Cứu sống những bé sơ sinh nhỏ nhất

Kỳ tích của nền y học việt Nam

ANTĐ - Theo quy chuẩn, các bé sơ sinh nặng dưới 2,5kg và ra đời khi chưa đủ 40-42 tuần thai thì phải được nuôi dưỡng bằng chế độ đặc biệt. Nhưng những bé sơ sinh chỉ nặng 500g, 700g, việc cứu sống tưởng chừng như là không tưởng thì ngành phụ sản, nhi khoa Việt Nam đã làm được điều kỳ diệu ấy.

Tín hiệu duy nhất của sự sống chỉ là những nhịp tim rời rạc, uể oải và yếu ớt, nhưng các y, bác sĩ đã phải giành giật từng phút, từng giây, chiến đấu với tử thần để đem lại sự sống cho những sinh mệnh nhỏ bé. Không chỉ gia đình của những đứa trẻ sẽ mang ơn những người đã cứu mạng sống cho con họ, mà  cuộc đời này sẽ  mang ơn những người thầy thuốc tận tâm hết lòng vì người bệnh. Nhân ngày 27-2, xin được gửi lời cảm ơn và lời chúc mừng tới những người thầy thuốc Việt Nam, xin được chúc cho ngành y học Việt Nam làm thêm được nhiều điều kỳ diệu.

Kỳ tích của nền y học việt Nam ảnh 1

Cứu sống bé gái nặng 650g từ mẹ tiền sản giật

Chỉ cách đây ít ngày thôi, ngày 7-2-2012, cả Bệnh viện Bạch Mai xôn xao về ca cứu sống, chăm sóc, nuôi dưỡng thành công bé sơ sinh chào đời chỉ nặng 650g. Bé gái được đặt tên là Nguyễn Hà An. Trước đó, mẹ bé Hà An là chị Nguyễn Thị Kha (43 tuổi, ở thôn Cổ Điển, Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội) nhập viện ở tuần thai thứ 25 khi có dấu hiệu tiền sản giật, tăng huyết áp mạnh. Chỉ cần mổ lấy thai là có thể cứu sống được mẹ nhưng khi đó cơ hội sống của trẻ sẽ vô cùng mong manh vì tuổi thai còn quá nhỏ. Đây là lần mang thai thứ tư của chị Kha. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị Kha được điều trị năm ngày nhưng huyết áp tiếp tục tăng buộc phải chuyển đến Viện Tim mạch quốc gia song bệnh vẫn không thuyên giảm, chị Kha tiếp tục được đưa sang khoa sản - Bệnh viện Bạch Mai. Các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch - Sản - Nhi đã hội chẩn và quyết định cố giữ cho huyết áp chị Kha thấp xuống. Lý do là vì càng giữ cho bé ở trong bụng mẹ lâu bao nhiêu thì khả năng sống của bé càng cao bấy nhiêu.

Tuy nhiên điều trị tại khoa sản 10 ngày, huyết áp chị Kha vẫn tăng vọt, khó kiểm soát. Không thể trì hoãn vì có thể nguy hiểm đến tính mạng thai phụ, nên các bác sĩ quyết định mổ lấy thai dù chị Kha mới mang thai 28 tuần. Khi mổ, các bác sĩ khoa Nhi phải đợi ngay ở ngoài phòng mổ để đón bé, vì mới 28 tuần tuổi bé không có khả năng tự thở, nếu không cấp cứu kịp thời trong 5 phút đầu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển não, thậm chí tử vong. Sau khi mổ, huyết áp sản phụ lập tức ổn định nhưng em bé sinh sớm nên chỉ nặng 650gr. Cuộc giành giật sự sống cho bé Hà An là một kỳ tích. Thông thường với trẻ đẻ non, chỉ cần bơm thuốc giãn phổi một lần nhưng bé quá non nớt, phổi chưa phát triển nên phải bơm tới hai lần. Điều này cũng khiến nguy cơ tử vong cao. Nhưng với Hà An, nếu không bơm, phổi không thể nở, bé không thở được. Ngoài ra, việc đặt ống nội khí quản thở máy, bơm thuốc giãn nở phổi đều rất khó. Đặc biệt, việc duy trì thở máy vô cùng gian nan bởi cái khó của việc thở máy là phải giữ được nồng độ oxy thấp (luôn trong tình trạng đói oxy và khí carbonic hơi thừa để giúp vừa đủ oxy, đủ máu nuôi dưỡng các cơ quan của cơ thể, vừa giúp phòng ngừa bệnh lý võng mạc trẻ đẻ non).

Duy trì suốt tình trạng thở máy này trong hơn 1 tháng là vô cùng khó khăn bởi để đảm bảo đạt mục đích hơi thiếu oxy, thừa khí carbonic thì phải liên tục lấy đủ lượng máu để xét nghiệm trong khi cơ thể của bé chỉ có 100ml máu, nên không thể lấy nhiều. Theo PGS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai: Bé gái được cứu sống là nhờ được cấp cứu ngay sau sinh, tiếp đó được thở máy không có oxy mà hoàn toàn dùng khí trời. Chưa kể trong suốt 3 tuần, bé cũng chịu bệnh lý từ mẹ, khả năng xuất tiết đờm không có nên trẻ bị tắc nội khí quản rất nhiều, có lần bác sĩ phải bỏ ra đặt lại đến 2 lần. Sau thời gian điều trị 2,5 tháng, bé gái được xuất viện ngày 6-2. Khi xuất viện, bé nặng 1,2kg, hoàn toàn khỏe mạnh, không bị biến chứng của trẻ sinh non, các chức năng của mắt, tim, phổi... ổn định. Đây được coi là một thành công lớn vì có đội ngũ bác sĩ kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại.

Ngừng thở, nhiễm trùng huyết, bé 700g vẫn sống

Một trường hợp cũng được coi là hy hữu trong cuộc đời bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng nói riêng và khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai nói chung là trường hợp của bé Mận - Hoàng Thị Hoài Phương (Nghệ An). Bé Mận sinh ngày 10-9-2010 khi người mẹ đã và đang bị nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, bị sốt cao liên tục và đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Khi thai được 28 tuần, chị trở dạ và sinh bé Mận, chỉ nặng 700g. Chỉ một ngày sau khi sinh, người mẹ qua đời. Những năm tháng đầu đời, cứu sống bé Mận là một cuộc vật lộn của các bác sĩ. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, kể lại: “Trường hợp này quá đặc biệt với tôi, là một bệnh nhi mang trên người quá nhiều bệnh, phải nói là bé gần như chết rồi, khi chuyển sang khoa chúng tôi. Lúc đó bé Mận trong tình trạng lây nhiễm trùng huyết từ mẹ, thiếu ôxy, có dấu hiệu suy hô hấp nặng, ngừng thở”.

Tín hiệu duy nhất để các bác sĩ quyết định cứu bé là tim vẫn đập, dù rời rạc: 50 - 60 lần/phút (nhịp tim của trẻ sơ sinh bình thường là 120 lần/phút). Để cứu được bé, tập thể các bác sĩ ở đây đã dùng mọi thao tác cấp cứu như bóp bóng, ép tim lồng ngực, thở oxy. Sau 20 phút, bé đã đáp ứng với những hỗ trợ đó, cơ thể bắt đầu hồng hào, nhịp tim về lại bình thường. Sau 20 ngày bé đã có thể tự thở.

Xác định đây là ca khó, chưa từng có ở bệnh viện nên các bác sĩ đã lập hẳn một kíp trực, túc trực 24/24h. Các y tá còn phải đi xin sữa mẹ của các bà mẹ tại khoa cho bé Mận ăn, bên cạnh các loại sữa đặc biệt khác. Lồng ấp cũng phải đảm bảo đủ độ ẩm và nhiệt độ để tránh da bé bị bay hơi, mất nước. Phải tiêm kháng sinh để phòng ngừa các bệnh của trẻ sinh non như xuất huyết não, bệnh phổi mãn tính hay các bệnh liên quan về mắt. Sau 3 tháng chăm sóc, bé Mận đã được xuất viện với cân nặng 3,1kg.

Kỳ tích cứu sống bé gái nặng chỉ 500g

Giữ “kỷ lục” sinh non nhất trên thế giới hiện nay là Tom Thumb, người Đức chỉ nặng 275g nhưng bé sơ sinh chỉ nặng có 500g thì ở Việt Nam lần đầu tiên gặp. Việc nuôi dưỡng thành công em bé này là một kỳ tích đáng nể của Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Đó là bé Bùi Thị Gái (Bùi Thị Xuân, Hải Dương) chào đời ngày 31-3-2010 khi mới 25 tuần tuổi. BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương kể lại rằng khi người ta đưa xuống bé đã tím đen hết. Một đứa bé còn thiếu 15 tuần nữa mới chào đời. Ngay đến các bác sĩ mà nhiều người cũng không dám tin là cháu bé sẽ sống được. Nhưng khi ấy tôi nghĩ, mặc dù bé tuy tím đen nhưng tim vẫn còn đập, mình không thể  để cuộc đời này mất đi một sinh mạng trong khi chưa làm hết cách để cứu chữa. Vậy là quyết định cứu.

Ngay sau đó bé được dùng máy thở dành riêng cho trẻ sơ sinh, thuốc trợ phổi. 1 tiếng 30 phút sau, da cháu bắt đầu hồng lên, có đáp ứng với thở máy. Sau 1 tuần, các bác sĩ quyết định thay vì dùng máy thở, sẽ chuyển cho bé Gái sang dùng máy hỗ trợ thở, tiến hành song song với việc tự thở của bé. Suốt hơn 1 tháng trời mắt bé không mở được. Bé cũng không tiểu tiện, đại tiện được như một bé bình thường mà hoàn toàn phải dùng phương pháp nhân tạo... Trương lực cơ và phản xạ thì hầu như không có... Nguy hiểm hơn cả là bộ phận hô hấp của bé, dẫu hoạt động nhưng vô cùng yếu ớt. Thông thường, kể cả ở những trẻ sinh non, nhũ nhi phải hít vào thở ra mạnh đến nỗi nhìn rõ cả ngực phập phồng. Còn bé chỉ thở nấc, nghĩa là thỉnh thoảng mới nấc được một tiếng...

Nuôi dưỡng bé Gái cũng rất gian nan. Cũng như nhiều trẻ sinh non khác, vì quá bé, nên trong dạ dày của bé Gái có nhiều dịch dạ dày bẩn, cấu tạo hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, dạ dày nhỏ và nằm ngang, ruột thiếu các men tiêu hóa nên dễ bị hoại tử và không hấp thụ được sữa. Và vì thế bé Gái thường bị bụng trướng khi uống sữa. Tuy vậy không thể không cho bé làm quen với sữa. Do đó sau hai tuần nuôi đường tĩnh mạch, các bác sĩ đã cho bé ăn sữa, ban đầu là 1ml sữa rồi tăng lên 2ml.

Nhưng trên hết là phải tạo ra một môi trường vô trùng tuyệt đối để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng xảy ra, nhất là nhiễm trùng máu, hoại tử đường ruột. Một việc quan trọng nhất tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại là con đường ngắn nhất dẫn đến với tử thần, ấy là vệ sinh cá nhân. Nếu em không được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, em dễ dàng bị nhiễm khuẩn. Vì vậy mỗi lần vào phòng Gái, từ cái áo, khẩu trang, mũ đến tay, dép của điều dưỡng viên.... đều phải sát trùng. Trong gần 2 tháng trời, bé phải thở theo hình thức bóp bóng. Vì vậy cứ đến kíp trực của người nào thì người nấy phải bóp bóng đến đỏ tay. Tuy vậy các bác sĩ vẫn phải đấu tranh giành giật từng tý sự sống với tử thần khi thỉnh thoảng Gái lại không thở được, tím tái toàn thân, sốt cao không rõ nguyên nhân, nhiều lần tưởng chừng như không qua được. Nhưng những giờ phút ấy cũng qua đi và sau 2 tháng nằm viện, các bác sĩ khoa Sơ sinh đã thở phào nhẹ nhõm khi Gái có những dấu hiệu tích cực như tự thở…

Để cứu sống những em bé mới 500gr, 700gr, cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh ở những năm trước là điều không tưởng nhưng các bác sĩ của Việt Nam đã làm được điều kỳ diệu đó.  Đây thực sự là những kỳ tích đáng nể của nền y học Việt Nam.