“Lạc đà” phố cũ

ANTĐ - Những người mẹ, người vợ, người con ở miền quê nghèo khó đang trông chờ vào từng bước đi mỗi buổi sớm mai của những tấm thân còng thành hình dấu hỏi.

 

Đời bán giầy dạo

Đặt bao tải giầy trên lưng xuống đất, anh Cường thở hổn hển rồi nói như quảng bá. “Hàng này phục vụ những người ít tiền, thích bột phát, thích thì mua đi chán lại bỏ…”. Những người bán giầy dạo phố cũng thức thời, họ biết mua của người chán, bán cho người cần. Và điều đặc biệt, họ lấy công làm lãi, lấy sức khỏe làm cửa hàng di động.
“Lạc đà” phố cũ ảnh 1
Anh Cường và Nghi chuẩn bị "xuất hành"

Ngôi nhà trọ nhỏ xíu ngoài bãi Phúc Xá, thế mà những 4 người cùng ở. Thì những người làm thuê, buôn bán nhỏ vẫn vậy, họ chỉ cần tạm bợ như thế, miễn là kiếm tý tiền gửi về quê con cái học hành. Anh Cường bảo: “Ối dào, thế nào chẳng ở được. Cốt nằm được, không mưa, không nắng, thế là tốt rồi. Vừa đặt lưng đã sáng rồi. Sáng lại lên đường, đi khắp phố phường, quan trọng gì đâu”. Anh Nguyễn Mạnh Cường quê ở Hải Hậu, Nam Định lên Hà Nội bán giầy dạo được 3 năm nay. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp lớp 12, Cường không dám thi đại học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bạn bè thi đỗ đại học lên Hà Nội học, còn Cường ở nhà đi mót tôm ngoài đầm. Ở nông thôn như gia đình Cường, muốn làm ăn gì thì cũng khó bởi tiền thì không có, mà có thì cũng chẳng mấy người mạnh dạn dám làm vì sợ mất mùa rồi lại khổ.

Những tấm thân hình dấu hỏi

Cứ như thế, cuộc sống quanh năm chỉ làm theo mùa màng và tôm cá, như vậy đủ ăn còn khó chứ sao dám nghĩ đến chuyện làm giàu. Mặc dù từ quê Cường lên Hà Nội rất thuận tiện xe cộ nhưng Cường chưa bao giờ đặt chân đến Hà Nội cả. Kể cả gia đình cũng vậy, lên Hà Nội làm gì, ốm đau nặng nhất thì cũng chỉ dám đưa lên bệnh viện tỉnh mà thôi.

Sở dĩ anh Cường lên Hà Nội gùi giầy bán dạo là do người bạn cùng xóm, cậu ta lên Hà Nội “nhập” vào đội bán giầy dạo từ lâu. “Tôi và Cường cùng ở Hải Hậu. Nghề này lao động chân tay, vất vả. Mỗi ngày đi hàng 4-5 chục cây số, gùi trên lưng nửa tạ, mệt lắm chứ. Tuy nhiên, nó cũng hơn làm ruộng ở quê nhiều”- Phạm Xuân Doanh người bán giầy ở trọ cùng Cường bộc bạch.

Anh Doanh cho biết: “Ở trong khu trọ Phúc Xá có đến gần trăm người gùi giầy khắp phố bán như tôi. Buôn bán có hội cũng tốt, nhiều khi tôi hết tiền lại vay của anh em, người khác cũng vậy hết hàng lại lấy của tôi trao đi đổi lại giúp nhau là chính”. Trong căn nhà chừng 5 m2 nhưng có đến 3 người cùng sinh hoạt. Anh Nghi là “cựu lạc đà” ở đây, mà cũng là người dìu dắt mấy anh em Cường, Doanh vào nghề bán giầy dạo. Ở đây, hầu hết những người gùi giầy đi bán dạo đều cùng quê Nam Định. Theo anh Nghi thì những người cùng quê lên đi làm việc này không có gì khó hiểu. Bởi miền biển Thịnh Long, Hải Hậu, quê anh và Cường, Doanh… đều bị ảnh hưởng do thời tiết bất thường, thiên tai hay xảy ra.

Mỗi ngày đi mấy chục cây số quanh phố phường, gùi trên lưng 30-40 kg nên để mưu sinh

Anh Nghi cho biết, hầu hết các anh cũng không muốn lên thành phố sống vạ vật, nhưng vì đầm tôm thiên tai, dịch bệnh làm ăn khó khăn, muốn có tiền cho con đi học phải đi xa nhà kiếm sống, ở quê ai cũng nghèo như nhau, mấy ai thuê lao động lúc nông nhàn đâu. Khu trọ ở Phúc Xá nơi anh Nghi, Doang và anh Cường ở hiện nay, chủ yếu làm nghề như thân con “lạc đà” gùi giầy đi bán dạo.

"Hỉ nộ ái ố" chuyện nghề

Hàng ngày, anh Nghi, Doanh, Cường…đi khắp phố phường Hà Nội. Mỗi lần ra khỏi nhà, các anh chỉ mong trên lưng mình vơi nhẹ bớt, có như vậy thì ở quê nhà mới có nhiều niềm vui. Chính vì vậy, họ đã chấp nhận như những “thân lạc đà”, để có cuộc sống tươi đẹp cho tương lai con cái. Theo yêu cầu của khách, họ có thể mang giầy đến tận nhà. Họ rất chiều khách, có khi khách mua hàng đi rồi không ưng đổi đôi khác, hoặc trả lại kể cả giầy đã cũ cũng không sao. Tất nhiên mất 1 chút tiền không đáng kể.

Anh Nghi có một số khách “ruột” rất lạ kỳ. Một tuần thay đổi đến 6 đôi giầy khác nhau. Ai không biết, cứ tưởng vị ấy “vương giả” lắm. Ai ngờ, cậu ta làm nghề bán sách tử vi dạo bên Hồ Gươm. Cậu tên Hiển, thuê trọ gần khu nhà anh Nghi. Vài lần gặp nhau rồi thành quen, thành thân. Tối nào cũng vậy, Hiển thấy anh Nghi đi gùi hàng về là sang nhà “bác cho em đổi đôi giầy”. Lần đầu Hiển còn trả tiền phí gọi là thuê, nhưng sau dần thì thôi. Lúc nào Hiển ra phố cũng bóng bẩy với đôi giày luôn mới. Để đối đáp với anh Nghi, Hiển mang cả đống sách của mình sang nhà để anh em “lạc đà” tối ai buồn thì đọc.

“Lạc đà” phố cũ ảnh 4
Anh Doanh trong "hành trang" của mình dạo phố

Anh Cường về quê, mấy thanh niên làng hỏi làm nghề của anh có khó không? “Không khó, nhưng bé như cậu không làm được đâu, cách đây 2 năm tôi cao 1.7m giờ anh còn 1.6m đấy”- anh Cường dí dỏm. Một ngày “lạc đà” đi bộ khoảng 35km, gùi trên lưng trung bình khoảng 30-50 kg, tùy theo sức mỗi người. Nhìn từ phía sau họ, chỉ thấy đôi chân gân guốc, nhìn từ ngang người khom như dấu hỏi, cái đầu chúi về phía trước, lộ rõ ba lô ngỗn nghện trên lưng “hành khất” khắp phố phường gió bụi. Nghề nào cũng có vất vả riêng của nó. Cuộc sống ắt phải bươn bải như vậy miễn làm sao để kiếm được đồng tiền “sạch sẽ”. Để có những đôi giày mang đi bán, các anh cũng phải thức khuya dậy sớm để tìm mối hàng cho cuộc cạnh tranh khố liệt.

Cuộc mưu sinh len lỏi khắp nơi của những người bán gầy dạo

Các anh đi như thế khác gì tập thể thao đâu? Anh Nghi triết lý: “Đi theo giờ là luyện tập thân thể, chứ còn, đi kiểu như nhóm “lạc đà” bọn tôi thì có mà lao lực thì có”. Thân thể mấy ông “lạc đà” ai nấy cứ khô như ngói, đen cháy da. Anh bạn cùng nhóm với anh Cường, vừa rồi bị vố rất xui xẻo. Gùi nặng quá, lúc khom người lấy đà đưa bao tải giầy lên vai đã bị sụt xương sống, thế là phải bỏ nghề.. So sánh cũng khập khiễng, nhưng quả thực người thành phố, động tý đi xe ôm, tót lên xe buýt, taxi thế mà đầy bệnh tật. “Lạc đà” toàn đi bộ, khổ cực nhưng được giời thương cho cái sức khỏe. Giầy của nhóm “lạc đà” là giầy bình dân. Giầy gia công cũng có, giầy Trung Quốc cũng có. Kiểu “sành điệu”, đơn giản, lịch sự…cũng đầy đủ thế mới trụ lâu được bằng nghề chứ.