Kỳ tích tăng trưởng ngoạn mục của kinh tế Việt Nam năm 2017

ANTD.VN - Với mức tăng 6,81% trong năm 2017, GDP của Việt Nam đã có bước tăng trưởng ngoạn mục trong bối cảnh Việt Nam vừa đảm nhận thành công vai trò chủ nhà Hội nghị Cấp cao các nền kinh tế APEC. Ba điểm sáng lớn của nền kinh tế trong năm qua là: Hiệu quả từ Chính phủ kiến tạo; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục mới và sự bứt phá của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có Samsung và Formosa.

Năm 2017, Việt Nam đã có những bước tăng trưởng kinh tế ngoạn mục

Điểm sáng điều hành hiệu quả từ Chính phủ kiến tạo

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, hiệu quả của Chính phủ kiến tạo được thể hiện rõ qua 5 chỉ tiêu của nền kinh tế, bao gồm: Tình hình hoạt động của doanh nghiệp; Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp; Sự phát triển của ngành Du lịch và Điều hành chính sách vĩ mô linh hoạt, kịp thời, phù hợp.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.295,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2%. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và tăng vốn tăng lên, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, hoàn tất thủ tục giải thể giảm cho thấy sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp vào chính sách điều hành của Chính phủ. 

Theo đại diện của Tổng cục Thống kê, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đạt mức tăng trưởng cao. Kéo theo đó, doanh nghiệp lạc quan về xu hướng kinh doanh trong năm 2018; khách du lịch trong và ngoài nước tăng mạnh chứng tỏ những cải cách của mạnh mẽ của Chính phủ trong năm 2017 đã tạo ra những chuyển biến rõ nét ở từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể. 

“Năm 2017 phản ánh sự điều hành kinh tế linh hoạt của Chính phủ. Kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức 1,41%, thấp hơn chỉ tiêu 1,6-1,8% đặt ra đầu năm và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Điều hành tỷ giá trung tâm giữa VND và USD có biên độ tác động cộng trừ 3%. Các tổ chức tín dụng thế giới đánh giá VND giữ được giá trị ổn định nhất trong khu vực. Dự trữ ngoại hối đạt mức cao, cuối năm 2017 đã đạt được mục tiêu dự trữ ngoại hối của cuối năm 2020, cán mốc trước 3 năm”.

Ông Nguyễn Bích Lâm (Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê)

Bên cạnh những yếu tố trên, điểm sáng trong điều hành của Chính phủ kiến tạo được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao là việc điều hành chính sách vĩ mô kịp thời, linh hoạt và phù hợp. “Năm 2017 phản ánh sự điều hành kinh tế linh hoạt của Chính phủ. Kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức 1,41%, thấp hơn chỉ tiêu 1,6-1,8% đặt ra đầu năm và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Điều hành tỷ giá trung tâm giữa VND và USD có biên độ tác động cộng trừ 3%. Các tổ chức tín dụng thế giới đánh giá VND giữ được giá trị ổn định nhất trong khu vực. Dự trữ ngoại hối đạt mức cao, cuối năm 2017 đã đạt được mục tiêu dự trữ ngoại hối của cuối năm 2020, cán mốc trước 3 năm”, ông Nguyễn Bích Lâm bình luận.

Xuất nhập khẩu xác lập kỷ lục mới

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất năm 2017 ước tính đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2017 tăng 17,6% so với năm 2016.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2017 ước tính đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2017 tăng 17,7% so với năm 2016. Cán cân thương mại hàng hóa tính chung cả năm 2017 xuất siêu 2,7 tỷ USD. Năm 2017 ghi nhận một kỷ lục mới của xuất nhập khẩu Việt Nam khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu vượt mốc 400 tỷ USD. 

Lý giải về “kỳ tích” xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017, ông Nguyễn Bích Lâm cho hay, có 5 tháng liên tiếp của năm này kim ngạch xuất khẩu đạt trên 19 tỷ USD. Đây là giá trị mà chưa năm nào Việt Nam đạt được. Đáng chú ý, chỉ riêng tháng 10-2017, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt trên 20 tỷ USD.

Trong số các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD thì 5 nhóm hàng hóa có xuất khẩu đạt giá trị trên 10 tỷ  USD, chiếm 58,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đó là điện thoại và linh kiện điện thoại, đạt 45,1 tỷ USD; dệt may xuất khẩu 25,9 tỷ USD; điện tử và máy tính, linh kiện xuất  25,9 tỷ USD; giày dép đạt 14,6 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 12,8 tỷ USD.

3 nhóm hàng đạt trên 5 tỷ đến dưới 10 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; 28 nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục với trên 3,5 tỷ USD, tăng 43,1% so với năm 2016. Chính phủ mở rộng thị trường xuất khẩu cho thanh long, xoài, vú sữa đã có thị trường xuất khẩu, từng bước khắc phục tình trạng được mùa, mất giá. 

Trong khi đó, ở chiều nhập khẩu, điểm tích cực là nhập khẩu nhóm tư liệu sản xuất đạt 192,4 tỷ USD, chiếm 91,4% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu. Nhập khẩu tư liệu tiêu dùng chỉ còn 8,6%, giảm 0,2 điểm phần trăm. 

Theo một chuyên gia kinh tế, khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu mà cả nước vẫn xuất siêu đã chứng minh nỗ lực của cộng đồng doanh nhiệp và Chính phủ. “Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Công Thương đã năng động, tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu, nhất là việc “mở đường” cho thanh long, xoài và sắp tới xuất khẩu vú sữa sang Mỹ cũng như thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, nhìn toàn bộ nền kinh tế, chúng ta mới xuất siêu hàng hóa, còn ta vẫn nhập siêu dịch vụ rất lớn (3,9 tỷ USD) như: dịch vụ du lịch, bảo hiểm, tài chính ngân hàng… Nền kinh tế có độ mở lớn, tăng trưởng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đặt ra bài toán cho năm 2018 là tiếp tục phải chú trọng hoạt động xuất nhập khẩu, vì hoạt động này ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu nhập siêu thì tăng trưởng giảm, ngược lại xuất siêu thì tăng trưởng sẽ tăng” - vị chuyên gia cho hay.

Sự bứt phá từ khu vực doanh nghiệp FDI 

Không chỉ thành công từ việc thu hút FDI, năm 2017 đã chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của các doanh nghiệp từ khu vực này. Cụ thể, từ năm 2014, khi khai thác dầu thô bắt đầu sụt giảm, thì tăng trưởng kinh tế dựa khá nhiều vào ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo. Năm 2017, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của toàn ngành. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây của ngành này, trong đó Samsung và Formosa có đóng góp lớn. 

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, dự kiến năm 2017, Samsung tạo ra 1,21 triệu tỷ đồng giá trị sản xuất tính theo giá so sánh, tăng 31% so với 2016. Samsung cũng xuất khẩu tăng đột biến so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm máy tính và linh kiện đạt khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 36,5%; điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu đạt 45,1 tỷ USD, tăng 31,4%.

Hai loại sản phẩm này của Samsung đóng góp chủ yếu vào kim ngạch xuất khẩu của nhóm mặt hàng. Tính chung lại, Samsung đóng góp 5,43 điểm phần trăm và mức tăng trưởng 14,5% của ngành công nghiệp chế biến chế tạo và 3,8% vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Với Fomosa Hà Tĩnh, mặc dù mới sản xuất kinh doanh từ năm 2016 nhưng đến năm 2017, doanh nghiệp này dự kiến tạo ra 14,8 nghìn tỷ giá trị sản xuất so với giá so sánh, tăng 32,5% so với năm 2016; Đóng góp 0,19% vào mức tăng 14,5% của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Như vậy, cả Samsung và Formosa đóng góp 4,02% điểm phần trăm vào mức tăng 9,4% điểm phần trăm của ngành công nghiệp trong năm 2017. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp cũng cho rằng, bên cạnh việc thu hút FDI thì cần quan tâm phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, để tránh sự lệ thuộc vào doanh nghiệp FDI.