Lãi suất cho vay sẽ giảm

ANTĐ - Sáng 10-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giảm 1% các lãi suất chủ chốt, đồng thời quy định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên từ 11% xuống còn 10%. Một số ngân hàng cho biết sẽ giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ về dưới 13%/năm. 

Lãi suất cho vay sẽ giảm  ảnh 1
Nhiều ngân hàng cho biết sẽ giảm lãi suất cho vay về mức 13% trở xuống


Chưa thể bỏ trần lãi suất huy động

Trong tuần qua, 4 ngân hàng quốc doanh đã công bố biểu lãi suất huy động mới với mức lãi suất giảm từ 0,5 đến 2% so với mức trần 7,5%/năm theo quy định của NHNN. Mức giảm này khiến nhiều người gửi tiền tại ngân hàng không khỏi xót xa. Chị Nguyễn Hồng Trang (Phố Phương Liệt – Quận Thanh Xuân – Hà Nội) chia sẻ: “Mặc dù xu hướng giảm lãi suất đã được các ngân hàng báo trước, tuy nhiên nhìn vào khoản lãi mà người gửi tiền chúng tôi được hưởng không khỏi suy nghĩ. Năm ngoái, với số tiền gửi 500 triệu đồng thì mỗi tháng cũng được 6 triệu đồng tiền lãi. Còn bây giờ thì cùng khoản tiền gửi đó chỉ được gần 3 triệu mỗi tháng nếu gửi ngắn hạn. Còn gửi dài hạn cao hơn chút ít”.

Trong khi lãi suất liên tiếp giảm thì người gửi tiền vẫn loay hoay giữa việc gửi tiền ngân hàng hay đem đầu tư vào lĩnh vực khác. Anh Trần Hồng Nam (Phố Liễu Giai – Quận Ba Đình – Hà Nội) tính toán: “Các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, chứng khoán hay ngoại tệ đều khó có khả năng kiếm lời hơn nữa cũng rất mạo hiểm. Lãi suất giảm nhanh khiến tôi cũng rất sốt ruột nhưng hiện tại thì gửi tiền tại ngân hàng vẫn là lựa chọn hàng đầu. Nếu lãi suất tiếp tục giảm tôi sẽ tính đến việc rút tiền và đầu tư sang lĩnh vực khác”.

Theo Phó Thống đốc NHNN – Nguyễn Đồng Tiến: “Khi lãi suất cao chúng ta quan tâm tới việc doanh nghiệp vay cao, nhưng khi lãi suất thấp sẽ quan tâm tới việc lợi ích của người gửi tiền có được đảm bảo hay không. Cả 2 mối quan tâm này đều được Chính phủ, NHNN coi trọng như nhau”. 

Hiện mức trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn theo quy định của NHNN là 7,5%/năm nhưng nhiều ngân hàng đã huy động ở mức thấp hơn, diễn biến này có giúp xóa bỏ trần lãi suất hay không? Trả lời cho câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN cho rằng: “Thực tế qua theo dõi diễn biến thị trường trong toàn hệ thống thanh khoản có cải thiện và dư thừa, các ngân hàng thương mại đã chủ động giảm lãi suất huy động về dưới trần. Tuy nhiên trên thị trường có những tổ chức tín dụng có thanh khoản không tốt, nếu bỏ trần các tổ chức này sẽ tăng lãi suất huy động kéo lãi suất cho vay tăng cao. Nếu thị trường xáo trộn thì việc đưa lại ổn định là rất khó khăn và có thể làm chậm các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế”. 

Phù hợp với tình hình thực tế

Phó Thống đốc NHNN – Nguyễn Đồng Tiến cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2013, chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã góp phần kiềm chế lạm phát ở mức thấp. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất huy động và cho vay của hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục giảm, lãi suất thị trường liên ngân hàng ổn định ở mức thấp, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất - kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, do sức mua của thị trường vẫn ở mức thấp, khả năng hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp còn hạn chế. Do đó, NHNN đã ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực kể từ ngày 13-5 tới.

Ông Phạm Quang Dũng - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) đánh giá: “Quy định giảm lãi suất điều hành của NHNN là bước đi phù hợp với những mục tiêu kinh tế vĩ mô. Việc giảm lãi suất điều hành sẽ tác động tích cực đến các động thái tiếp theo của ngân hàng thương mại trong việc hạ lãi suất cho vay. NHNN đã gửi thông điệp cụ thể cho các ngân hàng thương mại về định hướng điều chỉnh lãi suất của NHNN trong thời gian tới. Cụ thể, chi phí thanh khoản cho ngân hàng thương mại được hạ xuống tạo cơ sở cho việc tính toán giảm lãi suất cho vay”.

“Từ 13-5 tới, chúng tôi sẽ có quyết định giảm lãi suất cho vay đối với các dư nợ có lãi suất trên 13%/năm sẽ được giảm về mức từ 13% trở xuống. Các khoản cho vay mới cũng như các khoản cho vay hiện tại sẽ có mức lãi suất tối đa là 13%/năm. Đây là bước đi tiếp theo trong quá trình triển khai khuyến nghị giảm lãi suất cho vay. Hiện nay, tổng dư nợ của Vietcombank không có dư nợ lãi suất trên 15%”, ông Phạm Quang Dũng cho biết thêm. . 

Ông Phan Đức Tú – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) đánh giá, việc giảm lãi suất điều hành của NHNN là phù hợp với tình hình thực tế: “Từ 13-5 tới, chúng tôi sẽ quyết định giảm lãi suất cho vay kể cả các khoản vay cũ về mức 13%. Đây là hành động nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp. Việc giảm lãi suất cho vay dựa trên các cơ sở như tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả quản trị, điều chỉnh lợi nhuận mục tiêu sát với tình hình thực tế... Tôi cho rằng không chỉ các ngân hàng quốc doanh mà các ngân hàng thương mại cũng nên điều chỉnh giảm lãi suất cho vay”.

Quyết định số 1073/QĐ-NHNN ngày 10-5-2013 giảm lãi suất tái cấp vốn từ 8%/năm xuống 7%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 9%/năm xuống 8%/năm.

Cùng ngày, NHNN cũng ban hành Thông tư số 10/2013/TT-NHNN quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 11%/năm xuống 10%/năm.