Kỳ vọng vào sự khởi đầu đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xung đột quân sự khốc liệt giữa Nga và Ukraine đã bước sang năm thứ ba được hơn 3 tháng, song triển vọng về cuộc đàm phán hòa bình để giải quyết cuộc xung đột quân sự gây tổn thất vô cùng nặng nề này vẫn vô cùng mờ mịt vào lúc này cho dù một hội nghị hòa bình sắp sắp diễn ra tại Thụy Sĩ trong tháng 6 tới.

Đàm phán hòa bình hay diễn đàn ủng hộ Ukraine?

Theo đề xuất của Ukraine, một hội nghị hòa bình dự kiến được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock gần thành phố cổ xưa Lucerne nằm ở miền Trung Thụy Sĩ trong hai ngày 15 và 16-6 tới. Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd cho biết, là nước chủ nhà tổ chức hội nghị, Bern đã gửi lời mời tới khoảng 160 phái đoàn ngoại giao gồm đại diện các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Đến nay, Thụy Sĩ đã nhận được sự khẳng định của hơn 50 phái đoàn xác nhận sẽ tham dự hội nghị, tức khoảng 1/3 so với lời mời được gửi đi.

Cũng theo Tổng thống Viola Amherd, trong số các phái đoàn nhận lời tham dự hội nghị hòa bình về Ukraine có những quốc gia là thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và một số tổ chức quốc tế. Đáng chú ý, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết, “trong giai đoạn hiện nay”, Nga không nằm trong số các nước được mời tham dự. Theo bộ này, Thụy Sĩ đã để ngỏ khả năng mời Nga tham dự hội nghị nhưng Matxcơva “không có ý định tham gia”.

Ngoài sự vắng mặt của Nga - hiện là một trong hai nước tham gia trực tiếp trong cuộc xung đột tại Ukraine, hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ cho đến nay chưa nhận được sự chấp thuận tham dự của những quốc gia và tổ chức quốc tế rất đáng chú ý. Bất chấp lời kêu gọi trực tiếp của Tổng thống Volodymyr Zelensky, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều chưa nhận lời tham dự hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ sắp tới. Dù được Kiev kỳ vọng như là một trong những sự tham dự giá trị và nặng ký nhất, song Nhà Trắng cho biết thời điểm đó Tổng thống Joe Biden bận chạy đua tái tranh cử.

Hiện có thông tin cho rằng, các nhà lãnh đạo Brazil, Nam Phi, Mexico và rất có thể là hầu hết các quốc gia ở Nam Bán cầu sẽ không tham dự hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ.

Tổ chức hòa bình và an ninh lớn nhất hành tinh là Liên hợp quốc cho đến nay dường như vẫn đề ngỏ khả năng cử ai tham dự khi Người phát ngôn của Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết, cơ quan này vẫn chưa đưa ra quyết định ai sẽ là người đại diện tham dự hội nghị về hòa bình cho Ukraine tại Thụy Sĩ. Ông Stephane Dujarric đã không trả lời “có hay không” mà chỉ nói: “Ngay khi có thông tin, chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn” khi nhận được câu hỏi về việc liệu Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres có tham dự hội nghị nêu trên hay không.

Với một hội nghị hòa bình chấm dứt xung đột hay chiến tranh thì điều quan trọng nhất và cũng buộc phải đề cập tới đầu tiên là lệnh ngừng bắn, rồi sau đó là đàm phán đưa ra giải pháp chấm dứt chiến sự, lập lại hòa bình cùng bước đi, lộ trình thực hiện được tất cả các bên liên quan, đặc biệt là những bên trực tiếp trong cuộc xung đột hay chiến tranh, chấp nhận. Thế nhưng, nhìn vào nội dung hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ được hé lộ cho đến nay, có thể thấy thiếu vắng những vấn đề quan trọng này.

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - người đã dành nhiều thời gian và công sức vận động cho hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ - cho biết, mục tiêu chính của Kiev tại hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ là giải quyết vấn đề an ninh lương thực và an ninh hạt nhân, cũng như vấn đề nhân đạo, trong đó có việc trao đổi tù binh. Ông Volodymyr Zelensky cũng bày tỏ, hy vọng hội nghị về nền hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ sẽ đưa ra được các giải pháp kỹ thuật cũng như kế hoạch hành động cụ thể và khả thi.

Cần đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine

Thế nên, không khó hiểu khi phía Nga hạ thấp vai trò, tác dụng của hội nghị hòa bình về Ukraine tại Thụy Sĩ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, Nga sẽ không tham dự hội nghị về Ukraine được tổ chức tại Thụy Sĩ vào tháng 6 tới, cũng như bất kỳ sự kiện nào khác liên quan đến “công thức hòa bình” của Kiev cho dù Matxcơva được mời tham dự những diễn đàn như vậy. Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào về vấn đề Ukraine mà không có sự tham gia của Nga đều là “vô nghĩa”. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thậm chí còn lên tiếng chỉ trích hội nghị hòa bình về Ukraine tại Thụy Sĩ trong tháng 6 tới và cho rằng các bên liên quan đang tham gia những hành động “hoàn toàn vô nghĩa”.

Là quốc gia hậu thuẫn và ủng hộ Ukraine mạnh mẽ từ đầu cuộc xung đột tới nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng hạ thấp kỳ vọng về hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ. Nhà lãnh đạo Đức sau khi cảnh báo “không nên kỳ vọng quá mức” đã nhấn mạnh: “Khả thi nhất thì đây là sự khởi đầu của một quá trình có thể dẫn đến những cuộc đàm phán trực tiếp giữa Ukraine và Nga”.

Nước đứng ra đăng cai tổ chức hội nghị hòa bình, song Thụy Sĩ cũng dè dặt khi đề cập tới kết quả. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ Pierre-Alain Elchinger nhấn mạnh, Bern cho rằng Nga cần tham gia tiến trình hòa bình ở Ukraine, vì việc đạt được hòa bình mà không có Matxcơva là điều bất khả thi. Ông Pierre-Alain Elchinger thừa nhận: “Một tiến trình hòa bình mà không có sự tham gia của Nga là điều không thể tưởng tượng được”, đồng thời lưu ý “công thức hòa bình của Ukraine sẽ không phải là kế hoạch hòa bình duy nhất được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Thụy Sĩ”.

Có thể khẳng định, bất kỳ một hội nghị hòa bình nào về Ukraine hay cuộc xung đột quân sự khốc liệt này đều phải có sự tham gia của hai bên tham chiến trực tiếp là Nga và Ukraine, và một hội nghị hòa bình mà không có sự tham dự của cả hai hay một bên tham chiến trực tiếp này thì không thể đi tới chấm dứt chiến sự, không thể đi tới hòa bình.

Nga và Ukraine từng tiến hành đàm phán về giải pháp chấm dứt chiến sự, tái lập hòa bình khai cuộc xung đột quân sự bùng phát không lâu. Trong đó, tại vòng đàm phán trực tiếp tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 29-3-2022 đã mang lại những tín hiệu tích cực nhất. Đoàn đám phán Nga cũng đã nhận được đề xuất bằng văn bản của phía Ukraine về một thỏa thuận giữa các bên “được xây dựng một cách rõ ràng”. Trong đó, đề cập tới lệnh cấm sản xuất, triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời cấm các hoạt động triển khai căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Ukraine. Phía Ukraine đã chấp thuận quy chế phi hạt nhân và trung lập hóa nếu nhận được những bảo đảm nhất định về an ninh.

Thế nhưng, sau những tín hiệu tích cực từ vòng đàm phán tại Istanbul, hai bên Nga và Ukraine không có vòng đàm phán nào tiếp theo, thay vào đó là xung đột diễn ra ngày càng khốc liệt. Tổng thống Volodymyr Zelensky vào tháng 2 năm nay lần đầu tiên cho biết đã có 31.000 binh sĩ Ukraine thiệt mạng (phía Mỹ cho rằng con số thực tế lớn hơn nhiều với khoảng gần 70.000 binh sĩ thiệt mạng và từ 100.000 - 120.000 binh sĩ bị thương; đồng thời đưa ra con số thương vong về phía Nga khoảng 300.000 binh sĩ). Cho dù chưa có con số thống kê chính thức nào về tổn thất của hai phía trong cuộc xung đột, song đó chắc chắn là tổn thất rất nặng về về cả người và vật chất với cả hai phía tham chiến trực tiếp.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine càng kéo dài thì càng gây những hậu quả nặng nề về nhân đạo, chính trị, an ninh và kinh tế cho không chỉ các bên trực tiếp tham chiến mà còn với rất nhiều quốc gia khác, nguy cơ tiếp tục đẩy nền kinh tế toàn cầu vào khó khăn, làm tổn thương tới hàng tỷ người nghèo. Với thế giằng co trên chiến trường hiện nay, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể còn kéo dài mà có thể không bên nào có thể giành chiến thắng bằng biện pháp quân sự.

Đàm phán để chấm dứt chiến sự, lập lại hòa bình là con đường mà các bên đều sẽ phải đi. Ông Viktor Orban, Thủ tướng Hungary - một thành viên của NATO, ngày 24-5 vừa qua khẳng định, chỉ có đàm phán hòa bình mới giúp chấm dứt xung đột tại Ukraine.