Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2025): Tôn vinh chiến thắng và giá trị hòa bình, hợp tác và phát triển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kỷ niệm Chiến thắng 30-4-1975 là dịp để tôn vinh giá trị của tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, mở ra cơ hội hợp tác phục vụ lợi ích thiết thực của đất nước, đồng thời thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển.

Cái giá không nhỏ của chiến thắng

Trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 24-5 liên quan đến quan hệ Việt Nam - Mỹ trong bối cảnh Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Chiến thắng 30-4 là chiến thắng của lương tri, của chính nghĩa, chấm dứt mất mát, đau thương không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà còn biết bao gia đình người dân Mỹ. Những năm qua đã chứng kiến nỗ lực to lớn của nhiều thế hệ người dân Việt Nam và người dân Mỹ để hai nước phát triển quan hệ như ngày hôm nay. Kỷ niệm 30-4 là dịp để tôn vinh những giá trị bất diệt của lòng vị tha, của hòa bình, của hòa giải và hàn gắn, của tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”.

Pano chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2025)

Pano chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2025)

Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) là một trong những cuộc chiến kéo dài và ác liệt nhất. Ðế quốc Mỹ đã huy động vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam một khối lượng bom đạn, vật chất kỹ thuật chưa từng có trên một địa bàn tương đối hẹp; đã sử dụng mọi loại vũ khí hiện đại nhất, trừ bom nguyên tử; đã đưa số quân Mỹ vào miền Nam lúc cao nhất lên tới hơn nửa triệu quân cùng với một lực lượng lớn hải quân, không quân chiến lược, chiến thuật, 7 vạn rưỡi quân các nước theo Mỹ và hơn một triệu quân ngụy. Đó là một quân số kỷ lục cho một cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới.

Mỹ đã thi thố mọi chiến lược, chiến thuật chính trị, quân sự, ngoại giao, đã dùng những thủ đoạn chiến tranh tàn bạo nhất: Bao vây phong tỏa, khủng bố toàn diện, tàn phá kinh tế, tiêu diệt con người, phá hủy môi trường bằng chất độc da cam, để lại hậu quả nặng nề cho nhiều thế hệ người Việt Nam và cả cựu binh Mỹ. Hàng loạt các chiến lược gia, các tướng lĩnh bậc nhất của Mỹ cũng đã được Nhà Trắng và Lầu Năm góc đưa ra để đấu trí với Việt Nam.

Trong cuộc đọ sức khắc nghiệt này, Việt Nam đã chiến thắng. Nhân dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho đất nước; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, cái giá đi đến chiến thắng đó cũng không nhỏ. Theo con số thống kê, gần 2 triệu thường dân Việt Nam thiệt mạng, hơn 2 triệu người mang thương tật suốt đời. Lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam (bao gồm cả Quân Giải phóng miền Nam) có khoảng 1,1 triệu quân nhân hy sinh trong những trường hợp khác nhau (trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, gặp tai nạn, ốm đau trên đường hành quân), 600.000 quân nhân bị thương hoặc bị bệnh. Trong số hy sinh, có 300.000 quân nhân chưa tìm được hài cốt.

Giờ đây, cuộc sống bình yên đã trở lại với sự hồi sinh của màu xanh trên khắp mọi miền đất nước. Nhưng hậu quả chiến tranh vẫn còn hiển hiện, từ thương tích trên cơ thể những cựu chiến binh và dân thường, những bệnh tật và dị tật của nạn nhân chất độc hóa học, đến sự ly tán trong nhiều gia đình; từ những thảm thực vật hoàn toàn biến dạng, đến những vùng đất bị nhiễm độc hoặc có bom mìn còn sót lại...

Theo ước tính, ở Việt Nam có khoảng 150.000 trẻ em bị dị dạng ngay từ khi mới sinh ra, do cha mẹ bị phơi nhiễm chất da cam. Khoảng 3 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm dioxin trong chiến tranh và ít nhất có một triệu người đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ chất độc da cam. Nhiều người trong số họ là các cựu chiến binh. Từ sau năm 1975 đến nay, tai nạn do bom mìn còn sót lại phát nổ vẫn liên tục xảy ra, khiến hơn 40.000 người chết và hơn 60.000 người bị thương.

Hành trình dài hướng đến hòa giải

Nửa thế kỷ sau khi chiến tranh chấm dứt, Việt Nam vẫn đang phải gồng sức trong cuộc vật lộn với hậu quả khắc nghiệt của chiến tranh. Vì vậy, mỗi dịp 30-4 lại nhắc nhở chúng ta về cái giá phải trả cho chiến thắng đó. Tuy nhiên, nó không gợi nhớ chúng ta sự hận thù, mà khơi dậy những giá trị bất diệt của lòng vị tha, của hòa bình, của hòa giải và hàn gắn.

Trong những năm qua, với tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, Việt Nam đã nỗ lực cùng Mỹ thúc đẩy hòa giải. Đây là chặng đường nhiều chông gai bởi quá khứ nặng nề của chiến tranh. Những nghi kỵ, đối đầu trong thời kỳ cấm vận càng khiến quá trình hòa giải, xây dựng lòng tin thêm khó khăn. Thế nhưng, với quan điểm nhất quán của Việt Nam “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, các vật cản dần được tháo gỡ.

Từ khởi đầu bằng việc xây dựng niềm tin thông qua các vấn đề do chiến tranh để lại, như tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA), tái đoàn tụ các gia đình tị nạn, các chương trình nhân đạo, quan hệ Việt - Mỹ từng bước được khai thông, hợp tác dần mở rộng sang hầu hết các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, đến giáo dục, khoa học, công nghệ…

Đặc biệt, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, chúng ta đã chứng kiến giai đoạn phát triển mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc trong quan hệ Việt - Mỹ. Các đời Tổng thống Mỹ thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều thăm Việt Nam, cho thấy nội bộ Mỹ có sự đồng thuận cao về tăng cường quan hệ với Việt Nam. Nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam vào tháng 9-2023, Việt Nam và Mỹ đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững, mở ra tầm nhìn hướng tới tương lai trong quan hệ giữa hai nước.

Sau 30 năm kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ (1995-2025), giờ đây với Mỹ, Việt Nam là một đối tác quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương, có những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, một nền kinh tế mới nổi với nhiều cơ hội hợp tác, một mảnh đất yên bình, tươi đẹp và cuốn hút du khách. Ở thời điểm bình thường hóa quan hệ, chúng ta khó có thể hình dung được những bước phát triển đó.

Nếu như có điều kiện đi thăm nước Mỹ và tiếp xúc với nhân dân Mỹ thuộc các tầng lớp khác nhau, hẳn sẽ thấy sự quan tâm cao, thái độ thiện chí và tình cảm hữu nghị với nhân dân Việt Nam khá phổ biến. Trong hợp tác kinh tế - thương mại, nếu như kim ngạch thương mại song phương Việt - Mỹ năm 1995 mới đạt 450 triệu USD, thì đến năm 2024 đã đạt gần 134,6 tỷ USD, tăng gần 300 lần. Đặc biệt, kể từ năm 2014 đến nay, Việt Nam trở thành nước ASEAN xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ.

80 năm trước, ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến Tổng thống Mỹ Harry Truman bày tỏ ý nguyện thiết lập “hợp tác đầy đủ” với Mỹ. Lịch sử đã không đi con đường bằng phẳng trước khi Việt Nam và Mỹ trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nhau. Nhưng hành trình dài hướng đến hòa giải giữa Việt Nam và Mỹ là bằng chứng cho thấy điều mà Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ năm 2014 đến 2017 Ted Osius mô tả trong cuốn sách “Không gì là không thể - Quá trình hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam”. Bởi vì quan hệ Việt - Mỹ phát triển tích cực, ổn định không chỉ phục vụ lợi ích thiết thực của người dân hai nước, mà còn phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển. Đó là xu thế không thể đảo ngược.