Lái xe đâm, hất cảnh sát lên capo có thể bị xử lý về tội "giết người"

ANTD.VN -Cách đây ít ngày, CQĐT CATP Hà Nội đã tống đạt kết luận điều tra và đề nghị Viện KSND TP truy tố đối với lái xe taxi Phạm Huy Đoàn (33 tuổi, ở xã Tân Hương, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) về tội “Giết người” theo Điều 123 BLHS 2015 do có hành vi điều khiển xe đâm và hất cảnh sát lên nắp capo.

Hành vi côn đồ, phi nhân tính

Theo thông tin từ cơ quan CSĐT, sáng 7-2-2018, anh Nguyễn Đức Tuấn và anh Nguyễn Văn Thưởng là cán bộ Đội cảnh sát trật tự, cơ động CAH Sóc Sơn (TP. Hà Nội) khi tuần tra trên địa bàn phát hiện xe do Phạm Huy Đoàn đỗ tại vị trí cấm dừng, đỗ. Khi 2 cảnh sát yêu cầu lái xe xuất trình giấy tờ, Đoàn không những không chấp hành, mà còn điều khiển xe lùi lại rồi tháo chạy theo hướng đi cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Thấy anh Tuấn và anh Thưởng dùng xe mô tô chuyên dụng đuổi theo, đứng ở đầu xe yêu cầu xuất trình giấy tờ, Đoàn đã điều khiển xe lao thẳng vào người anh Tuấn khiến anh phải nhảy lên nắp ca pô xe taxi, hai tay bám vào gạt nước kính chắn gió phía trước đầu xe ô tô. Tiếp theo đó, Đoàn vẫn lái xe chạy với tốc độ cao, luôn thay đổi tốc độ nhằm để hất anh Tuấn xuống đường. Chỉ tới khi đến  nút giao Yên Bình thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên (quãng đường dài hơn 32km), Đoàn mới dừng xe cho anh Tuấn xuống.

Đối tượng Phạm Huy Đoàn khi bị bắt

Trước đó, cũng tại cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã xảy ra vụ việc tương tự. Tổ công tác của Cục CSGT gồm Thượng úy Nguyễn Văn Huy (tổ trưởng); Đại úy Nguyễn Ngọc Châu (tổ viên) và Thiếu tá Trần Văn Vang (tổ viên) khi đang làm nhiệm vụ tại tuyến đường này (đoạn thuộc địa phận phường Tân Long, TP. Thái Nguyên) phát hiện Hoàng Văn Trường (24 tuổi, ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) điều khiển xe máy chở  1 người đi vào cao tốc và cả 2 đều không đội mũ bảo hiểm.

Do tuyến đường này cấm xe gắn máy và các phương tiện thô sơ được phép lưu thông nên khi phát hiện xe máy vi phạm, lực lượng CSGT ra tín hiệu dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên, Trường không những không không dừng xe mà cố tình chỉnh tay lái bất ngờ đâm thẳng vào lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ. Cú đâm mạnh trực diện khiến Thiếu tá Trần Văn Vang bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch và đã tử vong ngay sau đó. Sau khi điều tra, củng cố hồ sơ, CATP Thái Nguyên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can  đối với Hoàng Văn Trường về hành vi Chống người thi hành công vụ.

Những vụ việc trên đã gây bất bình trong dư luận. Không ít người cho rằng, hành vi phạm tội của các đối tượng không chỉ thể hiện sự ngông cuồng, hung hãn, coi rẻ sức khỏe, tính mạng của người khác mà còn cho thấy sự coi thường pháp luật và lực lượng thi hành công vụ nên cần bị xử lý nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe.

Có thể xử lý về tội giết người

Liên quan đến các vụ việc người điều khiển phương tiện giao thông đã đâm xe vào cảnh sát tuần tra, CSGT khi bị phát hiện vi phạm các quy định của Luật giao thông đường bộ khiến không ít người bị thương, thậm chí mất mạng, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hành chính hay hình sự.

Đối với vụ việc lái xe taxi điều khiển xe đâm và hất cảnh sát lên nắp capo xảy ra tại cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hính sự về tội “Giết người” theo Điều 123 BLHS 2015.

Theo đó, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp: Giết người dưới 16 tuổi; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Có tính chất côn đồ; Vì động cơ đê hèn...thì bị phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1-5 năm.

Ngoài ra, những đối tượng thực hiện hành vi đâm xe vào CSGT còn có thể bị xử lý về Tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330 BLHS. Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên… thì bị phạt tù từ 2-7 năm.