Kỳ vọng giảm 10% giá thuốc khi 500 biệt dược hết hạn bảo hộ độc quyền

ANTD.VN - Phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được bắt đầu từ 10h sáng 14-6 và kéo dài tới 16h30 cùng ngày. Các câu hỏi chất vấn với người đứng đầu ngành y tế rất đa dạng, từ vấn đề y đức, giá thuốc, tăng phí dịch vụ khám chữa bệnh đến trục lợi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT)…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn trước Quốc hội

Cho rằng y đức hiện vẫn còn nhiều vấn đề, ĐB Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) hỏi: “Bộ trưởng có biện pháp nào để nâng cao đạo đức “lương y”, để người bệnh hài lòng và có thêm liều thuốc tinh thần từ phong cách phục vụ của y bác sĩ?”. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, trong vấn đề y đức, đúng là vẫn có tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.

Để khắc phục, vừa qua, ngành đã đẩy mạnh các giải pháp đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát như yêu cầu lắp đặt đường dây nóng, camera tại các bệnh viện, xử phạt nghiêm minh sai phạm... Đến nay, hơn 7.000 cán bộ y tế đã bị kỷ luật, từ cảnh cáo tới sa thải.

Giá tăng thì chất lượng phải tăng

Trước nỗi lo của người dân quanh việc giá dịch vụ y tế liên tiếp điều chỉnh tăng nhiều lần trong 2 năm qua, một số ĐBQH đặt câu hỏi: “Giá khám chữa bệnh tăng, chất lượng có tăng”? Bộ trưởng cho biết, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế hiện nay chậm hơn so với lộ trình đề ra. Ban đầu dự kiến năm 2017 sẽ “tính đúng tính đủ” viện phí nhưng hết năm nay vẫn chưa thực hiện được. “Về chất lượng, tôi khẳng định khi giá tăng thì chất lượng phục vụ, dịch vụ phải tăng” - Bộ trưởng Y tế cam kết.

 “Về tình trạng quá tải bệnh viện, đầu năm 2011, Bộ trưởng Y tế có nói việc này phải đến sau năm 2015 có thể cải thiện đáng kể, nay đã là năm 2017 rồi nhưng chưa được như vậy. Vậy phải chờ thêm đến khi nào?” - ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) chất vấn. Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian qua ngành đã thực hiện quyết liệt đề án giảm tải bệnh viện, nhờ đó đến nay đã có cải thiện đáng kể. “Đúng theo lộ trình mà chúng tôi đang triển khai thì sau năm 2020 sẽ cơ bản hết tình trạng quá tải bệnh viện” - Bộ trưởng Y tế cam kết.

Về quản lý các cơ sở y tế tư nhân, ĐB Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng) nhắc lại một số vụ bệnh nhân tử vong khi khám chữa bệnh tại các cơ sở có yếu tố nước ngoài gần đây, cho rằng sai phạm tại các cơ sở này rất phổ biến và đặt câu hỏi trách nhiệm quản lý của ngành y tế. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, những hạn chế trong quản lý với các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài mà đại biểu đưa ra là đúng.

“Sai phạm phổ biến tại các phòng khám có bác sĩ nước ngoài là sổ sách bệnh án không có, chủ yếu chữa bệnh “khó nói”, dùng thủ thuật, kỹ thuật không đảm bảo an toàn rất dễ gây tai biến. Thậm chí, có cơ sở vì lợi nhuận sử dụng bác sĩ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề ở nước bản địa của họ, thu phí dịch vụ cao…”, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ ra.

ĐBQH Nguyễn Tạo hỏi Bộ trưởng Y tế bao giờ hết quá tải bệnh viện

“Mua thuốc dễ như mua rau”

Đề cập đến lĩnh vực quản lý giá thuốc, ĐB Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh) cho rằng, giá thuốc Việt Nam hiện cao hơn khu vực, ngay trong nước giá thuốc nhiều nơi cũng chênh nhau rất lớn. Trả lời, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Thị trường thuốc Việt Nam giá ổn định, không tăng cao. Các tổ chức quốc tế đánh giá  biệt dược và một số loại thuốc khác ở Việt Nam thấp hơn 10% so với trung bình 6 nước ASEAN”.

Còn việc chênh lệch giá ở các quầy thuốc bán lẻ là đương nhiên bởi chúng ta phải tuân thủ quy luật của thị trường, tuân theo kê khai giá. Ngoài ra, hiện có gần 500 biệt dược sắp hết hạn bảo hộ độc quyền giá cao đang được đưa vào đấu thầu rộng rãi, Bộ trưởng kỳ vọng giải pháp này sẽ giúp giảm thêm 10% giá thuốc.

Tiếp tục vấn đề quản lý dược, ĐB Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) đề cập tình trạng “dược sỹ tự ý làm công việc của bác sỹ” rất phổ biến, người dân có thể mua thuốc ở nhiều nơi không cần kê toa của bác sĩ, thậm chí việc mua bán thuốc kháng sinh (thuốc bắt buộc phải kê đơn-PV) ở nước ta hiện nay dễ như mua rau.

Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn: “Tôi nhận trách nhiệm đây là yếu kém của ngành, đội ngũ thanh tra còn rất yếu”, đồng thời cho biết thời gian qua Bộ đã ban hành nhiều thông tư về kê đơn, quản lý chuỗi các quầy thuốc đạt chuẩn nhưng nhiều cơ sở vẫn cố tình vi phạm. 

Trục lợi quỹ BHYT có lỗi của người dân

Với những chất vấn về tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT ngày càng báo động, gây bức xúc dư luận và nguy cơ vỡ quỹ BHYT, Bộ trưởng Y tế cho biết ngành nhận thức sâu sắc vấn đề này và đã tổ chức đoàn đi kiểm tra, giám sát. Qua kiểm tra cho thấy, có tình trạng lạm dụng quỹ BHYT từ 2 phía, cả cơ quan y tế và người dân. “Có những người đi khám đến 20-30 lần trong thời gian ngắn, sáng đi khám, chiều lại đi tiếp từ bệnh viện này sang bệnh viện khác để khám…”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn chứng.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình khám chữa bệnh chặt chẽ, kèm theo giám sát, cùng với BHXH có định mức trần chi. Tranh luận lại nội dung này, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho rằng, cần phải tập trung xem xét vào khía cạnh tiêu cực trong việc lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, xem lại toàn diện để có giải pháp, chứ không nên đổ lỗi cho người dân hay cho ngành y tế.

Được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ định phát biểu “chia lửa” với Bộ trưởng Bộ Y tế trong lĩnh vực này, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, vừa qua, nhiều bệnh viện vì phải tự chủ nhưng do chưa đảm bảo được chất lượng theo yêu cầu nên tìm nhiều cách để lạm dụng, trục lợi từ quỹ BHYT. Bà Nguyễn Thị Minh cho biết thêm, quỹ BHYT được phép sử dụng trong năm 2017 chỉ là 73.000 tỷ đồng nhưng với tình hình sử dụng như 6 tháng đầu năm, dự tính năm nay sẽ phải chi đến 80.000 tỷ, tăng khoảng 7.000 tỷ đồng. 

Chủ tịch Quốc hội chấm điểm bộ trưởng: “Nhiều nội dung trả lời chưa trúng trọng tâm”

Đây là nhiệm kỳ thứ hai của Bộ trưởng nên Bộ trưởng nắm rất chắc vấn đề quản lý của ngành, có nhiều nỗ lực. Phần trả lời còn nhiều nội dung quá chi tiết, chưa trọng tâm, song cơ bản các ĐBQH hài lòng. 

Thời gian qua, lĩnh vực y tế đã có nhiều cải thiện, quá tải bệnh viện giảm, chất lượng hệ thống khám chữa bệnh được tăng dần… Dù vậy, đội ngũ y tế còn thiếu về số lượng, nhiều nơi yếu về chất lượng, vấn đề y đức chưa thực sự khiến người dân hài lòng. Công tác quản lý thuốc, thực phẩm chức năng chưa chặt chẽ, tình trạng trục lợi quỹ BHYT gây lo lắng cho nhân dân… Bộ trưởng Bộ Y tế cần nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ĐBQH để có giải pháp đột phá hơn.