Kỷ niệm rất đỗi tự hào

(ANTĐ) - “Vượt qua bến Thượng Hải” sẽ ra mắt trong Những ngày phim Việt Nam mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Phim không chỉ hứa hẹn những bất ngờ bởi có sự phối hợp của các đạo diễn, diễn viên Trung Quốc, mà còn có sự tham gia của “diễn viên tay ngang” - Cục trưởng Cục quản lý giá - Nguyễn Tiến Thỏa. Đặc biệt, người đảm nhiệm vai Nguyễn Ái Quốc lại là gương mặt mới toanh.

Kỷ niệm rất đỗi tự hào

(ANTĐ) - “Vượt qua bến Thượng Hải” sẽ ra mắt trong Những ngày phim Việt Nam mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Phim không chỉ hứa hẹn những bất ngờ bởi có sự phối hợp của các đạo diễn, diễn viên Trung Quốc, mà còn có sự tham gia của “diễn viên tay ngang” - Cục trưởng Cục quản lý giá - Nguyễn Tiến Thỏa. Đặc biệt, người đảm nhiệm vai Nguyễn Ái Quốc lại là gương mặt mới toanh.

Diễn viên Minh Hải (trái) trong vai Nguyễn Ái Quốc ở Thượng Hải

Diễn viên Minh Hải (trái) trong vai Nguyễn Ái Quốc ở Thượng Hải

Cú điện thoại  bất ngờ

Gương mặt mới toanh của  làng điện ảnh là Minh Hải - diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam. Minh Hải từng vào vai Bác Hồ trong vở kịch của Nhà hát truyền hình. Có lẽ chính từ vai diễn này mà anh đã được các đạo diễn của bộ phim “Vượt qua bến Thượng Hải” để mắt tới. Từ một cú điện thoại bất ngờ của đạo diễn Triệu Tuấn, Minh Hải được mời đến thử vai. Bước vào phòng casting, anh thấy đạo diễn người Trung Quốc xếp một loạt ảnh Bác thời trẻ trên bàn, ông ta cho anh diễn thử ba phân đoạn mà theo Minh Hải là vô cùng “hóc búa”, đòi hỏi sự thể hiện bằng nội tâm, ánh mắt. Phân đoạn thứ nhất là cảnh Nguyễn Ái Quốc nhớ về cái Tết quê hương, nhớ về những người dân lầm than khi ở nơi đất khách người ta đang bắn pháo hoa rộn ràng đón Tết. Phân đoạn thứ hai là cảnh chia tay nữ y tá Phương Thảo - một người bạn đã giúp đỡ rất nhiều trong thời gian Người bị ốm Thượng Hải. Cái khó là không phải là cuộc chia tay của một đôi trai gái yêu nhau mà đó là của vị lãnh tụ với một nữ y tá. Phân đoạn thứ ba là cảnh Nguyễn Ái Quốc đang bị theo dõi. Người đội mũ zaket, mặc áo măng tô dài, chiếc mũ đội sụp xuống và ánh mắt phải nhìn thế nào để thể hiện việc biết rằng có một tên Việt gian giả đi bán thuốc lá để truy bắt mình.

Sau khi diễn xong, đạo diễn Phạm Đông Vũ - đạo diễn của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đề nghị nói chuyện với anh một chút về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sau cuộc nói chuyện đó, đạo diễn gọi anh lại bảo đi đo quần áo. 7 ngày sau thì anh nhận được cuộc điện thoại gọi đến từ Hãng phim Hội Nhà văn thông báo rằng: Minh Hải được chọn vào vai nam chính.

Áp lực quá  lớn

Diễn viên Minh Hải trong tạo hình Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp bà Tống Khánh Linh

Diễn viên Minh Hải trong tạo hình Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp bà Tống Khánh Linh

Từ việc tạo hình nhân vật đến việc diễn xuất làm sao để toát ra được phẩm chất của một vị lãnh tụ như Bác là một thách thức. Minh Hải tâm sự, lúc đầu cầm kịch bản anh thật sự hoảng hốt, và có cảm giác lo sợ. Vai diễn quá lớn so với tuổi đời và kinh nghiệm của Minh Hải, lại làm việc với một đoàn làm phim chuyên nghiệp, toàn diễn viên “có hạng” là điều mà Minh Hải trăn trở. Hàng chục đêm liền, không đêm nào Minh Hải được ngủ đủ 4 tiếng đồng hồ. Anh tìm kiếm, đọc nhiều tài liệu về Bác, đặc biệt là những tài liệu nói về thời kỳ hoạt động của Bác năm 1933 tại Thượng Hải. Cuối cùng Minh Hải đã tìm ra cách đi của riêng mình.

Có lợi thế cũng là người Nghệ An nên giọng nói của Minh Hải trong phim cũng thuận lợi. Từ lời Bác nói ngày 2-9-1945 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử với câu hỏi “Tôi nói đồng bào nghe rõ không” đã ăn sâu vào tâm thức, vào trái tim mỗi con người Việt Nam, Minh Hải đã tự tìm tòi băng đĩa, nghe sửa giọng và tập để nói giọng Người vào khoảng năm 1933 trên phim cho thật chuẩn. Đọc nhiều tài liệu về Bác, nhưng Minh Hải tự ép mình không xem những bộ phim mà các diễn viên tên tuổi trước đó đã từng đóng vai Bác Hồ bởi anh muốn có một lối diễn riêng và không bị dựa vào cái bóng của những người đi trước. Nỗ lực tìm tòi và cách làm việc nghiêm túc đã giúp cho anh tự tin hơn với vai diễn của mình.

Những câu chuyện cảm động về Bác

Xuyên suốt trong cả bộ phim là những cảnh quay xúc động về vị lãnh tụ của dân tộc khi Người ở xa Tổ quốc nhưng trong lòng lúc nào cũng đau đáu nghĩ về quê hương. Chính cái cao cả của vị lãnh tụ làm cho Minh Hải khi diễn quên hết tất cả mệt nhọc và thách thức. Mặc dù có những cảnh quay khi thời tiết là âm 6 độ, Bác Hồ đi dạo cùng một người trợ lý, Bác chỉ mặc một chiếc áo rất mỏng. Minh Hải kể lại, trước khi bấm máy anh đã run cầm cập, lạnh đến cứng cả hàm nhưng cho đến khi đạo diễn hô: “bắt đầu” là mọi thứ biến đi đâu cả. Không thấy lạnh, không thấy run mà chỉ thấy cả trường quay khoảng 500 người vẫn im phăng phắc khi nghe Bác nói với người trợ lý: “Đã lâu lắm rồi mới được hưởng không khí tự do như thế này”. Người nhớ đến một câu hò ví dặm và Người cất tiếng hát. Máy vừa cắt thì cả trường quay vỗ tay như pháo rang. Lúc đó đã là 3h sáng nhưng cả đoàn làm phim dường như không ai thấy mệt mỏi.

Hay như trong một cảnh quay khác, Bác nghe tin cô y tá Phương Thảo chết khi đang nói chuyện với Tổng biên tập Báo Nhân đạo Pháp. Lúc đó diễn viên Minh Hải phải chuyển từ tâm trạng rất vui của cuộc nói chuyện sang cái tâm trạng bất ngờ và đau xót. Theo yêu cầu, Minh Hải phải diễn làm sao để nước mắt phải chảy chỉ trong 3 giây, tiếp ngay sau đó là ánh mắt của Người lại trở nên cương nghị vì phía trước còn Tổ quốc, còn đồng bào đang lầm than. Trong một phân đoạn ngắn, phải thay đổi cảm xúc liên tục, nhiều người trong đoàn làm phim đề nghị Minh Hải xoa dầu trước cảnh diễn để làm cay mắt. Nhưng Hải đã không làm vậy vì chính lòng yêu nước và sự hy sinh của Người đã làm anh cảm động. Và nước mắt của Người đã chảy. Cho đến bây giờ khi xem lại phim, Minh Hải cũng không nghĩ rằng mình đã diễn như thế, nếu có cho anh diễn lại chắc cũng không thể làm được.

Bộ phim “Vượt qua bến Thượng Hải” có 2 giai đoạn đó là Nguyễn Ái Quốc thời trẻ và Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Ở giai đoạn sau, Bác có quay lại Trung Quốc và gặp gỡ Tống Khánh Linh. Minh Hải kể rằng suốt nhiều ngày trời làm phim nhưng chỉ có ít người biết là Hải đóng vai Nguyễn Ái Quốc. Nhưng đến khi hoá trang thành Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc quần áo kaki giản dị với bộ râu dài, thì hàng trăm người trong ekip làm phim của Trung Quốc đã hô lên “Hồ Chí Minh… Hồ Chí Minh” - họ đã nhận ra Hồ Chủ tịch của nước Việt Nam mà họ đã từng biết. Họ thi nhau mời diễn viên đóng vai Bác Hồ đi chụp ảnh lưu niệm. Bác Hồ của dân tộc Việt Nam nhưng đã được bạn bè trên khắp thế giới yêu mến và kính trọng. Với Minh Hải có lẽ đây là kỷ niệm rất đỗi tự hào và không thể nào quên.

Đinh Kiều Nguyên