Lạc quan trong thận trọng

ANTĐ - Lạm phát thấp kỷ lục tác động tích cực đến nền kinh tế, tạo đà cho doanh nghiệp bước sang năm 2016 với những tín hiệu lạc quan dù phía trước còn không ít khó khăn, thách thức trước thềm hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chất lượng tăng trưởng của năm 2015 đã được khẳng định qua nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và lạm phát là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất. Có ý kiến cho rằng, chi phí trên thị trường ở mức thấp sẽ không kích thích doanh nghiệp sản xuất. Thực ra, giá hàng hóa chỉ là một trong các yếu tố để doanh nghiệp quyết định mở rộng quy mô sản xuất, bán sản phẩm.

Khi giá hàng hóa thấp, thu nhập của người dân không bị ảnh hưởng bởi lạm phát và thu nhập có giá trị hơn. Ngược lại, lạm phát cao khiến các khoản chi tiêu dành cho mua sắm giảm. Mặt khác, khi lạm phát thấp, người dân cảm thấy nền kinh tế ổn định và mong muốn dành nhiều tiền hơn cho chi tiêu, có nghĩa là làm tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Năm nay, giá cả ổn định và doanh nghiệp bán được nhiều hàng do cầu kinh tế tăng, tổng cầu của dân cư cũng tăng, qua đó kích thích sản xuất. 

Tuy vậy, khi nền kinh tế hội nhập AEC và tiếp đó là TPP, rõ ràng, nước ta rất cần có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển để cung cấp đầu vào cho các ngành sản xuất và hạn chế dần sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, nhất là từ Trung Quốc. Từ số liệu năm 2015 cho thấy, đã có một số thị trường trước đây Việt Nam xuất siêu nay trở thành nhập siêu. Đây là vấn đề đáng quan tâm khi bước sang năm 2016 dự báo mặt bằng giá cả sẽ phải chịu sức ép lớn do giá dầu thô trên thế giới tiếp tục giảm dưới 35USD/thùng và một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta có xu hướng giảm giá do cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới.

Trong khi đó, tỷ giá VND/USD cũng phải chịu sức ép lớn trong khi lãi suất cho vay vẫn ở mức cao với doanh nghiệp. Mặc dù trong năm tới, Ngân hàng Nhà nước đã cam kết không đưa ra mức điều chỉnh tỷ giá cố định như những năm trước mà sẽ căn cứ vào tình hình thực tế và điều chỉnh linh hoạt song khó kỳ vọng lãi suất cho vay doanh nghiệp giảm tiếp. Ngoài chuyện lo “đói” vốn, chi phí không chính thức trong lĩnh vực thuế và hải quan, thủ tục hành chính phiền hà vẫn ám ảnh số đông doanh nghiệp…

Triển vọng tươi sáng của bức tranh kinh tế năm 2016 hoàn toàn có cơ sở. Niềm lạc quan và hy vọng của doanh nghiệp còn trông đợi vào việc xây dựng các kịch bản, chính sách của Chính phủ như trong năm qua, nhằm kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn, tiếp tục hỗ trợ, tiếp sức doanh nghiệp vượt qua thách thức, đưa nền kinh tế khởi sắc hơn năm 2015. Doanh nghiệp cần lạc quan trong thận trọng, thực sự dựa vào sức mình là chính trong cuộc hội nhập ngày càng sâu rộng.