đầy đủ tiền dịch vụ. 

Không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, Travel Life vẫn ngang nhiên ký hợp đồng nhận đưa 701 du khách ở TP.HCM và Hà Nội tham gia tour du lịch kết hợp hội nghị tại Thái Lan trong 6 ngày với mức giá 7 triệu đồng. Để thực hiện hợp đồng này, Travel Life đã tìm đối tác bên Thái Lan lo chi phí sinh hoạt, ăn ở, đi lại bên Thái. Nhưng do chênh lệch về giá cả, không thanh toán tiền sòng phẳng cho đối tác, đoàn hơn 700 du khách đã bị công ty này bỏ rơi trên đất bạn. Phía công ty đối tác của Travel Life tại Thái Lan cho biết đã phải tạm ứng ra hơn 100.000 USD để trả tiền ăn ở, đi lại, tham quan và các dịch vụ của nhóm du khách này dù chỉ nhận cung cấp xe đưa đón. Cho tới thời điểm hai ngày cuối cùng của đoàn khách ở xứ sở Chùa Vàng, hàng trăm du khách của công ty đã bị giữ hành lý, từ chối phục vụ ăn nghỉ tại khách sạn. Có trường hợp còn bị lăng mạ, đe dọa.

Ngoài lỗi đưa khách du lịch quốc tế mà không được phép, ngày 20-6 vừa qua, sở VH-TT&DL còn cho biết địa chỉ kinh doanh của công ty này không trùng với địa chỉ đăng ký kinh doanh. Nâng tổng số lỗi vi phạm của Công ty Travel Life lên 8 lỗi. Cho tới thời điểm xảy ra vụ việc, công ty này vẫn chưa thực hiện việc thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, mức phạt cao nhất cho 8 lỗi vi phạm trên cũng chỉ 80 triệu đồng. 

Không chỉ đối với tour du lịch nước ngoài, ngay trong nước cũng không hiếm trường hợp du khách bị bỏ rơi. Như vụ việc xảy ra vào ngày 9-6 tại núi Nam Giới, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), hàng trăm du khách đã bị rơi vào tình trạng hoảng loạng khi bị bỏ rơi trong đêm do chủ thầu cung cấp dịch vụ thuyền đưa đón qua sông tham dự Lễ hội đền Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi tại cửa biển núi Nam Giới. Trên vé ghi rõ bao gồm cả lượt đi và về nhưng khi kết thúc lễ hội, hàng trăm người đã tranh giành nhau mới kiếm được một chỗ trên thuyền. Chiếc thuyền có trọng tải chỉ 50 - 70 người nhưng nhận tới hơn 150 người trong chuyến về. Sau lượt vét khách như chạy nạn, nhà thầu nhận vận chuyện đường thủy biến mất bỏ mặc hàng trăm du khách bơ vơ giữa đảo. Mãi cho tới gần nửa đêm, UBND huyện Lộc Hà nhận được thông tin mới điều đội thuyền ra đảo đón khách. Cho tới mờ sáng, nhóm khách cuối cùng mới về được đến đất liền. Cho tới nay các cơ quan quản lý vẫn chưa hề có hướng xử lý vi phạm, đảm bảo quyền lời cho du khách để sự việc trên tái diễn nhiều năm nay. Để xảy ra những sự việc như vừa qua liệu lỗi là do đâu? Do quản lý quản lý yếu, hay do những người làm du lịch làm ăn chụp giật? 

Phải khẳng định là cả hai. Tất nhiên sự việc vừa xảy ra chỉ ở một số công ty làm ăn theo kiểu ăn xổi ở thì, chụp giật, lôi kéo khách bằng giá cả và không đáp ứng nổi dịch vụ đã ký kết. Song những người chịu trách nhiệm quản lý du lịch Việt Nam cũng có phần trách nhiệm trong việc để các công ty mặc sức tùy tiện trục lợi khách hàng. Sự việc của công ty Travel Life  mắc tới 8  lỗi mà cho đến bây giờ mới bị phanh phui cho thấy việc quản lý hết sức lỏng lẻo. Du lịch Việt Nam đang mất khách vì sự thiếu chuyên nghiệp. Xét cho cùng sự thiếu chuyên nghiệp cũng là do quản lý kém!