“Lái” tiền tệ theo thị trường

ANTĐ - Đón nhận công bố của Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất tiền gửi thêm 1%, dư luận có những luồng ý kiến khác nhau. Trong bối cảnh tăng giá xăng dầu, giá điện khó đứng yên, việc giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiềm chế lạm phát. Liệu lãi suất tiền vay sẽ giữ ở mức 14,5-16%/năm được bao lâu?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định chắc chắn: việc giảm lãi suất không có nghĩa là nới lỏng chính sách tiền tệ và cũng không tác động xấu đến lạm phát. Lẽ ra Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất sớm hơn, tức là khoảng ngày 20-2 vừa qua, song vì Ngân hàng Nhà nước muốn để thị trường vận động trước và ngân hàng điều hành sau theo hướng hỗ trợ để tránh việc áp đặt có thể gây ra những tác dụng phụ “không mong muốn”. Thực ra, trước khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra quyết định trên, rất nhiều ngân hàng thương mại quy mô lớn đến nhỏ có tình hình tài chính lành mạnh đều giảm lãi suất đối với những gói tín dụng lớn nằm trong các nhóm ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhận định về động thái giảm trần lãi suất, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC nhận xét, đây là một hành động được các doanh nghiệp và thị trường mong đợi. Bởi lẽ, với mặt bằng lãi suất trước đây, khó có doanh nghiệp nào dù “khỏe mạnh” đến đâu có thể tồn tại trong thời gian tới nếu dựa trên vốn vay ngân hàng. Việc giảm lãi suất sẽ là “liều thuốc” giúp các doanh nghiệp hồi sinh. Các chuyên gia tài chính nước ngoài nhận định, Việt Nam không phải là nước duy nhất cắt giảm lãi suất. Vừa qua, ngân hàng Trung ương nhiều nước trong khu vực và thế giới đã bắt đầu cắt giảm lãi suất vì rủi ro về tăng trưởng đang lớn hơn rủi ro lạm phát.

Theo chuyên gia ngân hàng ANZ, việc cắt giảm 1% lãi suất là phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ năm ngoái đang giảm dần. Do vậy, giảm lãi suất sẽ giúp nền kinh tế có khả năng đạt tăng trưởng 6,0% trong năm nay. Mặc dù đã xuất hiện tín hiệu tích cực, nhưng các chuyên gia nước ngoài vẫn cho rằng, trong điều hành chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô, các nhà quản lý cần quan tâm đến áp lực lên lạm phát khi giá xăng dầu, điện, nguyên liệu được điều chỉnh tăng cùng với giá cả hàng hóa thế giới tăng cao. Để tạo dựng sự ổn định cho thị trường, việc giảm lãi suất nên đi kèm với việc tái cơ cấu nền kinh tế để giảm rủi ro lạm phát. Hơn thế, trong bối cảnh huy động vốn tại nhiều ngân hàng vẫn còn khó khăn, việc duy trì trần lãi suất huy động cũng rất quan trọng để chủ trương giảm lãi suất đạt hiệu quả cao. Vì thế, giảm lãi suất phải gắn liền với tăng cường thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước để thiết lập trật tự trên thị trường tài chính.

Việc công bố giảm lãi suất chứng tỏ Ngân hàng Nhà nước rất tự tin trong việc kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng cũng cho rằng, chưa thể theo đuổi chính sách tiền tệ lấy lạm phát làm mục tiêu nhưng sẽ điều hành theo tín hiệu thị trường. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước coi mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ dưới 10% để “lái” chính sách tiền tệ theo hướng đó.