Kỳ thi ĐH-CĐ năm 2012: Hồ sơ đăng ký giảm mạnh

ANTĐ - Mặc dù thời hạn cuối nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH, CĐ 2012 là ngày 16-4 nhưng thực tế thí sinh chỉ còn 1 ngày để hoàn thành thủ tục này tại trường hoặc hệ thống thu nhận hồ sơ của Sở GD-ĐT. Đánh giá bước đầu, lượng hồ sơ ĐKDT năm nay giảm đáng kể.

Thí sinh không nộp nhiều hồ sơ

Các điểm thu nhận hồ sơ của Hà Nội đều không quá tải trong những ngày cuối

Một trong những quy định mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay là việc thí sinh có thể đăng ký không hạn chế lượt xét tuyển thay vì chỉ gói trọn trong 3 nguyện vọng như năm ngoái. Điều này đã khiến các thí sinh khá an tâm và chỉ tập trung đăng ký dự thi vào một trường theo đúng khả năng và sở thích thay vì đăng ký vài ba trường như các năm trước. Chính vì lý do này nên dù đã cuối thời điểm nhận hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ nhưng theo phản ánh của các cán bộ thu nhận hồ sơ, lượng đăng ký của thí sinh tự do giảm mạnh.

Bà Phạm Thị Hà, cán bộ thu nhận hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ Phòng GD-ĐT quận Đống Đa cho biết, hết ngày 13-4, tổng số hồ sơ thu nhận được tại điểm này chưa đến 500 hồ sơ, bao gồm cả hồ sơ của các trường dân lập. “Số lượng hồ sơ ĐKDT của thí sinh có xu hướng giảm từ 2, 3 năm nay nhưng năm nay còn giảm mạnh hơn” - bà Phạm Thị Hà cho biết. Còn tại Phòng GD-ĐT TP Hà Đông, cán bộ nhận hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ thông báo số lượng hồ sơ nhận được tới thời điểm này mới vỏn vẹn hơn 100 bộ, ít hơn nhiều so với năm trước.

Tại khối các trường THPT thời điểm này cũng đã hoàn thành việc nhận hồ sơ của học sinh lớp 12. Cô Thu Hà, trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: “Trung bình mỗi học sinh nộp 1,5 bộ hồ sơ giảm nhiều so với năm trước. Lượng hồ sơ giảm này do công tác tư vấn hướng nghiệp của trường triển khai rất cụ thể tới học sinh về công tác tuyển sinh năm nay. Trong tổng số gần 300 bộ hồ sơ của học sinh trong trường, phần lớn là hồ sơ đăng ký dự thi vào khối A và D, khối C, A1 rất ít”.

Vẫn nhầm trường và ngành không tổ chức thi

Theo bà Tạ Song Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện hệ thống các trường THPT toàn thành phố đang thống kê và chuyển hồ sơ ĐKDT của học sinh trường mình về Sở GD-ĐT. Một trong nhưng lỗi mà thí sinh mắc nhiều nhất theo bà Hà là sự nhầm lẫn giữa những trường có các ngành, khoa không tổ chức thi. “Theo quy định của Bộ GD-ĐT với những trường chỉ tổ chức xét tuyển thì thí sinh phải đăng ký thi nhờ những trường có tổ chức thi cùng khối thi với trường xét tuyển. Nếu đăng ký nhầm như vậy mà không kịp thời phát hiện, thí sinh sẽ mất cơ hội dự thi ĐH, CĐ năm nay” - bà Hà nhấn mạnh.

Để khắc phục tình trạng này, Sở GD-ĐT Hà Nội phải kiểm tra từng bộ hồ sơ, so với danh sách những trường không tổ chức thi. “Với những trường hợp phát hiện nhầm lẫn, chúng tôi đề nghị nhà trường liên lạc ngay với thí sinh để sửa lại hồ sơ đăng ký thi nhờ. Chúng tôi tạo điều kiện tối đa để thí sinh vẫn được đăng ký theo đúng nguyện vọng của các em” - bà Hà khẳng định.

Theo kế hoạch thực hiện công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 của Bộ GD-ĐT, thời hạn cuối cùng cho các thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT theo tuyến Sở GD-ĐT là 17h ngày 16-4. Tuy nhiên, hai ngày 14 và 15-4 trùng vào hai ngày nghỉ cuối tuần nên coi như thí sinh chỉ còn một ngày 16-4 để nộp hồ sơ. Mặc dù vậy, để tạo điều kiện cho thí sinh, một số điểm thu hồ sơ ĐKDT của Hà Nội thông báo sẽ tiếp tục nhận hồ sơ của thí sinh trong sáng 14-4. Thí sinh cần liên hệ với các điểm thu nhận hồ sơ trước khi đến nộp để biết chắc các điểm thu nhận này có hoạt động trong ngày nghỉ hay không. Sau ngày này, thí sinh có nguyện vọng nộp thêm hồ sơ có thể nộp tại các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi từ 17 đến 23-4.

Chọn 5.100 học sinh THPT để đánh giá theo chuẩn quốc tế PISA

Trong 3 ngày 12, 13, 14 tháng 4 Bộ GD-ĐT triển khai khảo sát chính thức PISA tại 162 trường thuộc 59 tỉnh, thành phố với khoảng 5.100 học sinh ở tuổi 15. Đây là chương trình nghiên cứu so sánh, đánh giá chất lượng giáo dục lớn nhất trên thế giới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Chương trình này được tổ chức định kỳ 3 năm một lần, và năm nay là lần đầu tiên Việt Nam tham gia PISA. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, những dữ liệu thu thập được từ PISA là cơ sở để so sánh mặt bằng giáo dục quốc gia với quốc tế, đưa ra kết quả phân tích và đánh giá về chính sách giáo dục quốc gia. Bộ GD-ĐT đề nghị các hiệu trưởng, giáo viên, học sinh tổ chức thảo luận về cách đánh giá của PISA, các dạng đề thi và phiếu hỏi để học sinh làm quen với cách hỏi thi và cách đánh giá của PISA. Đồng thời triển khai việc bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp THCS, THPT tại địa phương đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng PISA.