Ký ức kinh hoàng của người cha bị hãm hiếp vì từ chối cưỡng bức con gái

ANTĐ - Những gì còn lại của ông Joseph chỉ là những ký ức khủng khiếp khi hai người con gái tội nghiệp của ông, một người chết vì HIV trong khi người còn lại cũng ra đi với những chấn thương thể xác, tinh thần đau đớn.

Sau cuộc bầu cử năm 2007, đất nước Kenya rơi vào một thời kỳ hỗn loạn nhất trong lịch sử, hàng trăm người, bao gồm trẻ em, phụ nữ, thậm chí cả những người đàn ông đã trở thành nạn nhân của những vụ cưỡng hiếp tập thể.  

Trong số đó, người đàn ông già 83 tuổi Joseph N cũng từng là nạn nhân của hơn 50 người đàn ông khác, chỉ vì ông không đồng ý cưỡng hiếp con gái mình.

Sau 8 năm, ông Joseph đã dũng cảm nói về ký ức kinh hoàng, với những vết sẹo mà thời gian không bao giờ có thể làm lành được. Vụ việc xảy ra vào tháng 2-2008, một nhóm thanh niên khoảng 50 người đã phá cửa xông vào nhà ông và hãm hiếp 2 cô con gái trước mặt người cha tội nghiệp.

Những gì còn lại của ông Joseph chỉ là những ký ức khủng khiếp

“Chúng nói nếu tôi không làm những gì chúng yêu cầu, chúng sẽ biến tôi thành nô lệ tình dục. 6 thanh niên đã đưa tôi sang một bên và bắt buộc tôi cởi quần áo nhưng tôi từ chối. Chúng đã làm điều tồi tệ với tôi, chúng đã cưỡng bức tôi và biến tôi thành một người đồng tính”, ông Joseph kể lại.

Người cha già đau xót cho biết, một cô con gái của ông đã bị nhiễm HIV sau vụ tấn công tình dục tập thể đó và qua đời vào tháng 6-2014. Người còn lại cũng bị chấn thương vĩnh viễn từ một mũi tên tẩm độc và ra đi hồi tháng 5-2015.  

Những gì còn lại của ông Joseph chỉ là những ký ức đen tối, tủi nhục và một thể trạng vô cùng yếu sau vụ tấn công kinh hoàng tháng 2-2008.

Nyasiongo F, 24 tuổi đứng bên ngoài ngôi nhà của mình trong một khu ổ chuột ở Nairobi với con trai bảy tuổi của cô sinh ra sau vụ hiếp dâm. Cô cũng đang chăm sóc em gái bị tổn thương não, họ bị gia đình bỏ rơi sau khi biết con gái mình bị cưỡng hiếp

Trường hợp của Nyasiongo F, 24 tuổi cũng khiến nhiều người phải bàng hoàng. Cô và em gái 12 tuổi của mình bị hai người đàn ông bắt cóc và hãm hiếp cùng một lúc.

 “Kẻ đó đã đánh đập em gái tôi vì nó la hét, hắn đấm mạnh vào đầu khiến em tôi ngất đi. Nó đã hôn mê trong 6 tháng và vĩnh viễn bị tổn thương não. Nó không biết cách sử dụng nhà vệ sinh và thường xuyên ngất xỉu”.

Nyasiongo nói rằng, cô em gái đôi khi bị kích động và đập phá đồ đạc trong nhà. Bản thân cô cũng có thai và sinh ra một bé trai, họ đang phải sống trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn.

Bà Wangechi N, 60 tuổi bị một người đàn ông hãm hiếp tháng 12-2007 sau đó cả gia đình bà bị đuổi ra khỏi làng 

Cũng giống như Nyasiongo, nhiều người phụ nữ có gia đình cũng bị cưỡng hiếp. Ngoài nỗi đau thể xác tinh thần, họ còn phải chịu đựng sự ghẻ lạnh từ chồng và gia đình chồng.

“6 gã đàn ông đã kéo tôi và 6 người phụ nữ khác vào một bụi cây và hãm hiếp chúng tôi. Sau vụ việc ấy, chồng tôi căm ghét tôi, mọi thứ càng trở nên tồi tệ sau khi tôi sinh con. Anh ta nguyền rủa đứa bé và xua đuổi tôi”, một người phụ nữ được xác định là Akinyi L cho biết. Cô Akinyi đã bị đuổi ra khỏi nhà vào năm 2009, sau khi chồng cô dẫn một người phụ nữ khác về nhà.

Cô Lucy G, 46 tuổi bị mất việc và tan vỡ gia đình sau khi bị hiếp dâm tháng 12-2007. Hiện tại cô đang sống trong khu ổ chuột  ở Nairobi và không nhận được sự hỗ trợ từ gia đình

Bạo lực đã nổ ra trên khắp Kenya sau khi Tổng thống đương nhiệm Mwai Kibaki đã thắng cử trong cuộc bầu cử ngày 27-12-2007. Sự  hỗn loạn kéo dài trong 2 tháng, khiến ít nhất 1.130 người chết và khoảng 600.000 người phải bỏ nhà đi lánh nạn.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) ước tính ít nhất 900 người đã bị tấn công tình dục trong thời kỳ loạn lạc ở Kenya. Hầu hết trong số 163 phụ nữ và 9 người đàn ông còn sống sót sau các cuộc tấn công nói rằng họ bị hãm hiếp tập thể.

Một số nạn nhân đau đớn nói rằng các thủ phạm còn sử dụng những vật dụng như súng, chai lọ để nhét vào âm đạo của họ. Đáng thương hơn, nhiều người phụ nữ bị hãm hiếp ngay trong lúc mang thai khiến đứa trẻ phải chết tức tưởi trong bụng mẹ.

Nhiều người là nạn nhân may mắn sống sót lại thường xuyên bị tra tấn vì những chấn thương về thể chất và sức khỏe tinh thần, tuy nhiên họ vẫn không được hề nhận được sự quan tâm và an ủi từ chính phủ Kenya.