Kỳ vọng gói “kích cầu”

ANTĐ - Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng ban hành thông tư hướng dẫn cho vay gói hỗ trợ nhà ở xã hội trị giá 30.000 tỷ đồng với 70% lượng vốn dành cho người dân và 30% cho doanh nghiệp, dư luận đã xuất hiện những ý kiến trái chiều. Nhiều người lo ngại, dù có cơ chế ưu đãi nhưng giá nhà vẫn quá cao so với thu nhập bình quân của người lao động. Lại có ý kiến băn khoăn cho người nghèo vay tiền ngân hàng sẽ chịu nhiều rủi ro.

Bộ trưởng Xây dựng đã khẳng định đây là gói tín dụng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 10 năm với lãi suất 6%, không phải là gói tín dụng cứu bất động sản mà là gói tín dụng cho người nghèo. Về nhu cầu nhà ở xã hội, Hà Nội hiện cần 111.200 căn, TP.HCM: 134.000 căn, Đà Nẵng: 16.000 căn, Bình Dương: 104.000 căn. Riêng tổng hợp của 25 bộ, ngành có nhu cầu nhà ở xã hội tại Hà Nội đã tới 30.000 căn. Những con số này nói lên nhu cầu cấp thiết về nhà ở xã hội căng thẳng như thế nào.

Tổng Thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, cần nhìn nhận trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay là vòng quay khép kín. Trong đó đầu ra được đảm bảo, đã có khách hàng đặt mua, nhu cầu nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội luôn rất lớn. Theo quy định, khách hàng cá nhân vay vốn phải có 20% vốn tự có, các doanh nghiệp có 30% vốn tự có. Doanh nghiệp sẵn sàng vào “cuộc chơi” khi hàng tồn kho không nhất thiết phải nhận tiền ngay mà có thể trả chậm. Từ gói 30.000 tỷ đồng, doanh nghiệp, cá nhân, các ngân hàng thương mại tham gia thì dòng tiền được luân chuyển, tạo hiệu ứng lan truyền ra toàn xã hội. Phát triển nhà ở xã hội có thể coi là gói kích cầu đa mục tiêu mà cả người dân, doanh nghiệp và Nhà nước đều có lợi. Người dân có nhà ở, doanh nghiệp và người lao động có việc làm, thu nhập, làm “ấm” lại thị trường bất động sản.

Giải tỏa nỗi băn khoăn của người dân khi mua nhà, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết, 70% trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là nguồn vốn ưu đãi được hỗ trợ lãi suất với thời hạn vay trong 10 năm. Sau 10 năm, người dân vẫn tiếp tục được vay nguồn vốn này nhưng không được hỗ trợ lãi suất như 10 năm trước. Vì vậy, khoản vay này không có nghĩa chỉ kéo dài 10 năm mà có thể lên tới 15 năm hoặc hơn, tùy thuộc vào khả năng tài chính của khách hàng và “khẩu vị” kinh doanh mỗi ngân hàng. Với chính sách kích cầu này, Ngân hàng Nhà nước hy vọng sẽ tạo ra lan tỏa nhằm đạt mục tiêu giúp cho nhiều người khó khăn về nhà ở có cơ hội có một chỗ ở phù hợp, trong điều kiện đại bộ phận có mức thu nhập quá thấp. Một số tổng giám đốc các công ty bất động sản kiến nghị, hiện đang tồn kho hàng trăm nghìn căn nhà diện tích trên 70m2, giá bán trên 1 tỷ đồng, không phù hợp với sức mua của người dân. Không thể chuyển sang nhà ở xã hội nếu không chia nhỏ căn hộ thành những căn diện tích 30-40m2, giá bán 500-600 triệu đồng. Vấn đề là phải đảm bảo đầy đủ nhu cầu thiết yếu, an ninh, phòng cháy chữa cháy không để biến thành “ổ chuột” trên cao. 

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được kỳ vọng là gói “kích cầu” đa mục tiêu. Không chỉ giúp nhiều người thu nhập thấp có nhà ở, tạo công ăn việc làm khi gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản mà quan trọng hơn là góp phần đảm bảo an sinh xã hội.