Lãi suất phải giảm sâu

ANTĐ - Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đã có dấu hiệu khả quan hơn như sản xuất, xuất khẩu, lạm phát, vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ số chứng khoán cho thấy nền kinh tế đã vượt đáy trung dài hạn. Dẫu vậy, áp lực tăng trưởng tín dụng cuối năm lên hệ thống ngân hàng rất lớn. Bởi theo báo cáo trước Quốc hội của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 10 mới đạt 6,8%. Hai tháng cuối năm phải đạt tăng trưởng 2,5% là một sức ép lớn lên toàn hệ thống.

Thanh khoản khá dồi dào, các ngân hàng đang chạy đua với hàng loạt gói vay ưu đãi, lãi suất thấp, tích cực mời chào doanh nghiệp vay vốn. Hy vọng với những “gói vốn” giá rẻ này, các ngân hàng sẽ giảm áp lực, đẩy tình trạng tăng tín dụng ì ạch, đồng thời giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn làm ăn cuối năm. Nhiều ngân hàng thương mại không chỉ đến tận nơi “gõ cửa” mời khách hàng  mà còn tung ra các gói tín dụng ưu ái, kèm theo những dịch vụ giá trị. Nhìn vào mức lãi suất hấp dẫn của các ngân hàng, có thể thấy “giá vốn” doanh nghiệp có khả năng tiếp cận khá mềm so với mặt bằng lãi suất chung trên thị trường.

Một chuyên gia tài chính lưu ý, những gói tín dụng này giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, giảm giá thành đầu ra để kích cầu tiêu dùng. Song, các ngân hàng không nên lợi dụng như một chiêu tiếp thị để “mồi chài” khách hàng. Khi họ đến vay vốn lại “vẽ” ra nhiều điều kiện trói buộc mà khách hàng không đáp ứng được, thì gói tín dụng cũng vô nghĩa. Mặt khác, dù ngân hàng cố sức đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng, nhưng do nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh lớn nên họ cũng rất thận trọng khi quyết định cho vay. Vì vậy, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính cho rằng, điểm bất cập hiện nay là thừa vốn nhưng lãi suất vẫn ở mức cao dù đã được giảm mạnh từ đầu năm đến nay. Cung thừa thì lãi suất sẽ phải giảm sâu, nhưng lại lo ngại dòng tiền trong dân chuyển hướng “chảy” vào ngoại tệ và vàng. Đây quả là bài toán khó với các nhà điều hành lãi suất. Ông Tổng thư ký Hiệp hội “hiến kế”, để giải bài toán lãi suất cần phải mạnh tay “thải loại” các ngân hàng yếu kém để tránh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, dẫn đến gây rối loạn hệ thống ngân hàng như đã diễn ra. Giải pháp tốt nhất là nên bán 100% ngân hàng yếu kém cho những đối tác có uy tín để tăng sức mạnh cho hệ thống ngân hàng. Để có một hệ thống thực sự lành mạnh, theo một số chuyên gia, số lượng ngân hàng trên thị trường nên rút gọn còn lại 1/3 là hợp lý nhất.

Rõ ràng là, nếu làm tốt việc chống đô la hóa, vàng hóa và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, mạnh dạn loại bỏ những ngân hàng quá yếu kém thì lãi suất còn có thể giảm sâu hơn nữa. Điều này được ví như “liều thuốc” tăng lực cực mạnh, vực dậy các doanh nghiệp và nền kinh tế.