Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2-1930 / 3-2-2020

Ký ức "Đồng Xuân thư quán" và những người thanh niên theo tiếng gọi của Đảng

ANTD.VN - Đi trên phố cổ Hà Nội, dễ nhận ra một nét rất riêng của đất văn hiến Thăng Long xưa. Dù không còn mái ngói thâm nâu, nhưng người Hà Nội vẫn có thú vui lên phố cổ dạo chơi. Người trẻ đi dạo phố vui cùng nhau, thưởng thức món ngon Hà thành, người già đi ngắm phố phường, nhìn lại dấu cũ, bóng hình xưa, nhớ chuyện cũ, mà rưng rưng nghe vòng quay thời gian trôi đi trong cõi vô cùng vô tận…

Căn nhà 26 phố Đồng Xuân - một trong những địa chỉ đỏ của cách mạng (Ảnh: Tuấn Anh)

Mải mốt tìm cửa hàng bán hương trầm, đồ cúng lễ nổi tiếng ở phố Đồng Xuân, ngẩng lên thấy ngay cái biển số nhà 26. Thì ra đây chính là hiệu sách Đồng Xuân - hiệu sách công khai của Mặt trận Bình dân những năm 1936-1939. Trong không khí mới, ánh sáng mới ngày ấy với các hoạt động sôi nổi của sách báo tiếng Pháp, tiếng Việt được in ấn và phát hành công khai, hiệu sách Đồng Xuân dần trở thành đầu mối thu nhận sách, báo, tạp chí tiếng Pháp, tiếng Anh từ Pháp về, sau đó, phân phát cho chi nhánh ở các tỉnh, thành. Dân quanh phố chợ Đồng Xuân qua lại hiệu sách tấp nập. Không ai biết đây chính là hiệu sách của Đảng, mà chủ hiệu sách là vợ chồng ông bà Phạm Văn Hảo - Lê Thị Huệ. 

Dấu ấn một thời

Mỗi lần đến đây mua hương trầm, tôi như thấy hiện lên trước mắt mình  những trang sách ố vàng, hồi ký của bà Lê Thị Huệ kể lại rằng, bà đã thuê căn nhà này hết 120 đồng bạc Đông Dương. Thu xếp lại đồ đạc, mượn tủ cũ về đựng sách báo, nhưng  bày lẫn lộn với hàng hóa bán hàng ngày để tránh sự kiểm soát của địch. Một tấm biển đề “Đồng Xuân thư quán” trước cửa hiệu, sâu bên trong có Nhà xuất bản Dân chúng của Đảng do ông Trần Đức Sắc (tức Văn Tân) phụ trách, ông Phạm Văn Hảo làm Giám đốc. Cuốn sách  nổi tiếng “Vấn đề dân cày” của Qua Ninh và Vân Đình đã được in ở đây.  

Số nhà 26 Rue du Riz  đã trở thành địa chỉ công khai nhận thư tín quốc tế từ Pháp gửi sang. “Đồng Xuân thư quán” có đủ cả sách chính trị như Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Lịch sử Đảng cộng sản Bôn-sê-vích (Nga) và sách văn học như Người Mẹ (Mác-xim Gooc-ki), Tội ác và trừng phạt (Đốt-xtôi ep-xki), Đất vỡ hoang (Sô-lô-khốp), Gót sắt (Giắc Lơn-đơn), thơ của Mai-a cốp-xki, tạp chí Nước Nga ngày nay, báo Nhân đạo, tạp chí Cộng sản của Đảng cộng sản Pháp. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng, hoạt động công khai ở báo Le Travail, Notre Voix, Đời Nay, Tin Tức như Nguyễn Văn Cừ, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Trần Huy Liệu… thường xuyên đến đây hội họp.

Nhưng không chỉ có thế, điều tuyệt vời nhất mà “Đồng Xuân thư quán” mang lại chính là thông qua sách báo nhập từ nước ngoài về, lớp thanh niên đang khao khát tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái như được chắp cánh đến chân trời mới, thay đổi tư duy và phương pháp hoạt động để góp phần  phát triển văn hóa dân tộc, làm cách mạng, cứu nước, cứu dân theo chủ thuyết mới. Học sinh các trường Thăng Long, Gia Long, An-be Xa-rô… thường đến đây tìm sách báo mang về đọc, mà cẩm nang gối đầu giường của họ là Tuyên ngôn Đảng cộng sản, tiểu thuyết Người Mẹ hay cuốn Viết dưới giá treo cổ (Phu-xích)…. 

Nhà văn Như Phong trong hồi ký “Theo con đường” đã chọn, đã viết rất sinh động về  hiệu sách này: “Ở gần nhà tôi, trước cửa chợ Đồng Xuân có một hiệu sách nhỏ do anh Huệ (tức Phạm Văn Hảo) phụ trách. Hiệu sách đó không những chỉ nhỏ, nghèo, mà mới thấy còn một vẻ gì đột ngột nữa. Vì nó được bố trí trong một gian cửa hàng chật hẹp và thấp lụp xụp của một dãy phố chuyên bán thực phẩm trước cửa chợ, thích hợp cho một hàng bán gạo, muối, nước mắm hơn là một hàng bán sách báo.

Vậy mà trên mấy tấm giá gỗ để mộc của hiệu sách đó, người ta thấy bày những tờ báo, những cuốn sách tiến bộ nhất ở trong nước cũng như trên thế giới bấy giờ - những sách báo có sức khua sóng, khua gió trong lòng người, soi tỏ đường đi nước bước cho biết bao con người đang quằn quại trong cái xã hội đen tối mù mịt ở nước ta hồi ấy… Tất cả thanh niên thường tới mua sách. Những buổi tối hối hả từ bên hiệu sách về chong đèn đọc sách tới gần sáng”. 

Tôi nhớ như in câu chuyện của ông cụ là trai phố cổ Hàng Bè từng học ở  trường              An-be Xa-rô kể: “Ngày ấy chúng tôi chưa biết đến Đảng, nhưng chỉ cần nghe bọn con Tây văng ra câu: “lũ couson (con lợn) chúng mày”, là chúng tôi đã điên lên đánh nhau với chúng. Đấy, chúng tôi tìm đến hiệu sách chợ Đồng Xuân, đến với cách mạng từ điều giản dị ấy”. 

Địa chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam

Câu chuyện cổ tích về Đồng Xuân thư quán giờ chỉ còn trên trang sách dạy lớp trẻ. Không mấy ai biết, vợ chồng ông bà Lê Thị Huệ - Phạm Văn Hảo suốt từ mùa thu năm 1936 đến thu năm 1939 (trước khi mùi thuốc súng của Thế chiến 2 từ châu Âu bay tới Đông Dương) đã lặng lẽ lo tài chính cho Đảng, mua sách báo  từ Pháp về, làm cho  hiệu sách trở thành đầu mối phát hành sách báo nước ngoài và trong nước công khai cho các tỉnh thành Bắc Kỳ, kiểu như Xunhasaba bây giờ.

Nhà thơ Chu Hà trong hồi ký của mình  đã kể, ông sang Viêng Chăn, làm đại lý phát  hành sách báo từ hiệu Đồng Xuân chuyển sang. Hiệu sách Lami de la Jeunsse Inlectuelle vừa là đại lý, vừa là điểm gặp gỡ của thanh niên Việt ở Viêng Chăn. Rồi từ Viêng Chăn, sách báo của Đảng lại chuyển theo đường phát hành công khai đến đại lý khác ở Thà Khẹt để chuyển cho bà con Việt kiều yêu nước ở Thái Lan. “Đồng Xuân thư quán” quả là có sức lan truyền mạnh mẽ trong cao trào Dân chủ và yêu nước 1936-1939. 

Những năm 40 của thế kỷ 20, dù “Đồng Xuân thư quán” phải đóng cửa, nhưng các nhà văn nhà thơ Việt Nam được tiếp xúc với văn hóa châu Âu đã cho ra đời dòng văn học nghệ thuật mang dấu ấn đặc sắc trong sự giao thoa văn hóa Đông - Tây, có xu hướng nghệ thuật vị nhân sinh, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Một thế hệ thanh niên khao khát dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái đã lên đường tranh đấu, theo tiếng gọi của Đảng, tiến tới giải phóng dân tộc. Cũng từ đầu năm 1940, ông bà chủ hiệu sách lao vào hoạt động bí mật.

Theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, ông Hảo lăn lộn, chắp mối cơ sở trong quần chúng lao khổ ở nội thành Sài Gòn. Sau đó, ông được phân công ra Nam Trung bộ, gây dựng cơ sở và làm báo Chiến Thắng của Xứ ủy Trung kỳ. Năm 1941, ông Hảo trở lại Sài Gòn để bắt liên lạc với Thành ủy. Ông phải đóng vai người lái lợn, tay xách làn mây trong đó đựng báo Chiến Thắng và tài liệu của Đảng và gặp vợ đang hoạt động bí mật. Ông bị mật thám theo dõi. Sáng hôm sau, ông bị bắt khi đang mua mực in, giấy sáp ở một cửa hiệu Hoa kiều. Chúng đưa ông vào Nhà thương Chợ Quán, rồi trục xuất ông khỏi Nam Kỳ thuộc địa, đưa đi an trí ở nhà tù Sơn La.

Trong tù, ông Hảo gặp lại người đã cùng hoạt động ở Hà Nội thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, được phân công vào Ban Biên tập báo Suối Reo. Sau khi vượt ngục Sơn La, ông  được Xứ ủy cử đi Thu Quế làm báo Cứu Quốc với đồng chí Xuân Thủy. Trung tuần tháng Tám, không khí chuẩn bị Tổng khởi nghĩa sôi sục dội đến tòa soạn. Mọi người náo nức làm số báo đặc biệt kêu gọi đồng bào Tổng khởi nghĩa. Ngay chiều 19-8-1945, toàn thể tòa soạn thu quân về Hà Nội. Ta trưng dụng nhà in Tô-panh để in và trụ sở báo L’Action làm trụ sở báo Cứu Quốc.

Số báo ra công khai của Tổng bộ Việt Minh được in trang trọng trên giấy trắng khổ rộng. Ông Hảo gắn bó với báo Cứu Quốc đến năm 1946 thì làm Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, rồi làm Giám đốc Sở Thông tin, Phó ban Tuyên truyền liên khu Việt Bắc suốt 7 năm (1947-1954). Hà Nội được giải phóng, ông trở về Thủ đô làm Thư ký Thường trực Đảng đoàn Hội Nhà báo, rồi sang ngạch ngoại giao làm Tham tán Đại sứ quán ở Liên Xô. Sau đó ông về nước làm Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam hơn 10 năm (1966-1975). 

Trăm suối đổ ra sông, trăm sông chảy về biển cả. Câu chuyện về “Đồng Xuân thư quán” mà vợ chồng ông Phạm Văn Hảo đã có vai trò quan trọng trong quá trình gây dựng và phát triển chỉ là một trong hàng triệu tấm gương, soi sáng cho chúng ta hiểu và trân quý những thành quả mà ông cha ta đã hy sinh để giành lại độc lập, tự do và hòa bình cho đất nước.