Kỹ thuật “thắp sáng” tế bào ung thư

ANTĐ - Đó là tin vui đối với những phụ nữ bị ung thư buồng trứng khi quá trình điều trị của họ có thể áp dụng kỹ thuật tạo huỳnh quang tại tế bào ung thư giúp các bác sỹ phát hiện những khối u nhỏ nhất. Các nhà khoa học hy vọng điều này sẽ cải thiện việc phẫu thuật căn bệnh mà khi phát hiện thường đã ở giai đoạn muộn, với 2/3 số bệnh nhân sau khi phát hiện ra sẽ tử vong.

Tế bào ung thư tự “phát sáng” so với khối u quan sát bằng mắt thường

Người sáng chế kỹ thuật này, Giáo sư sinh học Philip Low, Đại học Purdue ở bang Indiana, Hoa Kỳ cho biết: “Ung thư buồng trứng thông thường rất khó nhận thấy, nhưng kỹ thuật này giúp các nhà phẫu thuật phát hiện được những khối u nhỏ chỉ bằng 1/30 khối u nhỏ nhất trong kỹ thuật hiện tại”. Trong 10 ca mổ thử nghiệm thành công gần đây, các nhà nghiên cứu đã tiêm “pháo sáng huỳnh quang” vào người bệnh nhân khoảng 2 tiếng trước khi phẫu thuật. Hóa chất này sẽ tác hợp với folic acid bám vào các tế bào ung thư buồng trứng.

Qua một máy quay đặc biệt, các bác sỹ phẫu thuật có thể nhận ra đâu là tế bào ung thư khi nó hiện lên màu xanh trên màn hình. Ý tưởng giúp Giáo sư Low phát triển kỹ thuật này là do tế bào ung thư thường “đói” folic acid, một dạng của vitamin B, để có thể sinh trưởng. Trong các loại ung thư như tử cung, phổi, thận, vú, ruột, tế bào ung thư buồng trứng được coi là tiêu thụ folic acid nhiều nhất.

Với giải pháp đầy hứa hẹn cho kết quả thành công của các ca phẫu thuật cắt bỏ khối u trong tương lai, Giáo sư Gooitzen van Dam ở Đại học Groningen, Hà Lan, nơi diễn ra các cuộc thử nghiệm cho rằng ông đã đoán trước được không bao lâu nữa kỹ thuật này sẽ trở thành tiêu chuẩn mới trong phẫu thuật ung thư.