Kỳ tích người phụ nữ bán rau xây bệnh viện cho người nghèo

ANTĐ - 23 tuổi, Subhasini Mistry ở Bengal, Ấn Độ đã trở thành góa phụ, một mình nuôi 4 con nhỏ. Trong cảnh cơ cực ấy, người phụ nữ đó đã nuôi một hoài bão - đó là xây một bệnh viện cho những người nghèo như mình. Câu chuyện về người phụ nữ bán rau để tiết kiệm tiền xây bệnh viện đã trở thành một chuyện cổ tích có thật giữa đời thường.

Kỳ tích người phụ nữ bán rau xây bệnh viện cho người nghèo ảnh 1Bà Subhasini Mistry động viên, thăm hỏi bệnh nhân

Ấp ủ hoài bão lớn

Làng Hanspukur ở South 24 Parganas, bang Tây Bengal, Ấn Độ giờ được nhiều người biết đến, xuất phát từ kỳ tích của bà Subhasini Mistry. Xuất thân từ một gia đình rất nghèo, Subhasini lấy chồng từ thuở 12. Năm 1971, chồng Subhasini là công nhân, qua đời vì bệnh nặng nhưng nhà quá nghèo, không đủ tiền chữa trị. Bà Subhasini Mistry, giờ đã trên 70 tuổi kể trên tờ IANS: “Khi chồng tôi qua đời, tôi đã bị sốc. Sau đó, tôi nhận ra mình còn 4 miệng ăn phải chăm lo, 2 con trai và 2 con gái. Cậu con cả lúc đó mới 4 tuổi rưỡi, con gái út mới 1 tuổi rưỡi. Đã thế, tôi không được học hành gì”.

Subhasini làm nghề giúp việc ở nhiều hộ gia đình xung quanh. Dần dần nhận ra rằng nghề giúp việc không đủ nuôi sống gia đình, bà làm thêm việc đóng gạch và những việc nặng nhọc khác, cuối cùng là bán rau để bổ sung cho thu nhập ít ỏi của mình. Nhưng thời gian đó, bà đã ấp ủ một giấc mơ, đó là một ngày nào đó xây được bệnh viện cho người nghèo, để có thể cứu giúp những người nghèo khác không phải chịu chung số phận như chồng mình. 

Làm thế nào Subhasini có thể tiết kiệm được khoản tiền khổng lồ chỉ với công việc chính là người giúp việc hay bán rau? Bài viết trên Hãng tin DW của Đức cho biết, thời điểm chồng mới mất, bà   Subhasini kiếm được 5 paise (đơn vị tiền tệ của Ấn Độ, bằng 1/100 rupee) thì 2 paise dành để thuê nhà, 2 paise cho thực phẩm và đồng xu cuối cùng để tiết kiệm cho giấc mơ của mình. Thu nhập từ bán rau sau này ổn định, bà Subhasini vẫn không dành thêm đồng nào cho bản thân.

Chưa hết, Ajoy, con trai thứ cùng với con gái út của bà đã được gửi đến một trại trẻ mồ côi bởi bà mẹ Subhasini lúc đó không đủ trang trải cho con học hành. “Tôi khóc không biết bao nhiêu đêm vì không thể nuôi con. Tuần nào tôi cũng đi thăm con, thỉnh thoảng mang thêm ít kẹo, ít quần áo và ôm ấp, hôn chúng hàng giờ. Tôi vẫn nói với các con rằng: con phải xa mẹ để sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Sau 30 năm tằn tiện, Subhasini cố tiết kiệm được 1 lakh (100.000 rupee Ấn Độ) và mua được một mảnh đất. Thời điểm ấy, chàng trai mồ côi cha Ajoy đã tốt nghiệp đại học hạng giỏi, và trước đó cậu nhận được học bổng ngành y khoa, rồi  chính thức trở thành bác sỹ. Khi đó, bà Subhasini mới thổ lộ cho Ajoy biết về dự định xây bệnh viện của mình. 

Biến giấc mơ thành hiện thực

Theo tường thuật của kênh truyền hình Ấn Độ NDTV, năm 1993, Quỹ Humanity Trust của mẹ con bà Subhasini được thành lập. “Tôi đã kêu gọi mọi người đóng góp bất kỳ thứ gì tùy theo sức của họ. Một số người tặng tiền, một số khác đem đến gỗ hay vật liệu xây dựng cần thiết, trong khi một số tình nguyện thì góp công xây nhà”, bà Subhasini kể. Từng chút một gây dựng, thế là một phòng khám nhỏ ra đời, bác sỹ là Ajoy cùng một số đồng nghiệp của anh. Khoảng 252 bệnh nhân đã đến trong ngày đầu tiên phòng khám mở cửa. Bà Subhasini đã khóc khi chứng kiến bệnh nhân xếp hàng vào khám.

Tuy nhiên, Ajoy và mẹ muốn có một bệnh viện đúng nghĩa. Anh đến gõ cửa từng nhà dân, công ty và tổ chức từ thiện địa phương kêu gọi quyên góp cho bệnh viện. Bà Subhasini tiếp tục bán rau, con cả của bà - Sujoy cũng đã làm ra tiền và phụ với mẹ. Chỉ trong thời gian ngắn, số tiền đóng góp cho bệnh viện đã tăng gấp 10 lần và ngày 9-3-1996, bệnh viện với tòa nhà kiên cố đã được khánh thành.

 Ở tuổi 70, giờ bà Subhasini có thể hài lòng nhìn lại cuộc đời mình với công trình Bệnh viện Nhân đạo đã mở rộng trên diện tích 12.000m2, có một tòa nhà 2 tầng, 40 giường bệnh với nhiều trang thiết bị y tế hiện đại. Tạp chí Fridaymagazine cho biết, bệnh nhân điều trị ở đây được miễn phí 60%, chi phí do bệnh viện xoay xở từ nguồn đóng góp từ thiện và cả công sức của những bác sỹ, nhân viên y tá tình nguyện. 

Được trao rất nhiều giải thưởng nhưng bà Subhasini Mistry ngày hôm nay khiêm tốn mà rằng, việc làm của mình không phải là điều phi thường: “Đó là tất cả những gì tôi có thể tự làm được. Tôi không hối tiếc khi từng phải đưa hai đứa con vào trại trẻ mồ côi. Có những điều ta buộc phải làm để cuộc sống tốt đẹp hơn”.