Kỳ vọng vào thuốc điều trị Covid-19 làm thay đổi cuộc chiến chống đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và hoành hành khắp thế giới, nhiều hãng dược trên thế giới đã nhanh chóng nghiên cứu và bào chế vaccine phòng chống bệnh, nhờ đó hàng triệu người đã được cứu sống. Trong thời gian vừa qua, một số công ty dược lớn đã công bố báo cáo khả quan về các cuộc thí nghiệm lâm sàng thuốc điều trị Covid-19 và điều này hứa hẹn thay đổi cuộc chiến chống đại dịch vốn đã khiến hơn 5,1 triệu người trên toàn cầu tử vong.

Thuốc điều trị sẽ giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong

Tháng 11-2021, thuốc kháng virus molnupiravir của Hãng dược Merck (Mỹ) trở thành thuốc điều trị Covid-19 dạng uống đầu tiên trên thế giới sau khi Anh khuyến nghị sử dụng thuốc này cho những người mắc Covid-19 vừa và nặng. Theo báo cáo các cuộc thử nghiệm lâm sàng, thuốc molnupiravir - có tên thương mại là Lagevrio, giảm khoảng 50% nguy cơ tử vong hoặc nhập viện ở các bệnh nhân Covid-19.

Tại một diễn biến khác, thuốc thuốc kháng virus dạng viên có tên Paxlovid của Hãng dược Pfizer đã chứng minh giảm tới 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đối với những người trưởng thành có nguy cơ mắc Covid-19 nặng. Cả hai loại thuốc này đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.

Các chuyên gia y tế cho biết, với tác dụng của 2 loại thuốc trên trong điều trị Covid-19 cùng với việc tiêm vaccine, các quốc gia sẽ có khả năng sống chung với dịch bệnh. Ông Sanjaya Senanayake, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm đồng thời là Phó Giáo sư tại trường Y thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng, con người sẽ phải sống chung lâu dài với dịch bệnh Covid-19 nên việc bào chế các loại thuốc điều trị này là rất quan trọng. Bác sĩ, PGS. Sanjaya Senanayake khẳng định tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn là biện pháp bảo vệ tốt nhất nhằm giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và nhập viện, trong khi những loại thuốc điều trị dạng uống củng cố “kho vũ khí” của thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch. Các loại thuốc điều trị sẽ giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở những người không thể tiêm vaccine hoặc những người mắc Covid-19 dù đã tiêm đủ liều.

Trong khi đó, PGS. Ashley Brown thuộc Viện Đổi mới trị liệu tại trường Đại học Y khoa Florida (Mỹ) nhấn mạnh, việc bào chế ra thuốc kháng virus dạng uống được xem là yếu tố thay đổi “cuộc chơi” bởi những loại thuốc này sẽ sẵn có để cung ứng rộng rãi cho người dân. Theo PGS. Ashley Brown, người mắc Covid-19 có thể tiếp cận với thuốc điều trị Covid-19 dạng uống trong thời gian đầu của bệnh hoặc sau khi tiếp xúc với người bệnh, qua đó người này có thể tránh nguy cơ bệnh chuyển nặng.

Hiệu quả trong việc ngăn chặn sự nhân bản của virus SARS-CoV-2

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc tiếp cận sớm với thuốc điều trị Covid-19 dạng uống phụ thuộc vào năng lực truy vết và xét nghiệm của từng quốc gia và hiện vẫn chưa rõ mức độ hiệu quả của 2 loại thuốc này trong trường hợp người bệnh chưa được điều trị ngay. Giới khoa học cũng bày tỏ quan ngại về khả năng virus SARS-CoV-2 trong cơ thể người bệnh sẽ kháng thuốc. Đây cũng là mối quan ngại đặt ra đối với việc phát triển các phác đồ điều trị các bệnh do virus mãn tính gây ra, trong đó có cả thuốc kháng virus của Hãng Pfizer. Do vậy, giới khoa học cho rằng các hãng dược cần nghiên cứu các loại thuốc mới để có thể sử dụng cùng với các loại thuốc điều trị Covid-19 dạng viên hiện có, qua đó ngăn chặn tình trạng kháng thuốc.

PGS. Ashley Brown thuộc Viện Đổi mới trị liệu tại trường Đại học Y khoa Florida (Mỹ) cho biết, các loại thuốc tương tự như thuốc molnupiravir của Hãng Merck được biết đến là có khả năng cao ngăn chặn tình trạng kháng thuốc. Ông Alejandro Chavez, Phó Giáo sư về tế bào học tại trường Đại học Columbia, New York (Mỹ) nhận định, rất khó để có thể biết mức độ hiệu quả của thuốc điều trị Covid-19 trong thời gian dài, song các số liệu trong ngắn hạn cho thấy các thuốc điều này có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự nhân bản của virus SARS-CoV-2. PGS. Alejandro Chavez cũng nói rõ cách duy nhất để đánh giá rủi ro dài hạn là kết hợp các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm với nghiên cứu dịch tễ học; nếu loại thuốc điều Covid-19 dạng viên của 2 hãng trên có thể giúp kiểm soát đại dịch, điều này sẽ làm giảm nguy cơ xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Pfizer đạt thỏa thuận cung ứng thuốc điều trị Covid-19 trên toàn cầu

Hãng dược Pfizer (Mỹ) mới đây đã công bố một thỏa thuận với Quỹ Sáng chế dược phẩm chung (MPP) về việc cung ứng thuốc điều trị Covid-19 dạng uống với giá hợp lý cho các quốc gia nghèo hơn trên thế giới. Theo thỏa thuận trên, Pfizer sẽ cấp quyền sản xuất thuốc generic của thuốc điều trị Covid-19 có tên PF-07321332 của hãng này cho MPP để tổ chức này cấp phép cho các hãng dược. Thỏa thuận trên sẽ cho phép 95 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, vốn chiếm tới 53% dân số thế giới, tiếp cận được với thuốc điều trị Covid-19 với giá rẻ.

Thuốc generic là bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự nhau. Hiện thuốc điều trị Covid-19 của Hãng Pfizer đang trải qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng. Giám đốc Điều hành MPP Charles Gore kỳ vọng thuốc generic của thuốc điều trị Covid-19 sẽ sẵn có trong vài tháng tới để cung ứng cho các nước nghèo. Trước đó, trong thông báo về kết quả thử nghiệm tạm thời, Pfizer cho biết loại thuốc kháng virus dạng viên đang thử nghiệm của công ty này đã chứng minh giảm tới 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đối với những người trưởng thành có nguy cơ mắc Covid-19 nặng. Theo kế hoạch, Pfizer sẽ cung cấp ra thị trường 180.000 liệu trình thuốc điều trị Covid-19 vào cuối năm 2021 và 50 triệu liệu trình vào cuối năm 2022.

Ngoài Pfizer, Hãng dược Merck & Co của Mỹ cũng đạt được thỏa thuận tương tự với MPP, cho phép các nước nghèo trên thế giới được tiếp cận với thuốc generic của thuốc kháng virus molnupiravir, đang được hãng thử nghiệm. Hiện nay nhiều quốc gia đã đặt mua thuốc trị Covid-19 của Hãng dược phẩm Pfizer và Merck & Co. Đến nay Merck & Co đã ký 9 thỏa thuận bán thuốc Molnupiravir cho hơn 100 nước.

Lào cấp phép sản xuất thử nghiệm thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19

Ngày 19-11, Bộ Y tế Lào đã cấp phép cho Công ty Dược Nhà nước số 3 sản xuất viên uống Molnupiravir, một loại thuốc uống được đánh giá tốt trong hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19. Đây là một trong các nỗ lực của nước này nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Việc sản xuất Molnupiravir ở Lào và chương trình thử nghiệm sẽ nằm dưới sự giám sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Dự kiến, nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất vào tháng 12, với số lượng đủ điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân Covid-19.

Đại diện Công ty Dược Nhà nước số 3 cho biết đợt điều trị thí điểm bằng Molnupiravir sẽ nhắm vào đối tượng người trưởng thành từ 18-65 tuổi có triệu chứng nhẹ hoặc trung bình hay đang ở giai đoạn đầu của bệnh và không bị viêm phổi hoặc thiếu oxy, với một liệu trình 5 ngày. Bộ Y tế Lào cũng cho biết đang xem xét hiệu quả của viên uống này trong điều trị người mắc Covid-19 thực tế.