Ký ức 3 lần được truy điệu sống của người lính công binh

ANTĐ - 21 năm xông pha chiến trận, người lính công binh này 3 lần được truy điệu sống, 1 lần người thân nhận giấy báo tử. Thế nhưng, người lính này vẫn sống sót một cách kỳ diệu. Trở lại đời thường, ông tìm cách để tri ân những người đồng đội đã hi sinh cho ông được sống. 

Người lính công binh 3 lần được truy điệu sống

Ông Nguyễn Văn Tài (SN 1949) quê ở Duy Minh, Duy Tiên, Hà Nam (nay trú tại số nhà 108, đường Hecman, phường Hưng Phúc, TP. Vinh, Nghệ An) sinh ra trong gia đình có 6 người con. Bố mẹ làm nông nên kinh tế rất khó khăn. Ngày còn trẻ, ông Tài học rất giỏi, đặc biệt là môn Văn. Năm 1967, vừa tròn 18 tuổi khi đường học đang rộng mở thì chàng thanh niên này quyết định xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện ở Thanh Hóa, ông Tài được phiên chế vào Đại đội công binh của Trung đoàn 2, Sư đoàn 324. Vừa vào chiến trường, ông Tài cùng đồng đội tham gia vào cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968.

Ký ức 3 lần được truy điệu sống của người lính công binh ảnh 1

Ông Tài chia sẻ về những tháng ngày ở chiến trận

Sau chiến thắng của ta, địch điên cuồng trở lại càn quét. Lúc này lương thực, thuốc men đã dần cạn kiệt. Trung đoàn được lệnh hành quân ra Bắc nhằm củng cố lực lượng. 12 đồng chí, trong đó có ông Tài nhận nhiệm vụ chốt chặn để đơn vị rút quân. “Trước nhiệm vụ này, chúng tôi xác định bằng mọi cách phải chiến đấu đến người cuối cùng. Vào ngày 22/3/1969 cả Trung đoàn đã làm lễ truy điệu cho cả 12 người chúng tôi”, ông Tài nhớ lại.

Sau 3 ngày cầm cự, trung đội của ông Tài hi sinh gần hết. Cuối cùng chỉ còn lại Trung đội trưởng Thái Hữu Song và ông Tài. “Lúc này cả hai đều bị thương nhưng anh Song bị thương nặng hơn. Trước khi chết, anh Song nắm lấy tay tôi dặn phải cố gắng sống để báo cáo với Trung đoàn chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Địch dồn lên, tôi đã nghĩ đến việc sẽ sống mái với kẻ thù nhưng nhớ lời dặn của anh Song, tôi phải giả vờ chết rồi nằm lẫn giữa thi thể của đồng đội. Bọn địch kiểm tra từng thi thể một nhưng đến chỗ tôi và anh Song nằm thì đột nhiên chúng bỏ đi. Nhờ thế mà tôi thoát chết”, ông Tài kể lại. Sau lần đó, ông Tài mất 15 ngày vượt đường rừng có lúc ăn cua, ăn ốc sống để tìm đường về đến nơi đơn vị đóng quân.

Năm 1972, sau khi củng cố lực lượng, Trung đoàn 2 được lệnh trở lại đánh chiếm cao điểm 367 (nằm phía tây nam Trị - Thiên). Vào thời điểm này, địch xây dựng thế phòng ngự dày đặc trên cao điểm 367 bằng những hàng rào dây thép và chi chít bãi mìn.

Để anh em trung đoàn có thể tiếp cận được cao điểm, ông Tài cùng 2 đồng chí khác được cử đi dò gỡ mìn để tạo điều kiện cho anh em phá hàng rào mở cửa mở tấn công mục tiêu. Là nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm nên trước khi lên đường cả 3 người được đồng đội làm lễ truy điệu.

Ba người vừa trườn lên vị trí thì địch dùng hỏa lực bắn quyết liệt khiến chiến sĩ Phong (quê ở Thanh Hóa) hi sinh, chiến sĩ Tình (quê ở Hải Phòng) và ông Tài bị thương nặng. Bài mìn được vô hiệu hóa. Anh em ào lên dùng bộc phá đánh bật mấy lớp dây thép gai, mở cửa tấn công vào trung tâm cao điểm. Địch nhanh chóng bị tiêu diệt, quân ta hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.

Ký ức 3 lần được truy điệu sống của người lính công binh ảnh 2

Bức ảnh ông Tài (thứ 3 từ trái sang) chụp kỷ niệm với đồng đội ở Mũi Né – Phan Thiết
 năm 1975.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, vào tháng 2/1974, trung đoàn cử một trung đội công binh gồm 11 đồng chí có nhiệm vụ phá một chiếc cầu nằm giao nhau giữa Quảng Trị và Huế. Đây là điểm phân giới giữa ta và địch. Với nhiệm vụ này, 10 đồng chí phải ôm 1 quả bộc phá nặng 20kg đặt vào mặt cầu. Ông Tài có nhiệm vụ điểm hỏa khối bộc phá. Trước khi thực hiện nhiệm vụ, một lần nữa các anh được làm lễ truy điệu sống.

“Các anh em tiến vào cầu đặt bộc phá thì bên này quân ta sẽ bắn đạn để kìm địch. Khi mọi người rút đi thì tôi vào kích nổ quả bộc phá đầu tiên. Lần này tôi bị hất văng xuống sông mãi 4 ngày sau mới về lại được đơn vị. Cũng trong lần này, tôi bị sức ép lớn nên một bên tai bị điếc hẳn”, ông Tài cho biết.

“Đồng đội đã hi sinh cho tôi được sống”

Ba lần nhận nhiệm vụ cảm tử được đồng đội truy điệu sống nhưng người lính công binh này vãn sống sót trở về một cách kỳ diệu. Không những vậy, năm 1969, gia đình của ông Tài ở quê nhận được giấy báo tử. Ông Tài cho biết: “Lần đó, tôi mất tích 15 ngày mới trở về, đồng đội tưởng tôi đã hi sinh nên gửi giấy báo tử về cho gia đình. Mẹ tôi khóc hết nước mắt vì thương con.

Đến năm 1972, cả nhà biết tôi vẫn còn sống nên mới hủy bàn thờ đó”. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước liền một dải, năm 1978, ông Tài được lệnh sang chiến trường Camphuchia thực hiện nghĩa vụ quốc tế với nước bạn. Trước khi đi, ông Tài cùng đơn vị về huấn luyện tại Giang Sơn (Đô Lương, Nghệ An). Tại đây ông gặp cô dược sỹ Trần Thị Nga (cán bộ kỹ thuật Xí nghiệp dược phẩm tỉnh Nghệ An).

Ký ức 3 lần được truy điệu sống của người lính công binh ảnh 3Ông Tài bên vợ của mình
Tình yêu chớm nở, ông Tài nên duyên vợ chồng với bà Nga bằng một đám cưới giản dị. Cưới nhau được 1 tháng thì ông Tài nhận nhiệm vụ đưa đơn vị sang giúp nước bạn Campuchia chống lại bọn Khơ –me đỏ. Ngày ông Tài ra đi, bà Nga mới mang thai, đến năm 1979 thì sinh người con trai đầu Nguyễn Thành Nam. 4 năm sau, người con gái thứ hai Nguyễn Thị Phương Thanh ra đời.

Năm 1988, ông Tài về nước và chuyển ngành về làm chuyên viên Ban quản lý 85 của Bộ GTVT. Nhiều lần thoát chết hi hữu ở chiến trường, trở về đời thường suốt một thời gian dài người lính này từ chối nhiều phóng viên, nhà báo đến tìm hiểu viết bài. Bởi theo ông: “Đồng đội đã hi sinh cho tôi được sống đến hôm nay, vậy nên các phóng viên, nhà báo hãy tìm hiểu và viết về họ trước đã”.

Năm 1999, ông Tài về hưu. Nhàn rỗi, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tài bắt đầu viết báo và tham gia viết lịch sử trung đoàn. Bà Nga chia sẻ về người chồng của mình: “Tôi và ông ấy đến với nhau bằng một đám cưới đơn giản trong thời chiến, nhưng ông ấy là người hiền lành, có trách nhiệm và rất yêu thương vợ con. Bao nhiêu năm ông ấy ra trận, tôi ở nhà nuôi nấng các con. Nay ông ấy đã về hưu, vợ chồng mới có thời gian bên nhau thế này”.

21 năm trong quân ngũ, đi hết chiến trường này đến chiến trường khác ông Tài được 19 lần phong tặng các danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ, dũng sỹ diệt Ngụy, dũng sỹ diệt xe tăng, dũng sỹ quyết thắng…, 16 lần được tặng huân, huy chương các loại.

Hiện tại, ông Tài là Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh khối Yên Vinh, phường Hưng Phúc và là Ban chủ nhiệm hội thơ Tao đàn mùa xuân của Nghệ An. Tham gia công tác xã hội, người lính công binh ngày nào con tranh thủ viết về những câu chuyện cảm động ở chiến trường. Với ông hình ảnh những đôi mắt của đồng đội trước lúc sinh khiến ông không bao giờ quên được.