Lái xe taxi tông gục tên cướp: Đáng hoan nghênh nhưng cần đúng luật

ANTD.VN - Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện clip một lái xe taxi đã đâm thẳng vào đối tượng vừa cướp giật, lấy lại túi xách cho một phụ nữ đi đường, được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Bên cạnh rất nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ người tài xế thì cũng có không ít ý kiến băn khoăn "không may tên cướp bị tông chết thì sao?". P.V Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi, tư vấn ý kiến luật sư về vụ việc này và các trường hợp tương tự.

Clip ghi lại hình ảnh ông Nguyễn Văn H (50 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh, là nhân viên lái xe taxi) đang lái xe trên đường đi làm thì nghe tiếng hô “cướp, cướp” của người dân, đồng thời nhìn thấy 1 thanh niên điều khiển xe máy bỏ chạy về phía xe mình. Ngay lập tức, ông H đã lao xe vào tên cướp khiến cả người và xe đổ ra đường. Sau đó, tên cướp đã nhanh chóng đứng dậy và bỏ chạy, để lại túi đồ và chiếc xe máy. Hành động ngặn chặn tên cướp của ông H đã được rất nhiều người đồng tình, khen ngợi, song vẫn còn một số ý kiến tỏ ý lo ngại…

Truy bắt tội phạm là tốt, nhưng…

Sự việc trên chỉ là một trong vô số vụ việc người dân tham gia truy bắt tội phạm diễn ra ở hầu khắp các địa phương thời gian qua. Sự dũng cảm của họ luôn được khuyến khích và tuyên dương. Điều này cũng được quy định rõ trong các văn bản pháp luật. Điều 46 Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng”.

BLHS cũng quy định: “Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh, phòng ngừa và chống tội phạm”. Như vậy, mặc dù CAND là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ ANTT song mọi tổ chức, cá nhân cũng đều có quyền và nghĩa vụ cùng tham gia hoạt động giữ gìn ANTT nhưng phải trên cơ sở tuân thủ pháp luật.

Lái xe taxi tông gục tên cướp: Đáng  hoan nghênh nhưng cần đúng luật ảnh 1

Hình ảnh chiếc taxi đâm vào tên cướp được cắt từ clip

Liên quan đến vấn đề này, theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội, Điều 82 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định, người dân chỉ có quyền truy đuổi, bắt giữ người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã. Ngay sau khi bắt được tội phạm thì phải giao lại cho cơ quan công an có thẩm quyền giải quyết. Còn theo điều 15 BLHS, người dân chỉ được ngăn chặn, chống trả trong trường hợp đối tượng đang có hành vi xâm phạm các lợi ích của nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác. Song, người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự. Đó là khi họ chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Thực tế cho thấy, trong một số trường hợp, hành vi của người tham gia truy bắt người vi phạm, tội phạm đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật như đuổi và đánh chết người trộm chó, truy đuổi và đâm chết đối tượng cướp giật khi tham gia giao thông...Bên cạnh đó, với một số vụ việc, sự tham gia truy đuổi, truy bắt tội phạm của người dân không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân họ và những người tham gia giao thông khác mà còn cản trở, gây khó khăn cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.

…cần tuân thủ quy định của pháp luật

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, việc người dân tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự xã hội là rất đáng hoan nghênh, song để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, họ cần được hướng dẫn kỹ năng xử lý tình huống cụ thể.

Với đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, đặc biệt là hành vi cướp giật tài sản, mục đích cuối cùng của chúng là chiếm đoạt tài sản. Do vậy, chúng thường có mưu tính trước, hay đi theo nhóm, mang theo hung khí nguy hiểm và sẵn sàng chống trả đến cùng nếu bị truy đuổi. Do vậy, người dân cần tự vệ hoặc giúp đỡ nạn nhân trong khuôn khổ pháp luật cho phép, không nên dùng hung khí nguy hiểm để tấn công kẻ cướp hoặc dùng ô tô đâm thẳng vào đối tượng, có thể gây chết người.

Điều quan trọng nhất là khi có mặt tại hiện trường, người chứng kiến cần cố gắng ghi nhớ đặc điểm kẻ gây án, phương tiện gây án hoặc nhanh chóng quay phim, chụp ảnh đối tượng để trình báo cơ quan chức năng.

Khi tham gia truy đuổi, truy bắt tội phạm, điều quan trọng nhất là mỗi cá nhân không được quá khích, liều lĩnh bởi đã từng có trường hợp người đi đường lao thẳng xe vào đối tượng cướp giật và bắt giữ được chúng nhưng bản thân họ đã bị tổn hại khá nghiêm trọng về sức khỏe. Lại có người do không kiềm chế được đã “xuống tay” quá mạnh với đối tượng thực hiện hành vi phạm tội khiến đối tượng này tử vong nên phải đối diện với nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã có mô hình cho phép người dân tham gia xây dựng khu phố an toàn, phòng chống tội phạm, như mô hình Police and Citizens Together Against Crime ở Mỹ. Theo đó, người dân đăng ký tham gia sẽ được hướng dẫn về luật, kỹ năng tự vệ và tìm hiểu về nghề cảnh sát, được hỗ trợ vật chất (xe đạp, đèn pin, công cụ hỗ trợ) để tuần tra, song phải làm việc cùng nhân viên phòng chống tội phạm.

“Để khuyến khích người dân tham gia đấu tranh, phòng ngừa tội phạm có hiệu quả, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần nhanh chóng cụ thể hóa quy định về quyền và nghĩa vụ của họ khi tham gia truy bắt tội phạm bằng những mô hình cụ thể. Có như vậy mới đạt hiệu quả như mong muốn” – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa đề xuất.