Lãi suất tăng nhưng vì sao huy động vốn ngân hàng sụt giảm?

ANTD.VN - Huy động vốn ngân hàng đang sụt giảm trong quý I/2019, dù lãi suất huy động đã cao hơn từ 0,5-0,7% so với cùng kỳ 2018

Trong một Báo cáo thị trường tiền tệ mới công bố, Bộ phận phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng 22.838 tỷ đồng qua kênh tín phiếu khi phát hành 47.725 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày nhưng chỉ có 25.887 tỷ đồng tín phiếu đến hạn. Kênh OMO bơm ròng 98 tỷ đồng.

Mặc dù NHNN đã hút ròng tổng cộng 22.740 tỷ đồng qua thị trường mở nhưng thanh khoản trên liên ngân hàng vẫn khá dồi dào, lãi suất giảm 30-40 điểm cơ bản (bps) so với cuối tuần trước, ở mức 3,267%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3,333%/năm với kỳ hạn 1 tuần; chênh lệch lãi suất VND - USD kỳ hạn giảm xuống mức 0,8%/năm.

Lãi suất huy động trên thị trường 1 vẫn duy trì ở mức 4,1%- 5,5% với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5-7,5% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.

Dù lãi suất tăng nhưng huy động vốn của các ngân hàng đã chậm lại so với tăng trưởng tín dụng

Theo SSI, kênh tiền gửi tiết kiệm tiếp tục bị cạnh tranh khá mạnh từ các kênh đầu tư khác, đặc biệt là kênh đầu tư trái phiếu. Dẫn nguồn từ báo cáo tài chính của 17 ngân hàng đang niêm yết trên 3 sàn chứng khoán, SSI cho biết, tổng huy động (tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) tại thời điểm 31/3/2019 là gần 5,18 triệu tỷ đồng, tăng 3,1% so với đầu năm và thấp hơn mức tăng trưởng cho vay (3,4%).

Nếu loại trừ sự sụt giảm huy động và cho vay của Vietinbank, tăng trưởng huy động quý I/2019 cũng chỉ là 3,7%, vẫn thấp hơn tăng trưởng cho vay là 4,4%.

Như vậy, theo SSI, từ mức tăng trưởng ngang bằng với tín dụng trong quý I/2018, huy động đang sụt giảm trong quý I/2019 dù lãi suất huy động đã cao hơn từ 0,5-0,7% so với cùng kỳ 2018.

“Nếu vẫn tiếp diễn xu hướng này, cùng với yêu cầu ngày càng cao của cơ quan quản lý đối với các chỉ tiêu an toàn vốn và thanh khoản, lãi suất huy động sẽ khó giảm” – SSI nhận định.

Tuy vậy, nhóm phân tích của SSI cho rằng, với chỉ tiêu tín dụng trong năm nay ở khoảng 12%-14%, tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới có thể chậm lại, tạo khoảng trống cho huy động đuổi kịp nhằm hạn chế căng thanh khoản và áp lực lãi suất.

Ngoài ra, lãi suất trong nước cũng có thể giảm nếu Fed thay đổi chính sách. Hiện tại, xác suất Fed giảm lãi suất vào kỳ họp tháng 12/2019 đã lên tới 76% do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Chính kỳ vọng này đã khiến lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm 8bps, về mức 2,391%/năm.