Kỳ thi THPT quốc gia: Sẽ tăng cường kiến thức xã hội

ANTĐ - Chưa tới 3 tháng nữa, gần 1 triệu thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Đây là giai đoạn ôn thi gấp rút quan trọng để sẵn sàng đối mặt với kỳ thi quan trọng này. Với tuyên bố không đưa ra đề thi minh họa như năm ngoái, lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhận định, thí sinh am hiểu kiến thức về xã hội sẽ có lợi thế khi làm bài thi.

Kỳ thi THPT quốc gia: Sẽ tăng cường kiến thức xã hội  ảnh 1Học sinh cần cập nhật thông tin thời sự và luyện tập thành thạo phương pháp làm bài trước các đề thi mở

Vừa ôn thi vừa... xem tivi

Dù bắt buộc phải tập trung toàn lực vào việc ôn thi THPT quốc gia trong thời điểm này, nhưng một việc mà các thí sinh không quên chia sẻ kinh nghiệm cho nhau là dù bận học đến mấy cũng phải “bám” lấy tivi. Nguyên nhân xuất phát từ khẳng định của Bộ GD-ĐT về hướng ra đề thi THPT quốc gia năm nay. Theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, xu hướng của đề thi sẽ ra theo hướng đánh giá năng lực học sinh, tăng cường câu hỏi mở, gắn liền thực tiễn và câu hỏi vận dụng, bảo đảm độ phân hóa, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ. Đề thi THPT quốc gia năm nay sẽ gồm 60% kiến thức cơ bản và 40% nâng cao, về cơ bản giữ ổn định như kỳ thi năm 2015.

Đề thi năm 2016 sẽ gồm những câu hỏi yêu cầu tăng cường sự sáng tạo, vận dụng kiến thức vào cuộc sống của thí sinh, giảm tỉ lệ câu hỏi yêu cầu thí sinh phải ghi nhớ một cách máy móc, học thuộc lòng. Đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của bản thân về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với các vấn đề thời sự của quê hương, đất nước… PGS.TS Trần Văn Nghĩa khẳng định: “Bộ GD-ĐT sẽ không công bố đề thi minh họa năm nay dù trước đó, lãnh đạo Bộ vẫn khẳng định đang xây dựng và sẽ sớm công bố đề thi này. Một điểm thí sinh cần lưu ý là am hiểu kiến thức về xã hội sẽ có lợi thế khi làm bài thi... Thầy cô cần hướng dẫn học sinh tham khảo những đề thi năm trước để biết cách xử lý”.

Để thực sự nắm bắt, thông hiểu được những kiến thức xã hội, đối với học sinh THPT không phải là việc dễ bởi cần có quá trình tích lũy, so sánh, tư duy… Khi Bộ GD-ĐT thông báo chính thức, đề thi sẽ được ra theo hướng mở, đề cập vấn đề thời sự, Nguyễn Lan Anh, học sinh trường THPT Trần Phú chia sẻ: “Em và các bạn đều tự giác vừa ôn thi vừa xem tivi, đặc biệt là các bản tin thời sự trên truyền hình, đọc báo những sự kiện nổi bật, được nhiều người quan tâm vì bất cứ vấn đề nào cũng có thể được đề cập đến trong đề thi. Hơn nữa bản thân em cũng nhận thấy, việc theo dõi các thông tin thời sự kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội không chỉ tốt cho kỳ thi sắp tới mà còn thực sự xây dựng cho học sinh chúng em thói quen tốt trong việc tích lũy kiến thức thực tế thay vì chỉ biết chăm chú vào học kiến thức sách giáo khoa”…

Nắm vững phương pháp làm bài 

Đề thi mở đang khiến nhiều học sinh e ngại sợ phải tiếp cận những vấn đề bản thân chưa có khái niệm. Đây cũng là lo ngại của một số giáo viên, đặc biệt là với những nơi học sinh ít có điều kiện tiếp cận với thông tin báo chí, mạng xã hội… “Mới đây, trong đề thi học sinh giữa kỳ của học sinh một trường ở Vũng Tàu đưa câu hỏi liên quan đến bộ phim “Hậu duệ mặt trời”, một bộ phim truyền hình Hàn Quốc đang rất nổi tiếng. Tại trường THPT Yên Hòa, Hà Nội, câu hỏi về bộ phim này cũng được đưa và đề kiểm tra 15 phút môn tiếng Anh trong phần thi trắc nghiệm. Theo giáo viên ra đề, cách thi này gây hứng thú cho học sinh vì đánh trúng tâm lý. Vấn đề là nếu đưa ra một bộ phim dù nổi tiếng nhưng chưa được chiếu ở Việt Nam vào một đề thi quốc gia thì học sinh nông thôn làm sao có điều kiện tiếp cận để đưa ra nhận định của mình?”, một giáo viên Ngữ văn ở trường THPT Lương Thế Vinh, Ba Vì băn khoăn.

Cách ra đề mở đưa dữ liệu liên quan đến những người nổi tiếng vào đề thi đã khá phổ biến khi mới đây, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 của Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu, hình ảnh ca sĩ Trần Lập trong chương trình ca nhạc “Đôi bàn tay thắp lửa” cuối cùng của anh nhằm mục đích từ thiện đã xuất hiện trong đề thi môn Ngữ văn. Hay như đề thi thử nhận được nhiều sự ủng hộ của thí sinh do TS Phạm Hữu Cường, giáo viên Ngữ văn, Trung tâm Hocmai đăng tải cũng liên quan đến một bài hát nổi tiếng của ca sĩ này. Trước xu hướng này, có ý kiến không ủng hộ khi cho rằng cách ra đề này không thỏa đáng, dù không chê về cá nhân ca sĩ nhưng Trần Lập chưa đủ phổ biến để có thể đưa vào bài thi bởi nếu là học sinh ở vùng quê thì khả năng lớn các em sẽ không biết ca sĩ Trần Lập là ai, có những đóng góp gì… 

Tuy nhiên, theo TS Phạm Hữu Cường, một đề thi cho cuộc thi lớn như THPT quốc gia luôn đảm bảo cân đối trình độ của học sinh vùng miền. Thí sinh không nên quá lo lắng, ngay cả khi các em chưa từng biết đến vấn đề nêu trong bài thì đề thi dù mở đến đâu cũng phải chứa dữ kiện để học sinh giải được.

TS Phạm Hữu Cường cũng lưu ý thí sinh nên quan tâm tới một số vấn đề như biển đảo và trách nhiệm của thế hệ trẻ với biển đảo của đất nước; thực phẩm bẩn và lương tâm con người; sự vô tâm của con người nhìn từ vụ án ở Bình Phước; ý thức con người về biến đổi khí hậu… Mặc dù đề thi có thể mở rộng đến đâu thì trên hết phải nắm vững phương pháp, kỹ năng làm các bài nghị luận xã hội, nhất là dạng đề tổng hợp.

Đặc biệt, học sinh nên tập thói quen suy nghĩ, đánh giá, nhận xét, bày tỏ quan điểm riêng cũng như đưa ra các lý lẽ, lập luận về một vấn đề nào đó. Bởi vì, một bài văn nghị luận xã hội hay, đạt điểm cao không phải là đúng hay không đúng đáp án mà quan trọng là đưa ra được những quan điểm riêng về vấn đề cần bàn luận, những lập luận, lý lẽ vững chắc, có sức thuyết phục người chấm bài.

Hà Nội rà soát kiến thức 3 môn thi bắt buộc 

Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016, đặc biệt để có cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc giảng dạy, ôn tập cho thí sinh dự thi THPT quốc gia sắp tới, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổ chức rà soát 3 môn thi bắt buộc là Văn - Toán - Ngoại ngữ cho tất cả học sinh lớp 12. Năm nay, Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa nhưng Sở GD-ĐT sẽ phụ trách ra đề trong cuộc rà soát sắp tới dựa trên cấu trúc đề thi THPT quốc gia và đề thi minh họa năm 2015 cùng những hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về kỳ thi THPT quốc gia. Các trường và cụm trường sẽ phụ trách in sao đề thi, đảm bảo tính bảo mật. Bài thi sẽ rọc phách, chấm chéo nhưng không lấy kết quả thi để đánh giá vào điểm số năm học của thí sinh. Sở GD-ĐT sẽ ra đề thi dựa vào kiến thức lớp 12 là chủ yếu. Do chưa kết thúc năm học nên giới hạn kiến thức ra đề sẽ căn cứ vào chương trình các môn học này đến ngày 10-4-2016. Hiện nay Sở GD-ĐT vẫn đang yêu cầu các trường rà soát, lên danh sách những học sinh trung bình, yếu để có kế hoạch ôn tập phù hợp giúp các em vượt qua kỳ thi sắp tới. Còn với học sinh lớp 12 nói chung, Sở GD-ĐT cũng đã yêu cầu các trường bố trí giáo viên nhiều kinh nghiệm để giúp các em ôn tập theo chuyên đề, phân theo nhóm trình độ và sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của các em. 

Ông Chử Xuân Dũng (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội)