Kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Khảo cổ học Việt Nam

ANTD.VN -Sáng 26-12, tại Hà Nội, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập (1968 – 2018).

Trong suốt 50 năm qua, Viện Khảo cổ học luôn bám sát chức năng và nhiệm vụ được giao, thực hiện một hệ thống các đề tài và nhiệm vụ phong phú, đa dạng trong việc nhiên cứu lịch sử - văn hóa - văn minh Việt Nam.

Viện khảo cổ học Việt Nam là đơn vị chủ trì nghiên cứu khai quật khảo cổ học tại Hoàng Thành Thăng Long - "Đường nước"- là một trong những phát hiện quan trọng cho thấy quy mô của Kinh thành Thăng Long xưa

Phát biểu trong Lễ kỷ niệm, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam Nguyễn Gia Đối cho biết: Trong suốt mấy chục năm qua, mỗi thời kỳ có mức độ khác nhau, các nhà nghiên cứu của Viện đã bền bỉ vượt mọi khó khăn nguy hiểm, tiến hành khảo sát, khai quật ở khắp trên rừng dưới biển, lần lượt xác định các dấu mốc quan trọng trong tiến trình tiến hóa người, môi trường sinh thái và di tồn văn hóa các cộng đồng dân cư thời tiền sử trên đất nước ta.

Đó là những phát hiện về hóa thạch người vượn ở Thẩm Khuyên, Thẩm Hai; những hóa thạch ở người hiện đại. Đó là những phát hiện về di tồn văn hóa của người nguyên thủy với các sưu tập công cụ sơ kỳ Đá cũ ở Núi Đọ (Thanh Hóa) và gần đây là ở An Khê (Gia Lai) có niên đại từ khoảng 80 vạn đến 30 vạn năm. Đó là các kỹ nghệ hậu kỳ Đá cũ như Sơ Vi, Tiền Hòa Bình có niên đại 4-3 vạn năm cách ngày nay...

Những công trình khảo cổ học thời lịch sử cũng đã đóng góp các chứng lý vật chất về sức sống của văn hóa Việt và người Việt trong đêm trường nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Thành tựu quan trọng đó cũng góp phần lý giải thuyết phục cho hiện tượng “phục tập” rực rỡ của văn hóa Đại Việt thế kỷ 10 - 15.

Đặc biệt, Khảo cổ học lịch sử đã có thêm khối tư liệu đồ sộ từ khai quật nghiên cứu khảo cổ tiêu biểu là Hoàng Thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ… đã minh chứng cho tầm vóc văn hóa, văn minh, văn hiến Đại Việt đậm đà bản sắc dân tộc, hội tụ, kết tinh tinh hoa văn hóa phương Đông đương đại.

Ngoài những công trình nghiên cứu về văn hóa Đại Việt, còn có thêm những đóng góp quan trọng nghiên cứu về văn hóa Champa ở Trung Bộ và văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ. Từ đó, xác định diện mạo văn hóa vật chất, tín ngưỡng, tôn giáo, nguồn gốc bản địa kết hợp với tiếp xúc ảnh hưởng văn hóa từ Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Viện Khảo cổ cũng đã triển khai các đề tài nghiên cứu về thời văn minh và nhà nước sớm ở Việt Nam, mở đầu bằng Chương trình Nghiên cứu thời kỳ các vua Hùng dựng nước. Các công trình này tiêu biểu cho những đóng góp của ngành khảo cổ học vào công cuộc nghiên cứu lịch sử dân tộc, chứng minh sự tồn tại của các xã hội phân tầng, đạt trình độ văn minh cao với sự phát triển của nông nghiệp trồng lúa, nghề luyện kim đúc đồng, trao đổi sản phẩm… là nền tảng kinh tế xã hội cơ bản của nhà nước sơ khai Văn Lang - Âu Lạc.