Hôm nay 14-12, VPF tiến hành Đại hội cổ đông:

Kỳ vọng sức sống mới

ANTĐ - Đại hội cổ đông lần thứ nhất Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) mang theo rất nhiều kỳ vọng. Ở đó, thái độ và trách nhiệm của những người trong cuộc sẽ quyết định chính vận mệnh của VPF.

Liệu những vị lãnh đạo này có thực hiện được tư duy đổi mới ?


Làm lại bóng đá trẻ

Trong dự thảo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp của VPF sẽ bàn tại Đại hội cổ đông hôm nay, có quy định ghi rõ: Từ mùa giải 2014, các CLB thuộc giải ngoại hạng và hạng nhất quốc gia (HNQG) phải có Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ bao gồm các lứa tuổi từ U11 đến U19. Từ mùa giải 2015, CLB bắt buộc phải có đầy đủ 4 đội tham dự các giải trẻ U21, U19, U17, U15. Đối với CLB tham gia giải Ngoại hạng (V-League cũ): Từ mùa giải 2013, CLB phải có 3 trong số 4 đội trẻ tham dự giải. Đối với CLB tham gia giải HNQG: Từ mùa giải 2012, CLB phải có 2 trong số 4 đội trẻ tham dự giải. Đặc biệt, từ mùa giải 2013, trong danh sách đăng ký, các CLB tham dự giải Ngoại hạng, HNQG phải có tối thiểu 3 cầu thủ từ đủ 16 tuổi đến 21 tuổi, sử dụng 2 cầu thủ trong đội hình ra sân. Các CLB phải sử dụng tối thiểu 30% từ nguồn tài chính hàng năm của CLB cho công tác đào tạo VĐV trẻ kế cận.

Giảm thiểu ngoại binh

Việc dành đất cho các cầu thủ trẻ đồng nghĩa với việc phải cắt giảm tối đa các hợp đồng của các cầu thủ ngoại. Theo đó, số lượng cầu thủ nước ngoài được đăng ký tối đa ở mùa giải 2012 là 4 cầu thủ (dùng 3), 2013 là 3 dùng 2 với Ngoại hạng; 3 cầu thủ năm 2012 dùng 2, không sử dụng cầu thủ ngoại năm 2014 (hạng Nhất). Đặc biệt từ mùa giải 2013, trận play-off sẽ không dùng cầu thủ ngoại. Không chỉ nêu ra một cách khô cứng, VPF cũng tính đến các chiêu bài lách luật từ phía CLB, như nhập tịch cho cầu thủ ngoại. Tuy nhiên, VPF đề cao tính tự giác, vì mục tiêu chung của bóng đá Việt Nam thay vì nghĩ đến thành tích của riêng đội bóng mình.

Trật tự chuyển nhượng

Đây được coi là vấn đề nóng nhất trước mỗi mùa giải. Chuyện vung tiền bừa bãi của các đội bóng có tiền, đi đêm, tranh giành tài năng giữa các CLB xảy ra như cơm bữa, đôi khi khiến VFF lúng túng không biết giải quyết ra sao. Nhưng từ mùa giải 2013, cầu thủ chuyên nghiệp thi đấu trong hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp phải có giấy chứng nhận chính thống như các nền bóng đá tiên tiến. Đây là chứng chỉ bắt buộc để cầu thủ có thể tham gia thị trường chuyển nhượng. Nó được coi như một bước đột phá lớn nhằm ngăn chặn nạn mua bán cầu thủ bát nháo trên thị trường như thời gian qua. Kể từ thời điểm đó, những trường hợp đi đêm, làm giá, thổi giá có thể bị rút giấy phép, đồng thời nhận mức kỷ luật theo quy định.


Trọng tài, giám sát

Hầu như mùa giải V-League nào cũng có scandal liên quan tới trọng tài. Ý thức điều này, VPF sẽ tăng cường các biện pháp xử lý kỷ luật nhằm làm trong sạch đội ngũ vua sân cỏ này. Theo Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn, VPF sẽ thí điểm mời các vị giám sát là các chuyên gia bóng đá, chuyên gia trong lĩnh vực thể thao nhằm tăng sự khách quan, từ đó tách ra mối quan hệ chặt chẽ giữa trọng tài và giám sát, vốn từng khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi trong các mùa giải vừa qua.


Chặt chẽ hóa tài chính, quyền sở hữu

Tài chính luôn được coi là chuyện nhạy cảm ở VFF, và dù thế nào, nó luôn nhận được sự quan tâm mạnh mẽ và luôn cần được công khai hóa. VPF dự kiến vẫn giữ mức 25 tỷ đồng (Ngoại hạng) và 15 tỷ đồng với hạng Nhất cho các CLB tham gia mùa giải 2012. Tuy nhiên, từ mùa giải 2014, các CLB phải đảm bảo kinh phí hoạt động tối thiểu là 40 tỷ đồng/năm (Ngoại hạng) và tối thiểu là 25 tỷ đồng/năm (hạng Nhất). Những CLB không đảm bảo cân bằng thu - chi (chi vượt quá thu từ 30%) phải chuyển xuống thi đấu ở hạng có mức kinh phí phù hợp. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân không được sở hữu cùng lúc nhiều đội bóng.