Ngành điện và than:

Lại “than” lương không đủ sống

ANTĐ - Bản kiến nghị tháo gỡ khó khăn của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho biết, đời sống của cán bộ công nhân viên ngành than và ngành điện đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí, lương không đủ nuôi sống gia đình. 

Lương thấp, công việc vất vả, ngành than khó tuyển lao động (ảnh minh họa)

Năm 2012, nền kinh tế đất nước trong tình trạng suy thoái, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, giảm công suất, giảm việc làm, thậm chí phá sản nên điện bán cho công nghiệp chiếm tới 70% điện thương phẩm cũng giảm đi nhiều. Theo VEA, không ít nhà máy nhiệt điện chạy than của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ khai thác một sản lượng điện nhỏ, thời gian huy động ít làm cho các nhà máy bị lỗ, lãng phí nguồn phát của các tổ máy, doanh thu thấp không đủ tiền trả lương cho cán bộ công nhân viên. Đây là một thực tế mà VEA thu được sau các chuyến khảo sát thực tế tại các nhà máy điện gần đây. 

Tương tự, công nhân ngành than cũng trong hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là công nhân khai thác hầm lò. Trung bình, lương công nhân ngành than nhận được là khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. So với bình quân chung của toàn xã hội,  mức lương này không phải thấp. Tuy nhiên, so với công sức người lao động bỏ ra và tính chất nguy hiểm, độc hại của công việc thì lương như vậy lại không cao. VEA cho biết, trong những năm tới, việc khai thác than hầm lò ngày càng xuống sâu hơn đòi hỏi người lao động phải làm việc với cường độ cao cũng như phải chịu đựng môi trường khắc nghiệt. Hàng năm, việc đào lò để phục vụ cho việc khai thác than có tổng chiều dài lên tới 320km, tỷ lệ khai thác than lộ thiên hiện chỉ còn 40-45%, khai thác than hầm lò trên 50% và sẽ còn tăng hơn nữa. Trong đó có một số mỏ than như: Mạo Khê, Dương Huy... có khí mêtan (CH4), CO2, SO2, NOx… rất nguy hiểm, rất độc hại. “Người thợ lò phải nuôi theo 3-4 người trong gia đình. Với đồng lương đó, cả gia đình họ không đủ sống chứ chưa nói là đãi ngộ, thu hút” - VEA nhận xét. Do tính chất công việc nặng nhọc, nguy hiểm nên phần lớn lao động nam giới làm việc trong các hầm lò. Họ cũng chính là trụ cột của gia đình nên nguồn thu nhập từ đồng lương công nhân phải gánh thêm chi phí cho cả vợ con. 

Do công ăn việc làm khó khăn, kéo theo thu nhập giảm sút, năm 2012, có khoảng 1.500 công nhân thợ lò đã bỏ việc. Việc tuyển dụng thêm công nhân mới không dễ dàng khi công nhân từ các tỉnh như: Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương không còn muốn làm việc. TKV phải tuyển công nhân từ các tỉnh vùng sâu, vùng xa và miền Trung. Tuy nhiên, do thu nhập thấp, nhiều công nhân vào làm được một thời gian ngắn rồi lại nghỉ việc. 

VEA dự báo, sản xuất, khai thác than vẫn có chiều hướng khó khăn khi lượng tồn kho cao, xuất khẩu giảm sút, kèm theo đó là gánh nặng thuế và phí khiến doanh nghiệp khó khăn thêm. Lương và các chính sách cho người lao động khó đảm bảo. TKV hiện có khoảng 140.000 lao động, trong đó tại khu vực Quảng Ninh có khoảng 110.000 người lao động. Nếu tình hình khai thác, sản xuất kinh doanh than theo chiều hướng giảm sút thì số lao động bị ảnh hưởng lớn nhất gồm khoảng 110.000 người có khả năng bị giảm việc làm, giảm thu nhập cùng với 460.000 người là vợ con và gia đình công nhân. 

VEA kiến nghị, Nhà nước nên dành một khoản phụ cấp độc hại, phụ cấp thâm niên... cho công nhân ngành than. Đồng thời, đề xuất thời gian làm việc là 25 năm đóng bảo hiểm thay vì 30 năm theo quy định và nghỉ hưu ở tuổi 50. 

Nhiều ý kiến cho rằng, lao động đặc thù của ngành than và ngành điện khó khăn và nguy hiểm. Việc giảm số năm đóng bảo hiểm cũng như nghỉ hưu sớm hơn ngành khác cũng cần được xem xét. Tuy nhiên, mỗi ngành nghề đều có nguy hiểm, phức tạp riêng nên xem xét chế độ cho công nhân các ngành nghề cần đảm bảo công bằng, công khai.