Ký ức xe đạp ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không biết chiếc xe đạp đầu tiên du nhập vào Việt Nam từ năm nào, nhưng lịch sử thế giới ghi nhận sự xuất hiện của xe đạp đã cách đây 200 năm. Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, người Hà Nội coi chiếc xe đạp là phương tiện tối ưu trong sinh hoạt hàng ngày. Đi làm, đi học, đi công tác xa, rồi chuyên chở lương thực đến nơi sơ tán trong những năm Mỹ đánh phá miền Bắc… đều dùng đến nó.
Những ánh mắt ngây thơ mở to theo mẹ đi làm, đi sơ tán trong chiến tranh

Những ánh mắt ngây thơ mở to theo mẹ đi làm, đi sơ tán trong chiến tranh

Những ngày gian khó

Sau năm 1954, Hà Nội còn tồn đọng lại những chiếc xe đạp cổ như Sterlinh, Super Globe, Mercier Dura, Berger, Terrot… Những chiếc xe này đa phần đã cũ, phụ tùng hư hại gần hết. Tuy nhiên, những chủng loại này vẫn là phương tiện đi lại phổ biến của nhiều gia đình Hà Nội lúc bấy giờ. Nhiều chiếc xe nát đến mức không kiếm đâu ra phụ tùng thay thế, người ta phải cải tiến bằng những nguyên liệu sẵn có, rồi gia công lại từng bộ phận. Sau khi Nhà máy xe đạp Thống Nhất ra đời thì mới có những chiếc xe do Việt Nam sản xuất mang nhãn hiệu này, nhưng cũng không được phép bán tự do trên thị trường mà chỉ phân phối về các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp cho cán bộ.

Xe được mua kèm theo cuốn sổ mua phụ tùng hàng năm, bên trong có các ô cắt tem phiếu để mua xích, líp, săm, lốp… do Việt Nam sản xuất. Săm, lốp là của Nhà máy cao su Sao Vàng sản xuất, còn xích, líp là của Nhà máy cơ khí Đông Anh. Rồi đến thời bắt đầu “mở cửa”, xe đạp Trung Quốc xuất sang Việt Nam được mua bán tự do. Lúc bấy giờ muốn mua xe Trung Quốc thì lên phố Tràng Thi hay cửa hàng kim khí ở phố Thuốc Bắc. Giá xe Phượng Hoàng lúc bấy giờ là 350 đồng/chiếc, xe Vĩnh Cửu 300 đồng/chiếc.

Để mua được chiếc xe đạp Trung Quốc ngày ấy, một cán bộ Nhà nước phải nhịn ăn 7 tháng với mức lương 50 đồng/tháng. Chính vì giá trị của chiếc xe đạp lớn như vậy mà nhiều gia đình coi đó là một tài sản lớn. Họ giữ gìn lắm. Đi về thì lau chùi, rồi khóa cẩn thận đề phòng kẻ gian lấy cắp. Hàng xóm nhà tôi có ông giáo được mua phân phối chiếc xe Phượng Hoàng màu rêu. Vừa mới tậu về, ông đã sắm ngay 2 cái khóa bự, một khóa bằng xích quàng qua bánh xe, một để khóa yên.

Ngày đó, kẻ gian hay ăn cắp yên xe Phượng Hoàng vì vừa dễ bán, vừa dễ tháo. Ông giáo rất cẩn thận, đi dạy về là cất xe vào nhà. Những hôm trời mưa, ông đi làm bằng tàu điện chứ nhất quyết không chịu đi xe đạp. Ông bảo nước mưa ngấm vào vành, nan hoa xe chẳng mấy mà gỉ sét, của bền tại người. Ngày Chủ nhật, ông lại tỉ mẩn mang xe ra lau chùi, tra dầu mỡ vào xích, líp, rồi quay pê-đan cho bánh xe quay tít kêu vo vo. Ông tự chế ra danh ngôn: “Người lịch sự không ai mượn xe đạp”.

Đám cưới thời bao cấp có mốt rước dâu bằng xe đạp

Đám cưới thời bao cấp có mốt rước dâu bằng xe đạp

Ước mơ một thời

Nói về những chủ nhân của chiếc xe đạp thì phải kể đến một nhân vật rất nổi tiếng trong giới nghệ thuật là ca sĩ Thanh Hiếu. Ngày ấy ông có một chiếc xe đạp Junio màu mận chín do Tiệp Khắc sản xuất. Chiếc xe đẹp đến mức đi trên đường phố Hà Nội ai cũng phải ngoái lại nhìn, chẳng khác nào ngôi sao showbiz cưỡi siêu xe mui trần bây giờ. Những năm 1960-1970, Thanh Hiếu được mệnh danh là công tử Hà thành vì lúc nào cũng ăn diện đúng mốt, đầu chải bóng mượt, xe đạp thì mới cứng.

Người ta bảo Hà Nội chưa có ai chơi xe và giữ gìn xe như Thanh Hiếu. Đi đâu về, việc đầu tiên là ông dùng khăn (mà phải là khăn loại cotton cắt ra từ áo may ô) để lau từng chiếc nan hoa, vành, moay-ơ, ghi-đông… Ông còn phân ra hẳn mấy loại khăn lau xe, cái dùng lau khung, cái lau vành, cái lau nan hoa và cái lau bộ phận khác. Lau xong, ông lấy 2 cái móc treo ghi-đông và yên xe lên tường như tranh triển lãm.

Đến thời bao cấp, nhiều gia đình Hà Nội có người nhà bên Pháp nên thi thoảng lại được gửi về cho chiếc xe đạp Peugeot đóng trong thùng gỗ. Khui thùng ra thấy bên trong có thêm rất nhiều quần áo mới quấn quanh khung xe và phụ tùng. Đấy là sáng kiến để tránh bị hải quan tịch thu hàng. Những quần áo dùng để bọc xe này toàn hàng len, dạ đắt tiền trong khi Việt Nam lúc ấy đến quần áo vải cũng còn khan hiếm.

Từ bấy xuất hiện thêm một nhân vật chuyên thầu những mặt hàng quần áo kèm theo xe đạp gửi về. Ông này được dân chơi Hà Nội đặt cho cái tên Dũng “cửa hàng trưởng”, nhà ở quận Hai Bà Trưng. Sau khi mua được đống hàng thùng từ Pháp gửi về, Dũng “cửa hàng trưởng” phân ra từng loại hàng len, dạ, quần téc-gan (tergal), áo mông-tơ-ghi (montagut), valize… rồi thông báo cho các tay chơi Hà Nội đến chọn mua. Còn về chiếc xe đạp Peugeot thời ấy có giá trị ngang một căn nhà mặt phố. Thi thoảng xuất hiện một chiếc Peugeot đang đi trên đường thì người ta ngoái sái cổ để chiêm ngưỡng, vừa thán phục vừa ganh tị với chủ nhân của nó.

Xe đạp một thời từng là phương tiện di chuyển chính ở Hà Nội

Xe đạp một thời từng là phương tiện di chuyển chính ở Hà Nội

Ôn cố tri tân

Tuy nhiên, xe đạp lúc bấy giờ ngoài số ít người có được xe sang thì đa phần đóng vai trò là phương tiện cứu cánh cho nhiều gia đình đi sơ tán những năm chiến tranh chống Mỹ. Người viết bài này có một ông bạn từng có kỷ niệm sâu sắc với chiếc xe đạp vào thời điểm Hà Nội anh dũng đánh trả cuộc ném bom chiến lược của Không quân Mỹ vào miền Bắc. Ông kể: “Cả nhà tôi khi ấy chỉ có một chiếc xe “cuốc” Liên Xô.

Do là xe khung nam, lốp cỡ 800 rất khó mua nên tôi phải “hạ” khung cho hợp với săm lốp cỡ 650, ghi-đông cũng phải uốn lại. Lúc Hà Nội đi sơ tán, bằng chiếc xe đạp ấy, tôi đã chuyển vợ con về quê ngoại gần 40km ở huyện Đan Phượng. Giờ nghĩ lại, tôi cũng không thể tưởng tượng nổi làm thế nào mà cả gia đình 4 người cùng đủ thứ lỉnh kỉnh như: chăn, chiếu, nồi niêu, xoong chảo, bát đũa, bao tải gạo, mì, mắm, muối, quần áo, chăn, màn… lại có thể nhong nhong trên một chiếc xe đạp với chặng đường hơn 40km bị băm nát bởi hố bom. Trời cuối năm tối đen như mực, cả nhà lẫm lũi đi trong đêm, chiếc đèn pin lập lòe soi đường để tránh rơi xuống hố sâu. Gần nửa đêm hôm đó bọn tôi mới về tới nơi sơ tán. Nhưng tôi cũng chẳng dám nghỉ một ngày bởi hôm sau đã phải quay về Hà Nội trực chiến cùng anh em tự vệ”.

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng mỗi lần xem tivi, thấy cảnh đoàn người rồng rắn về quê trong đại dịch Covid-19, trên chiếc xe máy cà tàng cũng chất kín những đồ dùng lỉnh kỉnh thì ký ức ngày xưa lại hiện về. Xe máy với người lao động bây giờ hẳn cũng thân thương và gần gũi như chiếc xe đạp của chúng tôi thuở ấy. Dù chiến tranh hay dịch bệnh, những chiếc xe vẫn là người bạn đường đầy ân nghĩa. Lúc khốn khó ấy, dù chỉ là chiếc xe đạp vá víu phụ tùng, thì nó cũng đáng được trân trọng chẳng thua gì chiếc Cadilac bóng lộn xịch đỗ trước cổng khách sạn 5 sao.