Kỳ vọng cần quyết tâm

ANTĐ - Tái cơ cấu nền kinh tế là cụm từ được nói đến nhiều nhất trong thời gian gần đây và cũng chính là vấn đề được các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm và chờ đợi nhất. Đề án “Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế” đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa ra Ủy ban Kinh tế Quốc hội thẩm tra, góp ý kiến trước khi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đề án đề ra ba định hướng cơ bản tái cơ cấu: định hướng chung, định hướng tái cơ cấu cụ thể đối với công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và định hướng ưu tiên phát triển. Đề án cũng đưa ra 12 nhóm giải pháp, đặc biệt nhấn mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán và các định chế tài chính để loại bỏ nguy cơ mất an toàn.

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - Ban soạn thảo đề án, trong quá trình phân bổ lại nguồn lực để thúc đẩy tái cơ cấu, thách thức lớn là nhóm lợi ích vốn được hưởng lợi từ cơ chế hiện hành. Trong tiến trình này, đầu tư công phải thay đổi, tăng trưởng bị giảm sút, doanh nghiệp phải tự tái cơ cấu, một bộ phận người lao động dễ bị tổn thương như mất việc làm, lương hạ. Vấn đề là có thể chịu được sự thay đổi, tái cơ cấu “đau đớn” này hay không? “Nếu còn dùng dằng giữa tăng trưởng và tái cơ cấu, còn vương vấn trong điều hành, thì quá trình này còn khó khăn”, ông nói.

Tham gia thẩm tra Đề án, nhiều ủy viên Ủy ban Kinh tế đã thẳng thắn phản biện những khiếm khuyết mang tính tổng thể như chưa làm rõ khái niệm tái cơ cấu, chưa đưa ra được mô hình tăng trưởng mới, chưa đánh giá được tác động và chưa có sự gắn kết giữa các đề án  thành phần. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, thậm chí trái chiều và chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Tái cơ cấu kinh tế cần đột phá từ đâu, từ thể chế, từ lĩnh vực đất đai, bất động sản hay đột phá từ nguồn nhân lực? Có ý kiến lại cho rằng, để đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, không thể không ưu tiên cho tái cơ cấu với mục tiêu là thay đổi mô hình tăng trưởng. Song, để tái cơ cấu có thể triển khai, cần ổn định nền kinh tế để tái lập lòng tin thị trường, lòng tin xã hội. Có chuyên gia quả quyết rằng, tái cơ cấu là việc sửa chữa khuyết điểm, yếu kém để phát triển. Vì vậy, tái cơ cấu không thể được nhìn nhận là một quá trình thường xuyên, liên tục.

Dưới con mắt của một nhà kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, cần tiến hành tái cơ cấu một cách thận trọng để đạt được các mục tiêu hơn là vội vàng và mắc lỗi nghiêm trọng. Quá trình này đòi hỏi phải có thời gian và cần đo lường, tính toán được các mức độ tái cơ cấu trong nhiều năm hơn là tính toán theo tháng.

Theo vị chuyên gia này, nếu các mục tiêu tái cơ cấu có thể đạt được trong vòng 4 đến 5 năm, thì đó là một quá trình hiệu quả. Tuy nhiên, trở lực lớn nhất của tái cơ cấu kinh tế là việc tiếp tục tồn tại các động lực phi kinh tế ngăn cản. Chẳng hạn, chính quyền địa phương không ngồi cùng nhau để lập kế hoạch đầu tư công cho cơ sở hạ tầng của cả một vùng. Họ chỉ quan tâm đến số tiền rót vào tỉnh mình mà không bận tâm tiền đó sử dụng có hiệu quả hay không. Các doanh nghiệp nhà nước siêu lớn thì tranh thủ đầu tư ngoài ngành, gây thanh thế và kiếm lợi nhuận.

Chắc chắn Đề án Tái cơ cấu sẽ được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện trước khi trình Quốc hội. Đề án là một kỳ vọng lớn làm thay đổi mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế. Để kỳ vọng trở thành hiện thực, phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm chính trị.