Lại kiến nghị rút phương án "điện một giá"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ông Nguyễn Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) kiến nghị rút phương án 2A và 2B trong dự thảo, bao gồm cả đề xuất “điện một giá” tại cuộc họp chiều nay (18-8) về giá điện.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, phương án "điện một giá" chưa phù hợp vào thời điểm này, cần nghiên cứu thêm

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, phương án "điện một giá" chưa phù hợp vào thời điểm này, cần nghiên cứu thêm

Cuộc họp về dự thảo Quyết định quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện diễn ra chiều nay tại Bộ Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, các chuyên gia đặc biệt quan tâm đến phương án 2A và 2B mà Bộ Công Thương đưa ra. Đây là 2 phương án bao gồm cả giá điện bậc thang luỹ tiến và điện một giá để khách hàng có quyền lựa chọn.

Tuy nhiên, nhược điểm của 2 phương án này là không khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, trong khi đây là một chủ trương lớn của Chính phủ. Do đó, Cục Điều tiết Điện lực kiến nghị rút phương án 2A và 2B, tiếp tục cải tiến, sửa đổi biểu giá điện bậc thang từ 6 bậc xuống còn 5 bậc.

Như vậy, sẽ không còn phương án điện một giá trong dự thảo mà Bộ Công Thương đang xây dựng.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), chỉ khoảng 2% số hộ sử dụng điện có thể lựa chọn phương án. "Các hộ dùng nhiều điện mới có lợi, mà các hộ dùng nhiều thường là hộ có thu nhập cao, sẽ không khuyến khích tiết kiệm điện"- ông Hoàng Tiến Dũng nói.

Do đó, ông Hoàng Tiến Dũng cũng tán đồng việc rút phương án điện một giá và đánh giá phương án 5 bậc là hợp lý.

Trực tiếp tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng về vấn đề này, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân- Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD- Bộ Công Thương) cho hay, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến biểu giá điện. Trong đó, không ít ý kiến băn khoăn về độ giãn cách giữa các bậc thang giá điện, có bậc nhảy dài, bậc nhảy ngắn, tỷ lệ tăng giữa các bậc khác nhau.

“Người tiêu dùng mong muốn giá điện tăng, giảm hợp lý, tránh việc tăng nhảy vọt giữa các bậc”- ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, người dân đang có những băn khoăn, lo lắng về phương án điện một giá. Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh cần có nghiên cứu, xem xét kỹ về phương án này vì để điện một giá như dự thảo thì khó thực hiện được.

“Điện một giá không đảm bảo được sự quan tâm của người có thu nhập thấp và người yếu thế. Chỉ khoảng 2% người tiêu thụ ủng hộ điện một giá thì không đảm bảo được yêu cầu của nhà quản lý và nhà làm chính sách. Chúng ta tiếp tục nghiên cứu điện 1 giá, khi chúng ta có điều kiện, thị trường điện cạnh tranh, đảm bảo đủ điện thì mới có thể đưa điện một giá được.

Về biểu giá điện bậc thang, vẫn có một số ý kiến băn khoăn về giá tính cho từng bậc thang và độ giãn cách trong từng bậc thang và chưa nêu được cụ thể. Do vậy, chúng ta tiếp tục tiếp thu các ý kiến, và tiếp cận đầy đủ hơn những quan điểm của xã hội trong việc xây dựng biểu giá điện phù hợp với thực tế”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý phương án giá điện theo 5 bậc thang (phương án 1) để hoàn thiện, trình Thủ tướng xem xét vào quý III/2020.

Trước đó, Bộ Công Thương lấy ý kiến về dự thảo Quyết định quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Đáng chú ý, dự thảo đưa ra phương án điện một giá cho khách hàng lựa chọn, tăng từ 145%-155% so với giá bán lẻ điện bình quân.

Nhiều chuyên gia năng lượng cho rằng, chưa rõ căn cứ để Bộ Công Thương đưa ra mức điện một giá này.