Ký ức của một điện báo viên chiến trường

ANTĐ - Là một trong ba thành viên sáng lập Hãng điện tử Hà Nội HANEL lừng danh một thời, TS. Nguyễn Minh Vỹ còn được biết đến là một người lính từng chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên - Huế. Cuối tháng 8-2015, ông bất ngờ giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách ảnh “Phút giây đáng nhớ”, ấn phẩm được đánh giá sẽ là một trong những phát hiện lớn của nhiếp ảnh Việt Nam trong năm 2015.

Ký ức của một điện báo viên chiến trường ảnh 1Chiến sỹ giải phóng quân bên xe tăng địch tại Chi khu quân sự Cam Lộ, Quảng Trị (tháng 1-1973)

Những bức ảnh vô giá

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt và gian khổ, những bức ảnh được ghi lại bởi người có nghề đã khó, thế mà, Nguyễn Minh Vỹ - chỉ là một tay máy “ngang”, biết sơ sơ về nhiếp ảnh những ngày còn ở quê lại âm thầm đeo đuổi nghề ảnh. Chiếc máy ảnh đầu tiên ông có là món quà của chú ruột tặng lúc chia tay lên đường đi chiến trường miền Nam, chiếc máy ảnh RITA của Nga. 

Thời đó, có máy ảnh nhưng kiếm được phim và thuốc để tráng rửa ảnh còn gian nan gấp vạn lần. Về công đoạn làm buồng tối để cho ra đời những tấm ảnh đen trắng giữa chiến trường, ít ai có thể tưởng tượng được. Tất cả công đoạn phóng ảnh đều được thực hiện dưới hầm trú ẩn. Không có đèn đỏ, ông lấy hương trầm thay thế. Và tất nhiên, thắp hương thì ắt phải có khói. Mỗi lần phóng ảnh mất cả tiếng đồng hồ, mắt Minh Vỹ luôn cay xè vì khói hương. Nhưng đổi lại, ông được nhìn ngắm chân dung bạn bè, phong cảnh thiên nhiên dần hiện lên dưới ánh sáng màu đỏ mờ ảo. Cái thú vui ấy đã theo ông trong suốt thời gian 9 năm chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên - Huế. 

Có những bức ảnh đã trở thành nỗi ám ảnh đối với Nguyễn Minh Vỹ. Bởi bức ảnh chụp đồng đội vừa đây thôi nhưng chỉ ít ngày sau đó, họ đã ra đi mãi mãi, những nụ cười trong trẻo tuổi 20 chỉ còn là ký ức. Rồi có bức ảnh, ông chụp cô y tá tại hậu cứ thì sau một trận ném bom của quân đội Mỹ, cô gái đã vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời.

Bức ảnh ông chụp liệt sỹ Phạm Văn Cao hy sinh tại chiến trường Quảng Trị đã được con trai người đồng đội của ông gửi thư cảm ơn với những lời lẽ xúc động và biết ơn. Nhờ bức ảnh này, hơn 40 năm sau, con trai của liệt sỹ Phạm Văn Cao mới biết mặt cha. Tấm ảnh được tìm thấy trong số hàng nghìn bức ảnh Nguyễn Minh Vỹ chụp tại chiến trường Quảng Trị đã trở thành vô giá đối với gia đình liệt sỹ. 

Ký ức của một điện báo viên chiến trường ảnh 2Nhờ bức ảnh chụp đồng đội, con của liệt sỹ Phạm Văn Cao đã được biết mặt cha sau hơn 40 năm

Khoảng lặng giữa cuộc chiến

Gần 10 làm nhiệm vụ tại Quảng Trị - một trong những chiến trường gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Minh Vỹ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một điện báo viên vô tuyến điện. Không chỉ vậy, ngay từ những ngày ấy, chiến sỹ trẻ Nguyễn Minh Vỹ đã ý thức được các bức ảnh ông chụp sẽ có ý nghĩa không chỉ đối với thân nhân các gia đình liệt sỹ, với đồng đội mình mà với chính bản thân ông. Đó có thể coi là những khoảng lặng giữa cuộc chiến dài, là lúc con người được sống với đam mê sáng tạo của bản thân giữa làn mưa bom bão đạn. 

Cuốn sách “Phút giây thư giãn” mà Tiến sỹ Nguyễn Minh Vỹ vừa công bố được đánh giá là một trong những phát hiện lớn của nhiếp ảnh Việt Nam 2015 vì các tác phẩm đã được chụp bởi một tay máy “ngang”, một người đã vượt lên trên những điều kiện khó khăn của cuộc chiến để kịp thời ghi lại hình ảnh các đồng đội, không khí chiến đấu của quân và dân Quảng Trị. Nhờ cuốn sách ảnh này, người xem sẽ được biết về cuộc chiến ở góc nhìn cận cảnh. 

Sau chiến tranh, ông Minh Vỹ bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Điện tử Tự động hóa  tại Liên Xô năm 1993. Ông là một trong 3 người sáng lập Công ty điện tử HANEL lừng danh một thời. Hiện nay, ông Nguyễn Minh Vỹ là Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. “Những người lính từng kinh qua trận mạc như chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình đối với dân với nước. Nhờ đi qua cuộc chiến, tôi biết trân trọng cuộc sống hòa bình ngày nay”, ông tâm sự.