Lại lo chữa nứt mặt cầu Thăng Long

(ANTĐ)- Mặt cầu Thăng Long được sửa chữa, cải tạo nhiều lần, nhưng thời gian gần đây lại tiếp tục những vết nứt mới.

Lại lo chữa nứt mặt cầu Thăng Long

(ANTĐ)- Mặt cầu Thăng Long được sửa chữa, cải tạo nhiều lần, nhưng thời gian gần đây lại tiếp tục những vết nứt mới.

Cầu Thăng Long (Hà Nội)
Cầu Thăng Long (Hà Nội)

Ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT) cho biết đây là những vết nứt mới, chạy theo chiều dọc khác với những vết nứt cũ chạy theo chiều ngang (đã được trám lại, sửa chữa). “Cho đến tháng 5 sẽ sửa chữa dứt điểm những vết nứt dọc trên mặt cầu Thăng Long”- ông Hà khẳng định.

Nguyên nhân của các vết nứt dọc được chỉ ra là do độ rung của các sườn tăng cường trên bản thép. Bản thép của cầu Thăng Long được làm từ thời công nghệ cũ của Nga. Bản thép mỏng nên phải gia cố thêm các sườn tăng cường, các vết bây giờ xuất hiện trên đỉnh các sườn đó.

Ông Hà phân tích: Cái khó ở chỗ bản thép nó nhẹ, nhưng độ giãn nở nhiệt rất lớn. Hơn nữa đã nhẹ và mỏng thì đương nhiên độ rung lớn. Việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã áp dụng công nghệ tiên tiến nhất vào đây, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng biết và đang cùng theo dõi.

Trước thông tin “lớp nhựa trám vá không bám với mặt cầu”, ông Hà nói: “Có những chỗ không bám, có những chỗ bám, nhưng về cơ bản là bám. Nguyên nhân dẫn tới việc lớp nhựa không bám sau khi trám vá là do điều kiện thời tiết vì đúng thời điểm chọn thực hiện sửa chữa thì mưa gió ập xuống. Cầu Thăng Long ở vị trí huyết mạch, không cho chậm một tháng, hay hai tháng để chờ thời tiết khô”.

Ông Hà khẳng định: “Có thể nói đây là 1 trong 3 công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất của thế giới, áp dụng cho loại cầu bản thép, trong đó chúng ta chọn công nghệ bê tông nhựa nóng SMA vì Việt Nam số lượng cầu thép không nhiều, nên chấp nhận công nghệ tiên tiến thứ 2 thế giới, nhưng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Công nghệ này đã làm trong Cần Thơ, nên mình tận dụng, áp dụng phải rất là uyển chuyển. Tất cả cộng nghệ áp dụng trước đây là từ ngày Nga xây dựng, cách đây 30 năm, giờ không còn tồn tại, và nếu có tồn tại thì đã lạc hậu rất nhiều. Chúng ta không sử dụng lại để sửa chữa cầu.”

Cao Minh