Lá chắn cho người tiêu dùng

ANTĐ - Hội nghị LHQ về buôn bán và phát triển (UNCTAD) vừa lên tiếng kêu gọi các nước trên thế giới tích cực thúc đẩy việc sửa đổi nguyên tắc chỉ đạo bảo vệ người tiêu dùng. 

Điện tử là mặt hàng đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ về chất lượng

Hiện nay trên thế giới, mỗi công dân đều có 8 quyền cơ bản liên quan đến vấn đề tiêu thụ hàng hóa và sử dụng dịch vụ. Đó là các quyền về an ninh, quyền về thông tin, quyền lựa chọn, quyền được lắng nghe, quyền được khắc phục hậu quả, quyền được tiếp nhận kiến thức tiêu dùng, quyền được đáp ứng các nhu cầu cơ bản, quyền được sống trong một môi trường lành mạnh.

Tuy nhiên, những thay đổi căn bản trên thị trường như sự phổ biến của thương mại điện tử và các tiến bộ kỹ thuật khác, cũng như các vấn đề tác động đến người tiêu dùng nghèo như quyền tiếp cận các hàng hóa và dịch vụ căn bản đòi hỏi phải có các nguyên tắc chỉ đạo mới về bảo vệ người tiêu dùng. Kinh nghiệm cho thấy cách bảo vệ tốt nhất người tiêu dùng là tăng cường cung cấp thông tin và có những quy định chặt chẽ.

Chẳng hạn, Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng ASEAN (ACCP) đưa ra sáng kiến phát hành “Tờ rơi khiếu nại tiêu dùng ASEAN”. Tờ rơi này cung cấp các thông tin về đường dây nóng và các điểm đầu mối quốc gia trong tất cả các nước thành viên ASEAN cho những khiếu nại của người tiêu dùng, để đảm bảo nhận thức, sự hiểu biết và phổ biến thông tin tốt hơn cho người tiêu dùng ASEAN và các nước ngoài khu vực.

Bên cạnh đó, hầu hết các nước trên thế giới đều ban hành luật tiêu dùng và có những cơ quan chuyên trách theo dõi vấn đề này. Ở Đức, trong nội các của bà Thủ tướng A. Merkel có riêng một bộ trưởng chịu trách nhiệm về quyền lợi và bảo vệ người tiêu dùng. Ở Mỹ, không chỉ cấp liên bang mà cả cấp tiểu bang cũng có luật bảo vệ người tiêu dùng. Ở Australia, cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng là Ủy ban cạnh tranh và tiêu dùng quốc gia; liên quan đến các dịch vụ và sản phẩm tài chính thì có Ủy ban chứng khoán và đầu tư…

Ở cấp đa quốc gia cũng có nhiều biện pháp bảo vệ người tiêu dùng. Năm 1985, LHQ thông qua Nguyên tắc chỉ đạo hiện hành của LHQ về bảo vệ người tiêu dùng. Đến năm 1999, nguyên tắc chỉ đạo này được mở rộng, bao gồm cả các nguyên tắc về tiêu dùng bền vững. Mới đây, nhằm ngăn chặn việc nhiều nhà sản xuất đã lạm dụng melamine, chất độc hại có thể gây ung thư, để tăng hàm lượng protein trong thực phẩm, Ủy ban luật quốc tế về chất lượng và an toàn thực phẩm của LHQ (CAC) đã công bố các tiêu chuẩn quốc tế về hàm lượng melamine trong sữa dành cho trẻ em. 

CAC cũng giới hạn hàm lượng an toàn của chất độc hại aflatoxins trong hoa quả khô là 10 microgam/kg. Aflatoxins là chất độc hại gây ung thư thường được phát hiện có nồng độ cao trong các thực phẩm như hoa quả khô, đồ gia vị và ngũ cốc nếu các sản phẩm này không được bảo quản thích hợp.

Không thiếu những quy định nhằm bảo vệ người tiêu dùng nhưng thực tế cho thấy quyền lợi của người tiêu dùng vẫn bị xâm hại. Chính vì thế mà LHQ cho rằng, biện pháp tốt nhất là trao thêm quyền giám sát cho chính người tiêu dùng.