Lỗi chủ quan khiến tai nạn giao thông thêm nghiêm trọng:

Lái xe mải mê điện thoại, hại cả loạt người

ANTD.VN - Vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại di động, hay ngồi trên xe ôtô không thắt dây an toàn là thói quen xấu của không ít người. Hành động tưởng chừng đơn giản, nhỏ nhặt này lại có thể dẫn đến tai nạn giao thông với hậu quả khôn lường cho bản thân và người khác.

Thượng tá Lê Văn Hoan, Đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội đánh giá: “Người tham gia giao thông hiện nay dường như bị “phụ thuộc” quá nhiều vào điện thoại, các thiết bị di động mà quên không hề biết rằng nguy hiểm rình rập bất cứ lúc nào.

Thống kê cho thấy, trong tổng số lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, thì lỗi không chú ý quan sát chiếm tỷ lệ cao nhất với 25,62%. Từ không chú ý quan sát đã dẫn đến hàng loạt các lỗi khác như đi sai phần đường, tránh vượt sai làn và chạy quá tốc độ… Đáng chú ý, độ tuổi nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông là từ 28-55 tuổi, với 833 vụ, chiếm gần 60%”.

Lái xe mải mê điện thoại, hại cả loạt người ảnh 1Vừa lái xe khách vừa sử dụng điện thoại của lái xe khiến hành khách, người dân kinh hoàng 

Coi thường tính mạng bản thân 

Ghi nhận của phóng viên tại ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh, vào khoảng 17h ngày 27-12, trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, lúc này lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông rất đông và di chuyển với tốc độ khoảng 20km/h. Mặc cho đường chật kín, các xe len lỏi lấp chỗ trống, còi xe ầm ĩ, nhiều người vẫn thản nhiên vừa lái xe vừa nghe điện thoại, thậm chí dán mắt vào màn hình điện thoại để nhắn tin. Nhiều trường hợp, do đường đông, người điều khiển phương tiện mải nhìn điện thoại đã không kịp xử lý tình huống, dẫn đến việc phanh gấp đâm dúi dụi về phía trước, có trường hợp va chạm với các xe khác khiến cả người và xe ngã ra đường. 

Thậm chí, khi Trung úy Nguyễn Thái Bình Đội CSGT số 3 làm nhiệm vụ phân luồng tại ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh, nhiều lái xe còn không biết, phóng vượt đèn đỏ vì mải nhắn tin điện thoại. Khi bị CSGT xử phạt, lái xe mới gãi đầu gãi tai xin CSGT bỏ qua vì đang mải nhắn tin làm lành với bạn gái.

Chỉ huy Đội Khám nghiệm, tuyên truyền, điều tra tai nạn giao thông,  Phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP Hà Nội khẳng định: “Ngoài việc sử dụng điện thoại để nghe, gọi, nhắn tin, nghe nhạc, lướt web khi đang điều khiển xe, hiện nay, nhiều người ngồi trên xe ôtô coi thường tính mạng bản thân, không cài dây an toàn. Nhiều phương tiện hiện đại, khi lái xe, người ngồi trên xe không thắt dây an toàn sẽ có thiết bị cảnh báo. Tuy nhiên, nhiều người còn tắt cảnh báo, hoặc cài dây an toàn sai quy cách”. 

Lái xe mải mê điện thoại, hại cả loạt người ảnh 2CSGT kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm nghe điện thoại

Bỏ thói quen xấu, giữ an toàn cho bản thân

Có một thời gian, nhiều người phát cuồng với trò chơi bắt Pokemon. Bất kể cả người chơi đi xe máy, ô tô hay thậm chí vừa lái xe vừa ôm con nhỏ cũng dừng đỗ, sử dụng điện thoại tràn lan trên đường. Chỉ trong một thời gian ngắn, số vụ tai nạn giao thông vì “bắt          Pokemon” tăng vọt.

Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP Hà Nội: “Mặc dù, lực lượng CSGT thường xuyên chốt chặn và tuần tra kiểm soát, khi phát hiện các trường hợp vi phạm vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại, không thắt dây an toàn, tùy tình hình sẽ lập biên bản tại chỗ hoặc đưa các phương tiện về chốt để xử lý và nhắc nhở người vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng này không thuyên giảm”.

Trao đổi vấn đề này với Cục CSGT (Bộ Công an), đại diện đơn vị này cũng khẳng định, thời gian qua, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra nguyên nhân do người điều khiển phương tiện không cài dây an toàn và sử dụng điện thoại khi lái xe. Thậm chí, có lái xe khách còn vừa lướt facebook vừa điều khiển xe; hoặc vừa ăn mì tôm vừa lái xe, gây “choáng váng, hoảng sợ” cho nhiều người. Chỉ vài giây mất tập trung vì mải nhìn vào điện thoại cũng có thể khiến cho người điều khiển xe không kịp xử lý tình huống. 

Phân tích dưới góc độ khoa học, các bác sĩ làm công tác cấp cứu nạn nhân vì tai nạn giao thông tại bệnh viện Việt Đức cho hay, việc sử dụng điện thoại khi đang tham gia giao thông sẽ làm người lái xe giảm sự tập trung, tay lái không vững, khó duy trì được khoảng cách an toàn với xe phía trước và khi xảy ra va chạm sẽ phản ứng chậm hơn bình thường dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

Riêng các trường hợp ngồi trong ô tô không thắt dây an toàn, khi xảy ra tai nạn hầu hết đều bị đa chấn thương. Có những trường hợp bị chấn thương phổ biến nhất là vùng đầu, thân, tứ chi... Đặc biệt, khi chạy xe trên đường cao tốc, việc va chạm với tốc độ cao sẽ gây nên những hậu quả hết sức nghiêm trọng, hậu quả khôn lường.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật - Cục CSGT chia sẻ: “Để đảm bảo an toàn giao thông, người điều khiển mô tô, xe máy, ô tô phải tập trung tối đa, quan sát và xử lý các tình huống phát sinh trên đường. Nếu sự tập trung bị phân tán bởi điện thoại di động, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là rất lớn, nhẹ thì va chạm nhỏ với các xe đi phía trước, nặng có thể gây chết người. Những lỗi như uống rượu bia, đi sai làn, vượt đèn đỏ, không chú ý quan sát thật sự là nỗi ám ảnh với tất cả các cơ quan thực thi pháp luật trong nỗ lực kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông”.

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP đã bổ sung và tăng mức phạt tiền đối với nhiều hành vi, nhóm người điều khiển, người ngồi trên xe ôtô, mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Cụ thể, người điều khiển xe mô tô, gắn máy (kể cả xe điện) xe tương tự mô tô sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng (mức phạt theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP là 60.000 - 80.000 đồng) nếu vi phạm các hành vi sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính). Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái ôtô chạy trên đường bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng.