Cuộc thi viết “Tôn vinh những tấm gương anh hùng liệt sĩ thương binh công an thành phố”:

Ký ức hào hùng còn nguyên giá trị cho hôm nay và mai sau

ANTD.VN - Những bài viết thấm đẫm tình cảm, lòng biết ơn đã một lần nữa làm rõ hơn thêm những cống hiến, hy sinh của thế hệ đi trước và cả nhiệm vụ gian lao nhưng rất vinh quang của các chiến sĩ Công an đang chiến đấu bảo vệ bình yên của Tổ quốc.

Hàng trăm bài viết được gửi về tòa soạn đã làm nổi bật lên những tấm gương của những chiến sĩ Công an Thủ đô

Hàng trăm bài viết được gửi về tòa soạn Báo An ninh Thủ đô (cơ quan thường trực Ban tổ chức cuộc thi của Công an thành phố Hà Nội) đã làm nổi bật lên tấm gương của những chiến sĩ Công an Thủ đô ưu tú đã xả thân vì Tổ quốc, vì sự bình yên của nhân dân.

Đọc các bài viết về các liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi, người đã đánh chìm chiến hạm của Pháp bằng một khối thuốc nổ giấu trong vali, liệt sĩ Mai Thị Du với trí thông minh sáng tạo tìm mọi cách che mắt kẻ địch để đưa tài liệu vào nội thành cho các cơ sở cách mạng, liệt sĩ Phạm Khắc Trình, người trưởng ban điệp báo kiên trung, bị địch bắt, tra tấn dã man vẫn không chịu khai báo, chúng ta khâm phục các chiến sĩ công an hoạt động trong nội thành, dù điều kiện, phương tiện hoạt động thiếu thốn, nhưng khi được tổ chức giao nhiệm vụ thì kiên quyết thực hiện bằng được cho dù biết chắc việc ấy là nguy hiểm đến tính mạng. 

Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, 27 chiến sĩ công an của thành phố đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ cứu dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước; các anh là những tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo, như liệt sĩ  Nguyễn Văn Uân, Công an quận Hai Bà Trưng trong bom rơi đạn nổ của giặc Mỹ vẫn lao vào cứu dân; liệt sĩ Trần Ẩn cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an thành phố Hà Nội đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ tại Tổng kho xăng dầu Đức Giang...

Máu đổ giữa thời bình

Khi đất nước đã bình yên, vẫn còn không ít chiến sĩ công an ngã xuống khi làm nhiệm vụ: lúc ngăn chặn các hành vi côn đồ, lúc truy lùng tội phạm bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân… Đó là hình ảnh của liệt sĩ Nguyễn Tài Hải - Công an quận Hoàn Kiếm thấy đồng đội bị nguy hiểm đã lao vào khống chế đối tượng và hứng trọn nhát dao oan nghiệt, hay liệt sĩ Nguyễn Văn Ngữ, Công an quận Hai Bà Trưng “giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha”, để rồi nhận phần thiệt thòi về mình.

Cuộc thi viết về đề tài “Tôn vinh những tấm gương anh hùng liệt sĩ thương binh công an thành phố” tuy chỉ tổ chức trong nội bộ ngành nhưng nội dung cuộc thi “vượt” ra khỏi ngành đến với công chúng qua các bài viết đã đăng trên Báo An ninh Thủ đô. Tấm gương của các anh hùng liệt sĩ thương binh, thân nhân của các gia đinh liệt sĩ vượt khó vươn lên, nghĩa tình đồng đội…, sự tận tụy quên mình vì dân phục vụ của các chiến sĩ công an Thủ đô đã để lại những ấn tượng tốt đẹp, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Trong các bài dự thi, hình ảnh người chiến sĩ công an gắn bó với công việc, gần dân, quên mình vì sự bình yên của mỗi người dân nơi mình công tác đã được phản ánh đậm nét. Càng đọc, càng thấy nhiều phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ công an, nổi bật lên trong đó là sự quả quyết, dám hy sinh để bảo vệ nhân dân, như trong bài viết “Hy sinh thân mình cứu người dân an toàn”, chiến sĩ cảnh sát Nguyễn Quốc Hương còn liều mình chắn axit cho nạn nhân. 

Đối với các chiến sĩ cảnh sát, nhất là cảnh sát hình sự, khi đi điều tra phá án, hiểm họa luôn rình rập, sơ sảy một chút là nguy hiểm đến tính mạng. Bài viết “Chuyện nghề của một chiến sỹ thương binh chống trả trận mưa dao kiếm” viết về Đại úy Vũ Thái Sơn - Công an quận Hai Bà Trưng, hoặc “Người chiến sĩ đổ máu vì sự bình yên của làng quê” viết về Trung tá Lê Hồng Vĩnh, Phó trưởng Đồn 5 Công an huyện Hoài Đức, khi thực hiện nhiệm vụ đã từng bị trọng thương, nhưng không coi đó là mối hiểm nguy để khước từ nhiệm vụ mà trái lại coi đó là niềm tự hào trong nghề nghiệp của mình…

Có lẽ, suy nghĩ ấy cũng là suy nghĩ chung của cảnh sát hình sự. Khi được giao nhiệm vụ, các anh đều sẵn sàng thực hiện, khi bị thương tích, có người tìm cách che giấu không muốn cho người thân biết. Luôn luôn là sự hy sinh, luôn luôn là sự quên mình, nghĩ cho người khác.

Xứng đáng với người đã khuất

Một chủ đề thu hút khá nhiều bài viết, đó là nối tiếp truyền thống trong gia đình có các thế hệ cha anh đã từng đổ máu, hy sinh vì sự nghiệp độc lập tự do của Tổ quốc vì sự bình yên của nhân dân.  

Một người con đã trưởng thành và thành danh nhưng chưa được biết mặt cha bởi khi cha vào chiến trường Quảng Trị, anh mới 3 tháng tuổi. Anh lớn lên trong sự tần tảo của người mẹ, kỷ vật duy nhất là bức thư cha gửi cho mẹ “chiến trường đang rất ác liệt, nếu anh có hy sinh  thịt nát xương tan cũng chấp nhận. Đặc công mà em... nên đừng cất công tìm xác anh làm gì. Em ở nhà gắng nuôi con, khôn lớn thành người”.

Quả thật, khi đọc những dòng chữ này tôi thật sự xúc động, với tinh thần quả cảm của ông. Một người lính coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Tôi cũng cảm nhận sức nặng của lời ông dặn lại với vợ “gắng nuôi con khôn lớn thành người”.

Thực hiện lời ông dặn, bé Trương Quốc Hiên, 3 tháng tuổi ngày ông ra đi năm xưa giờ đây là Trung tá công an Trương Quốc Hiên với nhiều chiến công phá án góp phần cùng với đồng đội bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Câu chuyện xúc động này đã được tác giả Thuần Thư viết lại qua bài viết “Chuyện kể của trung tá công an trên đường về nơi người cha hy sinh anh dũng”.

Con cái của các liệt sĩ giờ đây đã trưởng thành, có người hiện giữ trọng trách ở nhiều đơn vị trong Công an thành phố. Dù ở cương vị nào, các anh, các chị vẫn giữ vững truyền thống tốt đẹp của gia đình, tận tâm với công việc, sẵn sàng nhận nhiệm vụ được cấp trên giao phó. Có được sự trưởng thành ấy, ngoài ý chí vươn lên tiếp bước cha ông, thân nhân của các liệt sĩ còn nhận được sự giúp đỡ chu đáo và ân tình của các cấp và đồng đội.

Chị Nguyễn Thị Nguyên - vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Ngữ tâm sự: “Gia đình được Công an quận Hai Bà Trưng hết lòng giúp đỡ. Rồi báo An ninh Thủ đô cũng nhận đỡ đầu hai cháu ăn học đến năm 18 tuổi”. Giờ đây, cậu con trai lớn của liệt sĩ Nguyễn Văn Ngữ đã trở thành chiến sĩ công an, công tác tại phòng Cảnh sát kinh tế Công an quận Hai Bà Trưng.

Chị Nguyễn Thị Hợp, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Út nhắc lại ân tình của Công an thành phố: “Ban giám đốc đã xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình tôi, tuyển dụng tôi vào ngành Công an. Báo An ninh Thủ đô nhận nuôi dưỡng 2 con trai tôi đến năm 18 tuổi. Sự tri ân đầy tình nghĩa này đối với gia đình tôi thật quý giá”. 

Sự chăm sóc của các cấp và đồng đội của các liệt sĩ chính là biểu hiện sinh động về tình nghĩa đồng đội, đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.