Ký ức người lính

ANTĐ - Bên chân đồi A1 hôm nay, có những người gắn bó với nơi này ngay sau khi im tiếng súng ở lòng chảo Điện Biên, và có những người lính già lần đầu trở về sau 60 xa cách. Hai người lính già dù mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhưng tình cảm thì không hề khác biệt. Vẫn xúc động, nghẹn ngào và tự hào mỗi lần nhắc đến chiến trường xưa.

Cựu chiến binh Đặng Văn Đảm, người từng được giao nhiệm vụ tấn công đồi A1,
giờ vẫn “cố thủ” ở đây

Về theo tiếng gọi

“60 năm qua rồi, hôm nay tôi mới có dịp trở lại nơi mình và bao đồng đội đã gửi lại máu xương. Điện Biên giờ đổi thay nhiều quá!”, cụ Nguyễn Văn Nội vừa nói vừa lặng lẽ đến gần hố bộc phá trên đỉnh đồi A1, tay run run cầm nắm đất đỏ đưa lên nhìn như muốn tìm thứ gì trong đó.

 “Khi ấy, tôi là Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308. Chúng tôi được lệnh tiến công đánh phá gần khu vực sân bay Hồng Cúm. Khu vực này bốn bề là ruộng, từ rìa lòng chảo tính vào khoảng 4 cây số, để triển khai lực lượng không hề đơn giản chút nào bởi hỏa lực và máy bay, xe tăng của quân Pháp rất mạnh, bất cứ lúc nào cũng thấy chúng bắn như vãi đạn qua đầu”, cụ Nội bồi hồi nhớ lại. 

Suốt 60 năm qua, giờ cụ Nội mới có dịp trở về nơi mình từng chiến đấu. Con cháu lo không biết ở tuổi 90, liệu cụ có đủ sức khỏe để vượt quãng đường từ Hà Nội đến Điện Biên hay không. Vậy mà, sau chuyến xe ca kéo dài qua đêm cùng những người đồng đội cũ, khi vừa tới Điện Biên, cụ Nội như được tiếp thêm sức mạnh diệu kỳ. Điện Biên tháng 4 nắng đã chói chang, soi rõ những chứng tích trên đồi A1, người lính già không chăm chú nhìn xác chiếc xe tăng hay hầm hào kiên cố mà chỉ đứng lặng lẽ hồi tưởng về tuổi trẻ trong những ngày hành quân xung trận. Ký ức làm cho cụ Nội giữ được sức khỏe dẻo dai, đầu óc minh mẫn.

Cụ còn nhớ nhiều kỷ niệm về trận chiến ở lòng chảo Điện Biên này: “Trận chiến đấu trên đồi A1 diễn ra dai dẳng. Có những lần, các chiến sĩ thu được những bao tải nặng trịch bên trong chứa toàn cát. Chúng cũng được việc cho ta. Một lần, anh em định đưa một bao tải ra làm công sự, nhưng khi chọc lưỡi lê vào bao thì thấy bên trong toàn đường trắng, một thứ cực kỳ quý giá đối với bộ đội ở mặt trận”, cụ Nội hào hứng kể, chốc chốc lại chìm trong miền quá khứ thiêng liêng. 

Hố bộc phá nghìn cân trên đồi A1 mà bộ đội ta đánh

“Tôi vẫn gác dưới chân đồi A1”

“Chiều nào tôi cũng đi bách bộ tập thể dục, bền bỉ như thế thì xưa mới đánh thắng quân Pháp chứ”, người lính già Đặng Văn Đảm bắt đầu câu chuyện bằng nụ cười hào sảng. Chiều nào ông Đảm cũng đi tập thể dục hàng tiếng đồng hồ, khi chúng tôi được ông Ngô Minh Tuấn, Chủ tịch Hội CCB xã Thang Hưng, huyện Điện Biên dẫn đến gặp ông Đảm mới là 6h chiều, vậy mà ông đã bách bộ từ trước đó hàng tiếng. Cô cháu ruột dùng xe máy đi tìm ông về, vừa bước vào nhà, ông thay ngay bộ quân phục người lính, trên ngực áo đỏ rực huân huy chương.

“Trước thềm ngày hội lớn 60 chiến thắng Điện Biên Phủ, bà lão nhà tôi đã gắn sẵn những huân huy chương vào áo lính và dặn tôi, ngày trọng đại ông phải chỉnh tề như thế mới trịnh trọng”, ông cười bảo. Ông Đảm vào chuyện mà chẳng cần chúng tôi ngỏ lời. “Lúc kỷ niệm 55 năm thì anh em chiến đấu ở Điện Biên còn 20 cụ, giờ đến 60 năm còn có 15 cụ, năm vừa qua 4 cụ ra đi, nếu không đợt này phải vui lắm đây... Các ông ấy dại quá, chiến thắng xong lại trở về xuôi (cười). Tôi vẫn “cố thủ” ở chân đồi A1 từ ngày đó đến nay. Ngày xưa đơn vị chúng tôi giằng co ở đây ghê gớm lắm. Giờ nghĩ lại thấy sao ngày ấy quân ta tài thế, chỉ có tay và chiếc xẻng cùn thế mà đào hầm hào để tiến công vào tận đồi A1. Chúng tôi nằm áp bụng xuống đất, người trước đào, người sau vét đất. Rồi mấy ngày sau đào phải bức tường hào của quân địch. Mấy lần đào, lấp. Công toi, lại phải mở hướng mới”, ông Đảm tự hào kể một mạch. Khi ấy, người chiến sỹ Đặng Văn Đảm mới 20 tuổi, thuộc biên chế đơn vị C671, tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316.

Dấu tích sau 60 năm

Đây là đơn vị chủ lực được giao nhiệm vụ tấn công đồi A1. Quân ta xác định, đây là cứ điểm bảo vệ quan trọng nhất đối với khu vực lòng chảo Mường Thanh. Con đường tấn công vào đồi A1 phải mở bằng máu, và hầm là chiến thuật duy nhất để bảo toàn lực lượng. Ông Đảm nhớ lại: “Trong cuộc chiến có cả những thứ hàng mà không ai nghĩ tới. Một chiếc dù mang toàn những cây nước đá. Giữa ngày hè nóng bỏng tại trận địa, các chiến sĩ ta được uống nước đá pha với cà phê, bột chanh, bột cam chiến lợi phẩm. Nhưng đây là thứ hàng không thể “bỏ kho” lâu ngày. Bộ đội ta đập đá ra chia nhau rửa mặt mũi, chân tay, thậm chí tắm. Có chiếc dù mang theo toàn rau tươi, xà lách, hành tây, tỏi tây…, và cả húng láng. Những người từ Hà Nội ra đi lại có dịp nhớ tới những vườn rau ngoại thành”. Nói đến đây ông Đảm cười tự hào, bảo chuyện gian khổ trong chiến tranh thì ai cũng biết rõ rồi, thời bấy giờ dân mình  đã có mấy ai sướng đâu, ông kể chuyện này có khi ít người còn nhớ, để biết đời lính khi ấy cũng lạc quan lắm chứ. 

Đưa chúng tôi đi thăm chiến trường xưa, ông Đảm sờ vào những vết đạn còn nguyên trên xích chiếc xe tăng Bazeille trên đỉnh đồi A1 rồi kể con “voi sắt” ấy bị đơn vị của ông tiêu diệt sáng 1-4-1954. “Cũng vào lúc chiếc xe tăng bị tiêu diệt thì 4 đồng chí của đơn vị tôi đã hy sinh tại nơi này”, ông Đảm chỉ vào bia tưởng niệm rồi nghẹn ngào. Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng dưới tiếng kèn đồng bi tráng khiến cả thế giới chấn động. Người chiến sỹ Đặng Văn Đảm được lệnh trở về đơn vị chỉnh quân tại Thanh Hóa rồi đến năm 1958, theo tiếng gọi của Tây Bắc thân thương, ông trở lại xây dựng kinh tế mới. “Từ 20 tuổi đến giờ tôi đã dành cả cuộc đời cho đồi A1 và tôi sẽ cũng nằm lại với nơi này khi đồng đội của tôi “đón” về”, người lính già bỗng bùi ngùi.