10 năm ngày mất nhà thơ Tố Hữu (2002 - 2012):

Ký ức người ở lại

ANTĐ - Trong ngôi nhà lưu niệm nhà thơ Tố Hữu ở làng quốc tế Thăng Long, Cầu Giấy, Hà Nội, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng bà Vũ Thị Thanh, phu nhân nhà thơ. Bà bảo đang hoàn tất cuốn sách kể về cuộc đời và mối tình của bà với nhà thơ lớn, nhà cách mạng Tố Hữu.

Nhà thơ Tố Hữu và bà Vũ Thị Thanh

“Người trong mộng”   

Cuốn hồi ký chưa ra mắt bạn đọc, nhưng qua câu chuyện của tác giả - bà Vũ Thị Thanh, tôi hiểu được phần nào tình cảm lớn lao và thiêng liêng bà dành cho ông - nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu, người đồng chí, người bạn đời của mình… Đã  hơn 60 năm, người con gái xứ Thanh ấy vẫn giữ nguyên những kỷ niệm đẹp về mối tình đầu với chàng thi sĩ trẻ xứ Huế, nhà hoạt động cách mạng mang bút danh Tố Hữu.

Trong hồi ký “Ký ức người ở lại” bà viết: “Cách mạng đã đưa tôi đến với anh. Lúc ấy anh Tố Hữu đã là nhà thơ nổi tiếng với những vần thơ làm rạo rực con tim bao người. Những vần thơ yêu nước thương nòi ấy đã dẫn dắt nhiều thế hệ thanh niên đi làm cách mạng, dấn thân vào cách mạng, trong đó có tôi. Anh còn rất trẻ. Mới 26 tuổi, anh đã là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Tôi gặp anh qua các lớp chính trị mà anh là giảng viên hay qua các hội nghị mà anh tới dự với tư cách Bí thư Tỉnh ủy. Nghe thầy giáo Lành (bí danh của Tố Hữu) giảng bài với tràn đầy nhiệt huyết như vậy làm sao khỏi xúc động cho được. Cái chất giọng xứ Huế ấm trầm ấy tôi đã nghe quen từ hồi còn là nữ sinh Đồng Khánh ở Huế. Những lần tiếp xúc gặp gỡ này càng làm tăng thêm lòng cảm mến của tôi với nhà thơ. Lắm khi tôi như người mất hồn từ sau khi gặp anh. Thâm tâm tôi được yêu anh là tôi đã gặp được người trong mộng của mình.

Tuy nhiên lúc ấy lòng tôi canh cánh một điều: Anh đang được một người con gái trẻ đẹp đem lòng yêu mến và tôi thì không muốn làm người thứ ba... Khi đã đánh tiếng qua mấy chị bạn cùng công tác ở Tỉnh ủy Thanh Hóa, anh nhắn với tôi là muốn ngỏ lời yêu tôi. Thế rồi, lúc chỉ có hai người, tôi đã lựa lời hỏi thật anh là đã có ai chưa. Anh thành thật: “Có một người yêu tôi nhưng đó là tình yêu một phía”. Tôi tin anh bởi anh đã là một cán bộ cao cấp, vả lại tôi tin vào anh như tin vào Đảng... Cách mạng đã chuyển hướng cuộc đời tôi và đưa tôi đến với anh.

Cách mạng và duyên số đã cho chúng tôi gặp nhau. Gần sáu mươi năm là bạn đời chung thủy của anh, ba mươi năm là cán bộ dưới quyền anh, tôi hiểu cốt cách thi nhân của anh sâu đậm trong cuộc đời đôi lứa, cả trong những tình cảm lớn lao khác...”.

Và trái tim “chia ba phần tươi đỏ” 

Mà nói vậy trái tim anh đó/Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ,  phần để em yêu/ Em xấu hổ thế cũng nhiều anh nhỉ!

“Anh viết vậy thôi, chứ làm sao rành mạch vậy được. Tuy nhiên, là nhà cách mạng, anh dấn thân từ thuở thiếu niên và làm thơ yêu nước từ ấy… nên tôi hiểu anh dành cho Đảng, cho Tổ quốc sự hy sinh dâng hiến mà có thể bây giờ trong hoàn cảnh hòa bình độc lập tự do, khó mà hiểu hết: Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề tận cổ súng kề vai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa… Vậy thì trái tim mình, anh dành riêng cho Đảng phần nhiều là đúng. Chúng tôi ngày ấy, nếu cần là hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Không so đo ngần ngại gì… Lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước thương dân từ Bác Hồ đã truyền sang mỗi người cộng sản, nên khi ấy ngục tù, xiềng gông và cái chết cũng là vì Đảng, vì đất nước độc lập, vì tự do cho nhân dân…”.

- Xin hỏi thật bác, thi sĩ đôi khi thả hồn bát ngát vào tình yêu để có những bài thơ hay, có bao giờ bác thấy nhà thơ có khoảng trời riêng...?

- Bà cười vui bảo: “Làm sao cấm được trái tim thi sĩ. Có những phút xao lòng với nghệ sĩ thì là chuyện bình thường. Nhưng anh Tố Hữu chỉ rung động với những tâm hồn đồng cảm đồng điệu, với người yêu thơ anh mà thôi. Anh là người chung thủy, mực thước, bởi trọng trách, bởi tính cách... tuy cũng có lúc anh làm tôi hờn ghen chút ít. Anh rất coi trọng giữ gìn cái đẹp của sự thủy chung. Đôi khi có người phụ nữ yêu thơ anh đến với anh. Cũng có lúc anh không tránh khỏi có những cảm xúc bột phát. Song chính tình cảm gắn bó chặt chẽ giữa anh và gia đình, lòng tự trọng, đạo đức cách mạng luôn được rèn luyện, đã giúp anh vượt qua những cảm xúc đột xuất, thường tình của một thi sĩ, tránh được sự sa đà không đáng có. Những lúc ấy, tuy tôi thông cảm với cốt cách thi nhân của anh, nhưng đôi khi cũng không khỏi chạnh lòng.

- Có bao nhiêu bài thơ nhà thơ dành tặng riêng cho bác?

- Tôi biết riêng tặng tôi, anh có chín bài. Trong một lần tiễn tôi đi công tác, anh đã viết:

Mưa rơi dầm lá cọ /Mái tóc em ướt rồi /Đôi má em bừng đỏ /Muốn hôn quá... mà thôi. /Sợ em mình xấu hổ /Cầm hai bàn tay nhỏ /Xa nhau chẳng muốn rời.

Trong những bài thơ đã in và chưa in anh tặng, tôi thích nhất ba bài: “Mưa rơi”, “Sợ” và “Anh cùng em”. Hai bài đầu là kỷ niệm của những ngày đầu chúng tôi sống bên nhau và bài cuối khi cả hai chúng tôi đều ngoài bẩy mươi, đã cùng nhau trải qua mọi thăng trầm của cuộc đời. Anh viết bài thơ “Anh cùng em” sau chuyến anh cùng tôi về thăm lại Huế năm 1992. Bài thơ như để khẳng định một lần nữa tình yêu của chúng tôi: Vẫn tươi mát như buổi đầu gặp gỡ và đằm thắm sau gần sáu mươi năm chung sống. Có bài anh viết tặng tôi nhưng không cho đăng. Có bài đang viết dở dang như bài “Vì sao?” cũng có tên là “Rắc rối”. Thường anh hay thể hiện tình cảm riêng trong nhiều liên tưởng ở những bài thơ khác, có khi là một khổ thơ, có khi một vài câu, như trong: “Bài ca mùa xuân 1961”, “Từ Cuba”, “Chiếc áo xanh”. Ở đấy, cái chung và cái riêng xen kẽ nhau, hòa chung vào nhau.

Chia tay tôi, phu nhân nhà thơ còn đọc cho tôi nghe bài thơ cuối của ông, bài “Tạm biệt”: Tạm biệt cuộc đời yêu quý nhất/ Còn mấy vần thơ một nắm tro/ Thơ gửi bạn đường tro bón đất/ Sống là cho chết cũng là cho... Vâng! Cả cuộc đời ấy, từ khi mới thiếu niên Tố Hữu đã là một tài năng thơ và một nhà cách mạng trẻ tuổi. Đóng góp của ông cho cách mạng thật lớn lao.