Kỹ trị và trong sạch "lên bệ phóng" tại Trung Quốc

ANTD.VN - Trung Quốc đang trong quá trình xây dựng một đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tương lai theo hướng kỹ trị và trong sạch khi nhiều nhà khoa học và kỹ thuật được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo ở địa phương.

Chủ tịch Trung Quốc đang tiến hành xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt theo hướng kỹ trị và trong sạch hơn

Một loạt các chuyên gia khoa học-kỹ thuật, là người đứng đầu những cơ quan khoa học mũi nhọn của Trung Quốc, đã được luân chuyển về làm lãnh đạo tỉnh của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Trong đó, có tới 4 nhà khoa học hàng không nổi tiếng được bổ nhiệm làm lãnh đạo chủ chốt tại các tỉnh của Trung Quốc trong 4 năm qua.

Mới đây, ông Mã Hưng Thụy (Ma Xingrui), nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Khoa học Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc, đã trở thành Chủ tịch tỉnh Quảng Đông, tỉnh có nền kinh tế lớn nhất Trung Quốc. Trước đó, ngay sau khi rời ghế Tổng Giám đốc Tập đoàn Khoa học Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc, ông Mã Hưng Thụy đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu chính quyền Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, đặc khu kinh tế đầu tiên và lớn nhất của Trung Quốc nằm trên địa phận tỉnh Quảng Đông.

Người kế nhiệm của ông Mã Hưng Thụy là ông Hứa Đạt Triết (Xu Dazhe) từng có 32 năm công tác tại Tập đoàn Khoa học Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc cũng chỉ ngồi trên ghế Tổng Giám đốc tập đoàn này một thời gian ngắn rồi được bổ nhiệm làm Phó bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam vào tháng 8-2016. Chỉ đúng 1 tháng sau, ông Hứa Đạt Triết lại được tín nhiệm giao giữ chức quyền Chủ tịch tỉnh Hồ Nam.

Mới đây nhất, ngày 28-4 vừa qua, nguyên Giám đốc Viện Năng lượng Vũ trụ Trung Quốc Viên Gia Quân (Yuan Jiajun) được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch tỉnh Chiết Giang, địa phương mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng có thời gian công tác 5 năm. Trước đó, ông Trần Cầu Phát (Chen Qiufa), chuyên gia giám sát chương trình không gian quốc gia cũng đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch tỉnh Liêu Ninh. 

Theo thông lệ trước đây, lãnh đạo cấp tỉnh của Trung Quốc thường được lựa chọn từ các lãnh đạo chính quyền địa phương hoặc những người đứng đầu các cơ quan chủ chốt của tỉnh. Việc có tới 4 nhà lãnh đạo cấp tỉnh trong tổng số 17 tỉnh của Trung Quốc xuất thân từ những chuyên gia mà gần như cả đời gắn bó với những công việc hay quản lý trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật đã gây không ít sự quan tâm, chú ý. 

Các nhà phân tích cho rằng, những nhà lãnh đạo kỹ trị trên trước hết có các tố chất phù hợp để trở thành các lãnh đạo địa phương. Điều quan trọng hơn, những nhà kỹ trị này đã quen với cung cách làm việc khoa học, không biến báo các số liệu báo cáo xấu thành con số đẹp để tạo thành tích ảo và nhất là sẵn sàng đưa ra các quyết định cần thiết dù không được số đông ủng hộ và không bị ràng buộc bởi các nhóm lợi ích.

Ví dụ như ông Mã Thụy Hưng là người thẳng thắn, cứng rắn và táo bạo, đồng thời luôn gây áp lực để cấp dưới làm tốt công việc. Bên cạnh đó, việc các nhà kỹ trị có liên quan nhất định với lĩnh vực quốc phòng được đưa về làm lãnh đạo địa phương cũng giúp quan tâm hơn tới lĩnh vực mà Trung Quốc đang rất coi trọng trong quá trình trỗi dậy.

Điều quan trọng hơn hết, theo các nhà phân tích, Trung Quốc đang chuẩn bị đội ngũ lãnh đạo kế cận khi mà Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được tổ chức vào cuối năm 2017 này. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo” được nhìn nhận là thành công cũng đang chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong sạch và chuyên nghiệp do mình là hạt nhân trong 5 năm 2017-2022, trước khi rời chính trường theo thông lệ vào cuối năm 2022.