"Đối thoại" - làn gió mới của nghệ thuật đương đại

Lạ lẫm rock "đối thoại" cùng hội họa

ANTD.VN -“Đối thoại” - cuộc trò chuyện giữa hội họa và rock - ý tưởng chung của họa sĩ Lê Thiết Cương, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Trần Anh Quân, ca sĩ Hiệp Lơ… đã được thực hiện vào tối 11-6. Sôi động, thú vị, “Đối thoại” kết nối các thế hệ rocker đam mê hội hoạ và những hoạ sĩ có chất rock trong máu của mình.

Lạ lẫm rock "đối thoại" cùng hội họa ảnh 1

Họa sĩ Phạm Trần Quân vẽ bức tranh "Thánh đường rock" trên nền nhạc rock

Dường như ở Việt Nam và trên thế giới, chưa từng có triển lãm chung giữa tranh và nhạc rock. Nghệ sĩ và khán giả đến với đối thoại đều ngỡ ngàng, phấn khởi khi các môn nghệ thuật gần hơn với nhau. Đó là một cách tiếp cận mới với nghệ thuật, một phong cách đương đại, một sự đổi thay đầy sức hút.

Họa sĩ, rock và trái tim

Tại đây, hình màu và tiết tấu gặp gỡ nhau tạo nên một làn gió mới; như hai tâm hồn chia sẻ, đi chung một quãng đường đồng điệu. Họa sĩ Trần Anh Quân với 2 bức tranh mang tới triển lãm: “Trái tim của Rocker” và “Black rose” chia sẻ: “Đây là hai bức tranh biểu đạt trái tim của người nghệ sĩ nhạc rock, hình ảnh cây đàn guitar và bông hồng đen u ám, lãng mạn và trầm buồn”. Anh đến với mỹ thuật và rock cùng lúc. Thời kỳ sinh viên của anh là thời kỳ rock bùng nổ ở Việt Nam. Anh cùng rock gắn bó suốt những tháng năm, nghe rock như một chất xúc tác khi vẽ. Anh nhấn mạnh: “Âm nhạc là trái tim, hãy lắng nghe trái tim mình”.

Đặc biệt, họa sĩ Phạm Trần Quân đã trổ tài vẽ tranh trên nền nhạc “Angels never die” do G39 band thể hiện. Họa sĩ rất yêu bài hát này nên đặt riêng ban nhạc chơi cho mình sáng tác. Ngay từ những nốt đầu, anh đã hình dung ra bức tranh và hoàn thành trọn vẹn trong cảm xúc bài hát mà không hề bị hối thúc. Đối với họa sĩ, một bức tranh thời gian không quan trọng, có thể hằng tháng, hằng năm, có thể chỉ vài phút, miễn là khi người họa sĩ đó thỏa mãn chính họ. Là một họa sĩ biểu hiện trừu tượng, họa sĩ Phạm Trần Quân thấy đề tài không phải quá lớn, anh vẽ bằng trực giác, rung động từ trái tim. Tim anh đã đập nhanh hơn trong giai điệu rock.

Khán giả phía dưới tưởng tượng đó là một bức tranh chân dung. Họa sĩ Phạm Trần Quân tiết lộ: “Quá đúng như vậy”. Người yêu rock có một đam mê nồng cháy, họ có thể hy sinh tất cả để theo đuổi đam mê. Anh vẽ người nghệ sĩ nhạc rock như một người đang bị đóng đinh trên thập tự giá. Bởi khi tiếng hát cất lên, người nghệ sĩ rock như một vị chúa trong đêm nhạc. Rocker tin vào rock, tin vào sự trong sáng, bứt phá.

Rock đến với thế hệ tiếp nối

Hội họa và rock giao hòa với nhau, “Đối thoại” làm được điều này có sự góp phần không nhỏ đến từ Đại Bàng Trắng Band. Ra mắt năm 1989, đây là một ban nhạc đã trở thành tiêu biểu cho nhạc rock tại Việt Nam. Nguyễn Anh Tân, tay trống cự phách Đại Bàng Trắng Band kể: “Tôi chẳng nhớ đã bao nhiêu năm tôi chơi trống rồi, tôi là người gần như đâu tiên mang rock vào Hà Nội”. Tất cả nhứng tay trống ở Hà Nội chơi rock đều là học trò của anh, do anh đào tạo nên. Anh tâm sự: “Tôi đã 60 tuổi, nhân dịp ca sĩ Hiệp Lơ có con học trống của tôi. Tôi tranh thủ chuyển giao thế hệ, tôi sẽ đứng đằng sau để cho lớp trẻ bước lên”.

Lạ lẫm rock "đối thoại" cùng hội họa ảnh 2

Các bản rock bất hủ được trình diễn tại "Đối thoại" như "Highway star", "Doctor doctor", "Paranoid", "Rock bottom", "Are you ready"...

Đánh giá về thăng trầm của rock Việt Nam gần 30 năm qua, anh đưa quan điểm: “Giới trẻ bây giờ không ham rock bằng giai đoạn trước”. Có nhiều lý do, nhưng nhiều nhất là do mạng internet quá phát triển, âm nhạc thị trường tràn lan. Thành ra có trường hợp, nghệ sĩ hoạt động cả một thời gian dài, đóng góp lớn thì không được nhắc; người không được đào tạo, hát phong trào, được lăng xê lại nổi lên nhờ những bài tự sáng tác rơi vào nỗi lòng của lớp trẻ.

Sự chênh lệch giữa các thế hệ qua âm nhạc tồn tại thực sự. Ngày xưa có nhiều khó khăn, phải đam mê thực thụ mới gây dựng được rock ngày hôm nay. Nhạc sĩ viết được tác phẩm hay, họ phải đúc kết từ vui, buồn, đau khổ… thậm chí máu và nước mắt của cuộc sống, bản thân mới thành. Anh Nguyễn Anh Tân tiếc nuối, vì một số bạn trẻ bây giờ không có chiều sâu trong âm nhạc, dễ dãi, hời hợt quá. Mà chiều sâu ấy tác động đến tâm hồn con người rất lớn. Các bài của lớp trẻ các bạn dựa vào máy tính, khoa học có thể sáng tác hàng chục bài một ngày, việc lựa chọn ca từ, các nét nhạc không còn quá dựa vào cảm xúc.

Nghệ thuật chính là cảm hứng, nên rock kết hợp hội họa cho một cách biểu đạt hay và độc đáo. Người xưa có câu “thi trung hữu họa”, nay trong rock có hội họa hay hội họa có rock dường như là tất yếu, như một móc xích liên kết với nhau. Thú vị hơn, tại “Đối thoại”, sau Đại Bàng Trắng Band gạo cội là AC/EC band trẻ trung, giàu năng lượng sáng tạo. Và cái chất máu lửa của rock, chất đời của rock, theo mỗi lứa tuổi mỗi khác. Rock có sự tinh tế theo từng giai đoạn. Người có tuổi như anh Nguyễn Anh Tân chơi về những cái sâu lắng, như mang bề dày trong cuộc sống ra để hiểu, không dùng sự rực lửa của tuổi trẻ. Còn Nguyễn Đức Minh Dương, sinh năm 2002 (con trai ca sĩ Hiệp Lơ), một tay trống trẻ lại chơi rock bằng cháy bỏng đam mê, mong muốn một quãng đường dài với rock phía trước được khán giả trẻ tiếp lửa, không xao nhãng.