"Lạ" nhưng cũng có cái hay!

ANTĐ - Mới đây trên một số trang mạng xã hội đăng tải hình ảnh hai cô gái được cho là đi ngược chiều và bị Cảnh sát Giao thông Đà Nẵng bắt chép phạt dòng chữ: “Tôi hứa từ nay sẽ không đi ngược chiều nữa” 30 lần. 

"Lạ" nhưng cũng có cái hay! ảnh 1Ảnh: Internet

Ngay sau khi được tăng tải, thông tin này được người dân chia sẻ, bàn tán xôn xao, cùng với đó là những ý kiến trái chiều về trường hợp xử phạt vi phạm giao thông này. Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện cách xử phạt “lạ” này của lực lượng Cảnh sát Giao thông Đà Nẵng.

Trước đó, đã có người vi phạm giao thông bị phạt mua kẹo cao su cho cụ bà bán hàng rong; dùng loa kêu gọi người đi ngược chiều quay đầu… đã xây dựng nên thương hiệu của CBCS Cảnh sát Giao thông tại thành phố này. Nhiều người cho rằng, những cách xử phạt “lạ” nhưng cũng có hay, theo kiểu “lạt mềm buộc chặt”, có tính nhân văn sẽ khiến người vi phạm giao thông thấy thấm thía, nhớ lỗi vi phạm của bản thân để từ đó luôn tự nhắc nhở mình không vi phạm nữa. 

Tuy nhiên, có luồng dư luận lại cho rằng cách xử phạt vi phạm giao thông vốn đang nhận được nhiều thiện cảm này có thể gây ra những lo ngại xét về mặt pháp lý. Bởi lẽ mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, đảm bảo công bằng, đúng quy định của pháp luật, nếu không sẽ dẫn đến việc tạo nên sự bất bình đẳng. Tuy nhiên, cách xử phạt “lạ” của Cảnh sát Giao thông Đà Nẵng đã làm lại có vẻ thuyết phục được số đông. Bởi xét trên khía cạnh pháp luật, việc xử phạt vi phạm còn nhằm giáo dục mọi người tôn trọng pháp luật.

Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia phát triển cũng áp dụng các cách xử phạt “lạ”. Một ví dụ điển hình, ở Mỹ, nếu vi phạm tốc độ, Chính phủ Mỹ còn đề ra hình phạt lao động công ích vì cộng đồng như nhặt rác ở nhà người già neo đơn, dạy học ở một trường công… để giảm nhẹ tiền phạt. Đây là biện pháp đặc biệt có lợi cho những đối tượng là sinh viên và người thất nghiệp. 

Lạ nhưng vẫn nghiêm, chuẩn mực khi làm nhiệm vụ, xử phạt đúng vi phạm, không được gây khó dễ chính là đích đến cuối cùng của CBCS Cảnh sát Giao thông Đà Nẵng - họ khuyến khích người dân không vi phạm thay vì chăm chăm xử phạt; tùy từng vi phạm sẽ đưa ra mức phạt cho phù hợp. Những lỗi nhẹ thì thay vì phạt tiền sẽ linh động xử lý bằng hình thức cảnh cáo để người vi phạm ý thức được hành vi và cam kết không tái phạm; những lỗi như sử dụng rượu, bia quá tiêu chuẩn, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đánh võng, lạng lách… luôn bị xử nghiêm dù đó là ai. 

Từ câu chuyện phạt “lạ” của Cảnh sát Giao thông Đà Nẵng, chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện nhân văn của lực lượng Cảnh sát Giao thông ở thành phố này. Chuyện là ngoài nhiệm vụ chuyên môn, Cảnh sát Giao thông Đà Nẵng còn ghi dấu ấn trong năm 2015 bằng cách tổ chức lễ sinh nhật, thực hiện ước mơ làm Cảnh sát Giao thông cho cậu bé Đỗ Tuấn Dũng, người mang trong mình căn bệnh ung thư, thành hiện thực.

Còn đó rất nhiều những câu chuyện khác của những vị khách lần đầu đến Đà Nẵng, thay vì bị phạt họ đã được đối xử thân tình, nhắc nhở nhẹ nhàng và những câu chuyện ấy đã được nhắc mãi, kể mãi tạo nên vẻ đẹp trong cách ứng xử. Chính những cách xử lý đầy tình người như vậy sẽ khiến người vi phạm ý thức việc chấp hành Luật Giao thông mỗi khi tham gia giao thông.