"Lá chắn" bảo vệ bác sĩ

ANTD.VN - Những vụ tấn công, hành hung bác sĩ ngay trong bệnh viện, phòng khám do người nhà bệnh nhân hoặc những đối tượng quá khích gây ra trong thời gian gần đây không còn là “hiện tượng” hiếm thấy. 

Tần suất tăng lên, mức độ nghiêm trọng cũng tăng lên đến mức dư luận xã hội phải gióng lên hồi chuông cấp báo. Có cách nào, giải pháp gì để bảo vệ tính mạng, sự an toàn tuyệt đối cho những người thầy thuốc với sứ mệnh cao quý chữa bệnh, cứu  người?

Thử nhìn lại những vụ bạo hành đã xảy ra, nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ những sự cố y khoa đáng tiếc gây hậu quả nghiêm trọng khiến người nhà bệnh nhân trút căm phẫn lên bác sĩ mà không cần biết thực hư ra sao. Thậm chí có những trường hợp không đến nỗi nào, chỉ là sơ sẩy nhỏ, nhưng họ sẵn sàng “ra tay” với y bác sĩ.

Điều đáng lo ngại là bạo lực ngoài xã hội đã vượt qua bức tường bệnh viện, qua cả đội ngũ bảo vệ. Không thể hình dung nổi ở một nơi cần phải được bảo đảm an toàn nhất để y bác sĩ thực sự an tâm, tập trung trí lực khám chữa bệnh, lại là nơi diễn ra những hành vi côn đồ, bạo hành kiểu “xã hội đen”. Không thể chấp nhận cảnh máu đổ, thương tích trên những chiếc áo blouse trắng. 

Nghề thầy thuốc dường như đang trở thành một nghề nguy hiểm. Câu hỏi đã được ngành y cũng như xã hội đặt ra: Ai bảo vệ y bác sĩ, cán bộ y tế trong các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh? Bên cạnh việc siết chặt hệ thống an ninh, bảo vệ trong khuôn viên bệnh viện, có ý kiến đề xuất thành lập lực lượng phản ứng nhanh được trang bị đầy đủ phương tiện để kịp thời ứng phó trước những vụ việc có thể xảy ra.

Bởi thực tế, hầu hết những vụ bạo hành đã xảy ra, lực lượng bảo vệ của bệnh viện hết sức lúng túng không thể và không đủ sức ngăn chặn, để lại những hậu quả nguy hiểm. Trách nhiệm bảo vệ cán bộ, nhân viên y tế, nhất là đội ngũ bác sĩ trong các khoa nhạy cảm đương nhiên thuộc về bệnh viện.

Tuy nhiên có một giải pháp căn cơ, lâu dài nhất là “trang bị” bảo hiểm tính mạng cho toàn bộ bác sĩ bệnh viện. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã áp dụng loại hình bảo hiểm này và được coi như “tấm lá chắn” vững chắc bảo vệ sự an toàn và tính mạng của những người hành nghề trong lĩnh vực, môi trường luôn tồn tại nguy cơ mấp mé giữa sự sống và cái chết. 

“Lá chắn” bảo vệ bác sĩ cần phải dựng lên ngay, song không thể thiếu chế tài xử lý mạnh tay theo Bộ luật Hình sự những đối tượng hành hung gây thương tích đối với cán bộ, nhân viên y tế trong bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh.