Lái xe chở hàng lậu, không chấp hành hiệu lệnh giao thông gây chết người

ANTD.VN - Nguyễn Đình H (SN 1975) điều khiển xe ô tô chở hàng lậu từ biên giới về thành phố để tiêu thụ. Trên đường đi, Nguyễn Đình H gặp tổ công tác của Cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, Nguyễn Đình H tiếp tục cho xe lách qua tổ công tác để bỏ chạy. 

Nguyễn Đình H điều khiển xe chạy với tốc độ 85 - 90km/h, được khoảng 2km thì phát hiện phía trước ngược chiều có một chiếc xe tải đỗ bên trái đường. Khi xe của Nguyễn Đình H cách xe ngược chiều khoảng 50m, thì bất ngờ chiếc xe này xi nhan để sang đường. Cùng lúc đó, Nguyễn Đình H điều khiển xe lách sang bên phải để tránh nhưng do đánh lái bất ngờ, chiếc xe của Nguyễn Đình H đã đổ nghiêng đè vào chiếc xe máy đi cùng chiều làm 1 người chết.

Vấn đề đặt ra là hành vi lái xe chạy trốn làm xe đổ dẫn đến chết người của Nguyễn Đình H đã phạm tội gì?

Lái xe chở hàng lậu, không chấp hành hiệu lệnh giao thông gây chết người ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội giết người

Nguyễn Đình H đã bất chấp hiệu lệnh của lực lượng cảnh sát giao thông để lái xe ô tô bỏ chạy với tốc độ cao với thái độ để mặc cho hậu quả xảy ra. Xe ô tô có thể coi là nguồn nguy hiểm cao độ, khi lái xe với thái độ bất chấp có thể dẫn tới hậu quả làm chết người và thực tế hậu quả chết người đã xảy ra. Theo tôi, hành vi của Nguyễn Đình H trong vụ việc này là cố ý và để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, cần phải xử lý Nguyễn Đình H về hành vi giết người theo Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nguyễn Thị Ánh (Sóc Sơn - Hà Nội)

Phạm tội chống người thi hành công vụ

Theo tôi, trong vụ việc này hành vi lái xe bỏ chạy khi tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe dẫn đến việc xe đổ đè chết người của Nguyễn Đình H đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi lẽ, khi đã vi phạm các quy định về an toàn giao thông là cho xe chạy với tốc độ cao (85-90km/h) vượt quá tốc độ tối đa cho phép, lực lượng cảnh sát yêu cầu dừng lại nhưng Nguyễn Đình H vẫn không dừng xe hay giảm tốc độ xe lại, bất chấp sự kiểm tra và yêu cầu dừng xe của lực lượng công an để nhằm thoát khỏi sự truy đuổi và ngăn chặn của lực lượng chức năng, đồng thời để bảo vệ số hàng phạm pháp đang chở trên xe. Như vậy rõ ràng ở đây tính chất của hành vi do Nguyễn Đình H thực hiện không đơn thuần là sự không tuân thủ, chấp hành mệnh lệnh của cơ quan chức năng có thẩm quyền, mà còn thể hiện sự cản trở mang tính chất chống lại người thi hành công vụ một cách nghiêm trọng và gây nên sự đe dọa rất lớn đối với các phương tiện giao thông phía trước, đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác. Do đó, hành vi của Nguyễn Đình H là phạm tội chống người thi hành công vụ và đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Nguyễn Nhật Tân (Kim Môn - Hải Dương)

Vi phạm các quy định tham gia giao thông đường bộ

Nguyễn Đình H điều khiển xe chạy quá tốc độ, không dừng lại để thực hiện sự kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông khi có yêu cầu. Hành vi của Nguyễn Đình H còn nghiêm trọng hơn bởi sau đó đã gây ra hậu quả làm chết người. Tôi cho rằng những yếu tố này theo tôi đã đủ cơ sở để cấu thành tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260, Bộ luật Hình sự. Vì vậy hành vi của Nguyễn Đình H cần phải bị xử lý hình sự theo đúng quy định của pháp luật.

Trần Văn Nghiêm (Trạm Tấu - Yên Bái)

Bình luận của luật sư

Khi đi trên đường, người điều khiển phương tiện bắt buộc phải tuân thủ theo hiệu lệnh của Cảnh sát Giao thông. Theo quy định Điều 5, Thông tư 01/2016/BCA ngày 4-1-2016 thì Cảnh sát Giao thông có quyền:

(1) Được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ;

(2) Xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật;

(3) Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Khi Cảnh sát Giao thông thấy xe có dấu hiệu vi phạm luật giao thông đường bộ thì có quyền yêu cầu lái xe dừng phương tiện. Đây là hành vi nhằm thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của Cảnh sát giao thông. Cũng theo thông tư này thì hiệu lệnh dừng phương tiện của Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được thực hiện thông qua tín hiệu dừng phương tiện, bao gồm bằng tay, gậy chỉ huy giao thông; còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện tuần tra; đèn tín hiệu, biển báo hiệu, barie hoặc rào chắn. Khi có một trong các tín hiệu nói trên, người điều khiển xe phải dừng xe theo hiệu lệnh, dù mình có hành vi vi phạm hay không.

Tuy nhiên có nhiều trường hợp người điều khiển xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ, bị thổi phạt nhưng không dừng xe theo hiệu lệnh của Cảnh sát Giao thông, cố tình bỏ chạy. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật và gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng người khác. Trong trường hợp không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông thì tùy theo từng loại phương tiện khác nhau mà mức phạt đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của Cảnh sát Giao thông có thể khác nhau. Cụ thể, đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô, căn cứ theo quy định tại khoản 5 và khoản 12, Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như sau:

 “Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

5. Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.

Ngoài việc bị phạt tiền, theo Điều 12 của Nghị định này người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Trên thực tế, nhiều trường hợp khi bị Cảnh sát Giao thông dừng xe, đã tăng tốc, cố tình đâm vào Cảnh sát giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng. Một số khác trở thành những “tay đua” tốc độ, lạng lách, đánh võng trên các tuyến đường và gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, thậm chí có người bị tử vong. Với tính chất đặc biệt nguy hiểm này, những hành vi trên hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, những người cố tình đâm xe vào Cảnh sát giao thông có thể bị truy cứu tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330, Bộ luật Hình sự năm 2015. Còn nếu người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh mà bỏ trốn, để xảy ra tai nạn giao thông, làm thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì có thể bị coi là một tình tiết định khung tăng nặng của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trở lại với nội dung vụ việc, có thể thấy hành vi lái xe chạy trốn của Nguyễn Đình H khi bị lực lượng Cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe đã có dấu hiệu vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, trong quá trình lái xe khi gặp tổ công tác, Nguyễn Đình H đã không chấp hành các quy định về an toàn giao thông, bất chấp yêu cầu dừng xe và kiểm tra của lực lượng Cảnh sát Giao thông. Nguyễn Đình H còn điều khiển xe ô tô chạy với tốc độ 85-90km/h trên đoạn đượng hạn chế tốc độ là đã vượt quá tốc độ tối đa cho phép theo quy định về an toàn giao thông. Tiếp đó, hành vi của Nguyễn Đình H còn gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông khác, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe của những người khác. Cụ thể trong quá trình chạy trốn, do chạy với tốc độ cao và tránh xe khác, xe của H đã bị đổ dẫn đến hậu quả làm chết người. Như vậy, trong vụ việc này hành vi của Nguyễn Đinh H đã thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Về ý kiến cho rằng hành vi của H đã phạm tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330, Bộ luật Hình sự 2015, theo chúng tôi, hành vi của Nguyễn Đình H không cấu thành tội chống người thi hành công vụ. Chống người thi hành công vụ được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Hành vi bị Cảnh sát Giao thông yêu cầu dừng lại để kiểm tra, xử phạt nhưng bạn không chấp hành mà vẫn điều khiển xe đi tiếp không đủ dấu hiệu cho thấy đã có hành vi chống người thi hành công vụ. Đó chỉ là hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.

Còn đối với việc Nguyễn Đình H gây ra tai nạn chết người, chúng tôi cho rằng hậu quả chết người nằm ngoài nhận thức và ý chí của Nguyễn Đình H. Thực tế cho thấy, Nguyễn Đình H điều khiển xe lách xe sang bên phải là nhằm trốn chạy nhưng do điều kiện khách quan là do xe khác sang đường nên xe đổ gây ra tai nạn chứ Nguyễn Đình H không cố ý lái xe đâm thẳng vào nạn nhân, không cố ý tước đoạt tính mạng của người khác. Vì vậy, Nguyễn Đình H cũng không phạm tội giết người.

Như vậy, theo quan điểm của chúng tôi trong vụ việc này Nguyễn Đình H chỉ phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260, Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, căn cứ vào hành vi cũng như giá trị hàng hóa nhập lậu mà Nguyễn Đình H vận chuyển trên xe, cơ quan chức năng sẽ quyết định việc có khởi tố Nguyễn Đình H về tội buôn lậu theo Điều 188, Bộ luật Hình sự năm 2015 hay không.

Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng Luật sư Sơn Phạm)