Kỳ tích và tiếng vang của Y tế Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong “cuộc chiến” dai dẳng và chưa có hồi kết với kẻ thù vô hình mang tên SARS-CoV-2, với riêng ngành Y tế, rất nhiều kỳ tích đã được tạo ra. Không quá khi nói rằng, những “chiến sĩ áo trắng” đã góp công lớn nhất để mang đến niềm tự hào khi Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là một trong những điểm sáng giữa đại dịch.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra thiết bị phòng chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra thiết bị phòng chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Nhiều điều “chưa từng có tiền lệ”

Nhìn lại cuộc chiến dai dẳng với đại dịch kéo dài suốt một năm qua, với riêng ngành y tế Việt Nam, có rất nhiều kỳ tích đáng tự hào, đặc biệt trong công tác điều trị. Từ khi xuất hiện bệnh nhân Covid-19 đầu tiên vào ngày 23-1-2020 thì đến tận ngày 31-7-2020, Việt Nam mới ghi nhận ca tử vong đầu tiên do đại dịch này, trong khi ở các quốc gia khác có số mắc tương tự tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều. Ca tử vong đầu tiên là bệnh nhân số 428, mắc nhiều bệnh lý nền nặng, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế.

Nói đây là một kỳ tích bởi trước BN428, đã có nhiều ca bệnh rất khó được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hay Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đưa trở về từ cõi tử. Hai bệnh nhân nặng nhất phải kể đến là BN19 (nữ, 64 tuổi, ở phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội - bác của bệnh nhân số 17) và BN91 (phi công người Anh của Hãng hàng không Vietnam Airlines). Thời gian nằm điều trị của BN19 kéo dài 87 ngày, quá trình nằm viện 3 lần rơi vào tình trạng ngừng tim, ngừng thở, lần lâu nhất lên tới 40 phút. Thời gian điều trị của BN91 thậm chí còn dài hơn, tới 116 ngày, quá trình nằm viện có thời điểm 2 phổi của bệnh nhân đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động, nhiều lần đối diện “cửa tử”.

Nhắc lại kỳ tích kể trên, ThS.BS Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - người tham gia điều trị cho BN19 tự hào kể lại: “Chúng tôi điều trị thành công cho bệnh nhân không phải chuyện “đương nhiên” có được.Giai đoạn đầu khi tiếp nhận những bệnh nhân nặng, không chỉ chúng tôi mà các thầy (các chuyên gia hàng đầu trong Hội đồng chuyên môn điều trị Covid-19 - PV) đều rất lo lắng, vì Covid-19 có căn nguyên mới quá, thế giới chưa từng gặp. Với BN19, diễn biến nặng lại quá nhanh, sau 9 ngày nhập viện, nữ bệnh nhân 64 tuổi bất ngờ xuất hiện tổn thương phổi nặng đến 80%, hai lá phổi gần như trắng xóa. Rồi bệnh nhân nhanh chóng rơi vào suy hô hấp, suy thận, phải đặt ECMO. Đây là một kỹ thuật tối tân trong hồi sức cấp cứu, bình thường phải thiết lập mất 1 giờ đồng hồ, nhưng tình thế khẩn cấp nên chúng tôi chỉ cài đặt trong nửa giờ…” - bác sĩ Khiêm kể.

Chưa kể, quá trình điều trị bệnh nhân nặng có những tình huống vượt qua giới hạn khuyến cáo trong kiến thức đang có, chắc chắn sẽ nảy sinh tranh luận. Thậm chí khi hội chẩn rồi vẫn có những ý kiến khác nhau. Khi ấy, các bác sĩ trực tiếp điều trị cho người bệnh buộc phải quyết đoán đưa ra chỉ định cuối cùng. “Có những khi đấu tranh với chính mình để đưa ra quyết định, tôi đã nghĩ tới tình huống sau này gặp lại các thầy có bị “làm sao” không? Nhưng may mắn, nhờ các thầy trao niềm tin, chúng tôi tin vào chính mình, kết quả, bệnh nhân vượt qua cửa tử, phổi phục hồi” - bác sĩ Khiêm chia sẻ thêm.

Ở giai đoạn hai của dịch, vào ngày 24-7-2020, khi chặng đường 99 ngày liên tiếp không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng dừng lại với ca mắc ở Đà Nẵng và ổ dịch thành phố này nhanh chóng bùng phát với tốc độ ghê gớm. Thời điểm đó, ngoài việc chỉ đạo liên tục các biện pháp khoanh vùng, kiểm soát ổ dịch, ngăn chặn sự lây lan, ngành y tế đã nhanh chóng huy động một lực lượng hùng hậu y, bác sĩ từ các tỉnh, thành cả trong Nam lẫn ngoài Bắc vào “chi viện” cho Đà Nẵng và các tỉnh thành ở tuyến đầu của dịch.

Trong các bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhiều lần dùng cụm từ “chưa từng có trong tiền lệ” để nói về đội quân hùng hậu hơn 300 bác sĩ, chuyên gia được huy động chi viện cho miền Trung chống dịch Covid-19. Đội ngũ này đã xông pha vào nơi nguy hiểm nhất, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để cùng với các địa phương nơi tuyến đầu sớm chiến thắng dịch bệnh.

“Chưa bao giờ có được vị thế, uy tín và sự tin yêu như hôm nay”

Ngoài kết quả điều trị và giám sát dịch tễ, điều mà các chuyên gia, tổ chức nước ngoài đều thống nhất đánh giá cao Việt Nam trong công tác phòng dịch Covid-19 là đã đưa ra được các biện pháp chủ động, kịp thời, hiệu quả với chi phí thấp. Ngành y tế đã sớm tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo áp dụng biện pháp đeo khẩu trang rộng rãi trong cộng đồng. Việt Nam bắt đầu triển khai quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng từ ngày 21-2-2020 và tại địa điểm công cộng như siêu thị, sân bay và nhà ga kể từ 16-3-2020, trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới bắt buộc đeo khẩu trang để phòng dịch.

Trong công tác xét nghiệm, không chỉ nhanh chóng làm chủ phương pháp xét nghiệm tìm gene virus SARS-CoV-2 mà Việt Nam là nước thứ năm trên thế giới nghiên cứu thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh) để đáp ứng hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19. Việt Nam cũng đã nhanh chóng mở rộng công tác xét nghiệm Covid-19 tại các cơ sở y tế. Từ chỗ chỉ có 3 đơn vị được chỉ định đủ điều kiện xét nghiệm SARS-CoV-2, đến nay cả nước đã có gần 100 cơ sở đủ năng lực được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19, giúp giảm thời gian chờ đợi cũng như giảm tải cho hệ thống y tế dự phòng trong xét nghiệm các đối tượng nguy cơ…

Hiện tại, trong bối cảnh thế giới đang “chạy đua” tìm vaccine ngăn đại dịch thì Việt Nam cũng tạo được dấu ấn lớn. Lúc này, đã có 4 nhà sản xuất vaccine Covid-19 tại Việt Nam gồm Ivac; Vabiotech; Polyvac và Công ty Nanogen. Đặc biệt, cuối tháng 12-2020, Công ty Nanogen phối hợp với Học viện Quân y đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 với tên gọi Nano Covax giai đoạn 1 trên người. Đây là

vaccine Covid-19 “made in Vietnam” đầu tiên hoàn thiện quy trình nghiên cứu và đạt hiệu quả cao trong thử nghiệm. Các vaccine của 3 đơn vị còn lại cũng sẽ sớm đưa vào thử nghiệm lâm sàng trong những tháng tới đây…

Tính đến ngày 26-12-2020, toàn thế giới ghi nhận 80,3 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó 1,8 triệu ca tử vong. Còn tại Việt Nam, đến nay ghi nhận 1.440 ca mắc Covid-19, chỉ có 35 trường hợp tử vong. Không những thế, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, cuộc sống người dân đã trở lại bình thường. Đó là kết quả rất đáng tự hào.

Dẫn câu nói của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ: “Có thể nói rằng ngành Y tế chưa bao giờ có được vị thế, có được uy tín và có được sự tin yêu của người dân như ngày hôm nay”. Thực tế chứng minh, chính trong những thời khắc lịch sử như cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid-19, bản lĩnh, trình độ của ngành Y tế càng được phát huy cao nhất.