"Lá Khat" – loại ma túy độc hại thẩm lậu qua đường hàng không

ANTD.VN - Liên tiếp những vụ tạm nhập - tái xuất lậu “lá Khat” – thảo dược được xác định có hàm lượng ma túy kịch độc – bị phát hiện, ngăn chặn qua đường hàng không. Tại phiên họp thứ 4 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV mới đây, “lá Khat” đã được đề nghị bổ sung vào danh mục chất ma tuý trong Bộ luật hình sự sửa đổi.

Những kiện hàng đựng “lá sấy khô”

 Những ngày cuối tháng 9-2016, Cục Hải quan Hà Nội phối hợp với Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã kiểm tra, phát hiện 11 gói bưu kiện thuộc diện hàng gửi từ Việt Nam ra nước ngoài theo đường bưu chính quốc tế. Bên trong 11 gói bưu kiện này chứa hơn 82 kg thảo mộc khô, kết quả giám định về sau xác định đó là “lá Khat”, hay tên khác là “lá Thiên đường”.

Lô lá “khat” nhập chui số lượng lớn qua đường hàng không

Theo đại diện Cục Hải quan Hà Nội, khoảng 2 tháng trước, cơ quan này phối hợp với các đơn vị chức năng đã phát hiện vụ vận chuyển trái phép nhiều đợt “lá Khat” vào Việt Nam qua đường hàng không. Số thảo dược ma túy này được đóng trong gần 200 kiện hàng, có trọng lượng… hơn 2,5 tấn.

Chuyên án khám phá đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy vào Việt Nam qua đường bưu chính quốc tế, để vận chuyển tiếp qua nước thứ 3 này, được cơ quan chức năng gồm Hải quan, CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an)…xác lập, đeo bám trong nhiều tháng trời.

Chuyến hàng đầu tiên bị lực lượng chức năng phát hiện ngày 15-4, với 36 kiện hàng đựng “lá sấy khô”, tổng trọng lượng khoảng 545 kg, ghi người gửi từ Etiopia. Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) về sau làm rõ, hơn nửa tấn “lá sấy khô” đó có thành phần Cathinone, một chất ma túy cực mạnh.

Từ manh mối này, trong hơn 1 tháng sau đó, Cục CSĐT tội phạm về ma túy và cơ quan Hải quan liên tục rà soát, phát hiện nghi vấn trong các lô hàng gửi đi Mỹ, Anh, Australia, hoặc hàng hoàn nhập từ Singapore về Việt Nam, với nội dung khai báo “trà khô” hoặc “thảo mộc sấy khô”.

Các kiện hàng chuyển phát nhanh này sau đó được lấy mẫu giám định, cho thấy có thành phần Cathinone. Đến thời điểm này, tổng số kiện hàng “lá sấy khô” – “lá Khat” nằm trong chuyên án bị phát hiện với trọng lượng khoảng hơn 2,5 tấn. Đáng chú ý, đường dây này có sự tham gia của nhiều đối tượng người nước ngoài, cấu kết với đối tượng tại Việt Nam.

Chất tuyệt đối cấm, kể cả sử dụng trong y tế

Theo phân tích của lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an), thủ đoạn của tội phạm buôn “lá Khat”, là lợi dụng Việt Nam là nước xuất khẩu chè; khi xuất nhập khẩu, cá nhân và doanh nghiệp đều khai báo với cơ quan Hải quan là cây thảo mộc sấy khô, chè khô, để thông quan các lô hàng này đến nước thứ 3. Từ những bất thường trong những kiện “lá sây khô”, bằng các biện pháp kiểm tra nghiệp vụ, cơ quan chức năng phát hiện không phải chè hay thảo mộc thông thường, mà chính là “lá Khat”.

Một mẫu lá “Khat” bị cơ quan chức năng thu giữ

Ẩn chứa chất gây nghiện cực kỳ nguy hại, song đến thời điểm hiện tại, theo quy định pháp luật Việt Nam, “lá Khat” lại chưa có trong danh mục cây có chứa chất ma túy.

Vẫn theo phân tích của đại diện Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Điều 247 của Bộ Luật hình sự 2015 quy định: Xử lý hình sự đối với người có hành vi trồng cây coca, cây thuốc phiện, cây cần sa và cây có chứa chất ma túy khác.

Tuy nhiên, khi cá thể hóa và định khung hình phạt ở các Điều luật tiếp theo, ví dụ Điều về tàng trữ, mua bán, vận chuyển chất ma túy, lại chỉ quy định: Mua bán, vận chuyển, tàng trữ cây coca, cây cần sa, cây thuốc phiện mà không nhắc tới “các cây khác có chứa chất ma túy”. Nếu chiếu theo quy định của pháp luật thì cây “lá Khat” hiện không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật hình sự. Và đây là cái khó đối với lực lượng chức năng khi xử lý hình sự những vụ việc kiểu này. Lại càng khó để tạo sự răn đe, phòng ngừa.

Mọi giám định chung về các lô “lá Khat” bị thu giữ trong thời gian qua đều có kết quả: trong loại lá này có thành phần chất Cathione. Ðây là chất ma túy nằm trong danh mục mục I, Nghị định 82/2013/NÐ-CP của Chính phủ; là chất tuyệt đối cấm, kể cả sử dụng trong y tế và nghiên cứu khoa học.

Trên thế giới, “lá Khat” được biết đến là cây thuộc nhóm cần sa tổng hợp. Nghiên cứu khoa học xác định, “lá Khat” chứa chất ma túy Cathione, khả năng gây nghiện rất cao. Khi bị lệ thuộc, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, thậm chí tước đoạt mạng sống của người sử dụng.

Tác hại của ma túy này nguy hiểm ở chỗ nó ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, tạo cho người sử dụng cảm giác ban đầu rất phấn khích, hưng phấn, không có mệt mỏi, không có sự đói, thậm chí là hưng phấn đến cực đỉnh. Nhưng khi sử dụng vào thì rất nguy hiểm. Người phụ thuộc vào nó sẽ không kiểm soát được hành vi.

Bổ sung “lá Khat” vào danh mục chất ma tuý. Đó là đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm, vi phạm ma túy!