Lại “điệp khúc” quá tải

ANTĐ - Trong kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13 cuối năm 2012, Bộ trưởng Bộ Y tế đã giải trình về lộ trình giảm tải các bệnh viện, tăng cường chất lượng dịch vụ y tế, tăng cường năng lực, nhân lực, trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến huyện, y tế cơ sở. Đúng vào ngày Thầy thuốc Việt Nam mới đây, hàng trăm bác sĩ trẻ đã lên đường về các huyện nghèo, vùng khó khăn nhất. Trong một buổi làm việc với ngành y tế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt vấn đề phải có những giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả nhằm giải quyết triệt để tình trạng quá tải của các bệnh viện.

Trong năm 2012, ngành y tế đã nỗ lực phát triển mạnh công tác chăm sóc sức khỏe người dân, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nổi bật là hoàn thành 4 chỉ tiêu quan trọng được Quốc hội giao: Số giường bệnh trên 1 vạn dân, chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, giảm tỷ lệ sinh và tỷ lệ các cơ sở y tế xử lý chất thải không đúng quy định. Đặc biệt, ngành y tế đã bổ sung thêm 1.350 giường bệnh ở các chuyên khoa, từng bước giảm bớt gánh nặng quá tải. Tuy vậy, Bộ trưởng Y tế cũng thừa nhận, tình trạng quá tải và chất lượng chăm sóc, thái độ của cán bộ y tế đối với người bệnh vẫn là câu hỏi nhức nhối nhất của người dân và xã hội. Vấn đề bức bách trước mắt là giảm tải bệnh viện, cụ thể là giảm thời gian chầu trực của người bệnh.

Không ít lần bà Bộ trưởng đã đích thân tới các bệnh viện lớn ở Hà Nội, TP.HCM thị sát quy trình khám chữa bệnh. Cải tiến quy trình khám bệnh nhằm rút ngắn thời gian là một trong những giải pháp thiết thực, ít tốn kém nhất để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tại khoa khám bệnh bệnh viện Ung bướu mỗi ngày khám 1.500 bệnh nhân nhưng chỉ có 9 buồng khám với 22 bác sĩ. Vì thế muốn giảm tải phải mở rộng ít nhiều 25 buồng khám, dự án đầu tư dự trù 40 tỷ đồng nay đội lên 280 tỷ đồng nhưng phải đến quý III mới khởi công và tới năm 2015 có thể hoạt động. Không ít dự án mở rộng, xây mới bệnh viện mà vẫn bế tắc vì không có đất. Bà Bộ trưởng đã phải thốt lên rằng, vì sao nhà hàng, trung tâm thương mại đua nhau mọc lên còn bệnh viện thì vẫn chen chúc, chật chội? Chuyện cơi nới, xây mới rõ ràng không thể một mình ngành y tế có thể giải quyết.

Thế nhưng chuyện bệnh viện chủ động cải tiến quy trình khám bệnh, kê đơn, mua thuốc và hàng chục thủ tục giấy tờ thì không thể đổ tại… người bệnh được. Một cuộc khảo sát theo chân người bệnh đến một số bệnh viện lớn ở Hà Nội, TP.HCM cho thấy, “chặng đường” gian nan, tốn thời gian, công sức từ khi khám bệnh cho đến khi bước chân ra khỏi cửa bệnh viện rắc rối, phức tạp như thế nào. Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người bệnh đã xếp hàng đông nghẹt để lấy thứ tự. Trung bình ở các khoa như ung bướu, tim mạch, tiêu hóa, chấn thương chỉnh hình, khoa nhi… người bệnh thường phải mất đứt 3-4 giờ chờ đợi, thậm chí 4-5 giờ. Hầu hết người bệnh chỉ được bác sĩ khám, hỏi vài câu trong vòng 1-2 phút. Sau đó là một loạt các loại xét nghiệm, chiếu chụp mà người bệnh phải trải qua thì mới đến khâu bác sĩ kê đơn và cuối cùng là xếp hàng mua thuốc. Đó là chưa kể “công đoạn” xếp hàng làm thủ tục, thanh toán nếu bệnh nhân nhập hoặc xuất viện.

Bản thân lãnh đạo một số bệnh viện lớn cũng thừa nhận, mặc dù bệnh viện có tăng phòng khám, bác sĩ và lấy số thứ tự trước qua tổng đài 1080 hoặc số điện thoại, song vẫn còn tắc quá nhiều khâu làm cho người bệnh mất nhiều thời gian “chết” vô ích. Nếu không có tình trạng quá tải, nhất là khi dịch bệnh bùng phát, thì người bệnh chỉ mất khoảng 15 phút. Con số này chỉ là… mơ ước của cả người bệnh lẫn bác sĩ. “Điệp khúc” chờ đợi 4 giờ khám trong 1 phút, “điệp khúc” quá tải không biết đến bao giờ mới chấm dứt.