Lại ùn tắc dưa hấu ở cửa khẩu

ANTĐ - Từ Tết Nguyên đán đến Tết Hàn thực (3-3 Âm lịch) là thời điểm thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh mặt hàng dưa hấu nói riêng và hoa quả nói chung. Việt Nam hiện chiếm đến 98% lượng dưa hấu nhập khẩu của thị trường Trung Quốc, nhưng việc xuất khẩu nhiều năm nay vẫn bị ùn tắc tại cửa khẩu. Chiều 28-12, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu mùa vụ 2015-2016.

Lại ùn tắc dưa hấu ở cửa khẩu ảnh 1Sản xuất, tiêu thụ dưa hấu cần bài bản hơn

Lên biên giới mới phân loại, thiếu bài bản

Theo bà Dương Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), lượng dưa hấu tiêu thụ tại thị trường trong nước hiện chiếm khoảng 80%, còn lại 20% dành cho xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm từ 85-98% tổng lượng dưa hấu dành cho xuất khẩu hàng năm, chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), còn lại là xuất sang Lào, Campuchia…

Tuy nhiên, “nhiều năm qua, mỗi khi vào thời điểm cận Tết Nguyên đán (cuối tháng 1, đầu tháng 2) và chính vụ thu hoạch, việc xuất khẩu dưa hấu thường bị ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh” - bà Dương Phương Thảo cho hay. Ngoài những nguyên nhân khách quan do tính thời vụ tác động thì điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu, tập quán buôn bán giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc chưa chặt chẽ, bài bản; cách thức phân loại, lựa chọn, đóng gói hàng hóa không thống nhất giữa doanh nghiệp 2 nước cũng dẫn đến tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu. 

Xác nhận thực trạng này, ông Vũ Hồng Thủy - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho hay, có thời điểm xe chở dưa hấu ùn tắc kéo dài 70km. Ông Vũ Hồng Thủy nói: “Trong khi Trung Quốc chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp đứng ra thu mua dưa hấu thì ở Việt Nam ai cũng có thể mua bán, đưa lên cửa khẩu Tân Thanh. Tại đây, số hàng này mới được phân loại. Thời gian tối thiểu để phân loại cho 1 xe dưa là 3 tiếng, còn tối đa là 7 tiếng nên ùn tắc kéo dài”. 

Làm sao cho nông dân đỡ thiệt

Theo tính toán của các bộ, ngành liên quan, sản lượng dưa hấu vụ mùa 2015-2016 dự kiến đạt khoảng 1,5 triệu tấn, không biến động nhiều so với mùa vụ 2014-2015. Riêng vụ Đông- Xuân ước đạt khoảng 550.000 tấn. Ông Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và miền núi (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2016, nếu xe chở hàng xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh lên tới hơn 800 xe/ngày thì khả năng ùn tắc vẫn xảy ra. “Trung Quốc chủ yếu cho nhập hoa quả tươi qua cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài, một lượng nhỏ cho nhập qua cửa khẩu ở Lào Cai và Hà Giang. Vì vậy, nên xem xét mở thêm điểm xuất khẩu hàng hóa nhanh chóng hơn” - ông Nguyễn Văn Hội kiến nghị. 

Cùng là hoa quả tươi xuất sang Trung Quốc, nhưng vải thiều (Bắc Giang) lại không ùn tắc như dưa hấu, nhiều ý kiến cho rằng nên tham khảo giải pháp tiêu thụ vải thiều để áp dụng với mặt hàng dưa hấu. Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thủy cho rằng tiêu thụ dưa hấu khác với vải thiều, bởi Bắc Giang có vị trí địa lý gần với Trung Quốc, thương nhân Trung Quốc trực tiếp sang tìm hiểu thị trường, thu mua tại Bắc Giang. Dưa hấu được trồng ở các địa phương xa cửa khẩu Tân Thanh, thương lái Trung Quốc khó đến hơn, vận chuyển đến cửa khẩu tốn chi phí, để lâu lại giảm chất lượng nên mất giá. 

Là địa phương có nhiều diện tích trồng dưa hấu, ông Nguyễn Hồng Vân - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, chưa có cơ sở nào chế biến dưa hấu tại địa phương nên kiến nghị: “Ngoài các biện pháp như xây dựng trạm trung chuyển, mở rộng cơ sở hạ tầng, điều tiết sản xuất, xuất khẩu, cần đưa thương nhân đầu mối vào giúp các địa phương thu mua một cách bài bản hơn”.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, nên xây dựng vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến và doanh nghiệp Việt Nam - doanh nghiệp Trung Quốc ký hợp đồng chặt chẽ hơn, để có phương án sản xuất hợp lý, tránh “được mùa, mất giá”.